7 đoạn mở bài Việt Bắc hay sáng tạo và ý nghĩa nhất

7 đoạn mở bài Việt Bắc sáng tạo nhất giúp cho người đọc và người nghe có thể cảm nhận được những khó khăn gian khổ trong thời kỳ kháng chiến.

Ai trong chúng ta cũng đều đau đầu trước việc mở bài sao cho hay, sao cho cảm xúc và còn phải mang trọn ý nghĩa của toàn bài. Bạn đã từng gặp khó khăn trong việc không biết phải viết mở bài cho “Việt Bắc” thế nào chưa? Nếu bạn vẫn đang băn khoăn, thì hãy tham khảo một số cách mở bài “ Việt Bắc” dưới đây nhé.

7 đoạn mở bài Việt Bắc hay sáng tạo và ý nghĩa nhất

7 Đoạn mở bài Việt Bắc

Các đoạn mở bài “Việt Bắc” tham khảo

Mở bài 1:

“Nhà thơ như con ong biến trăm hoa thành mật ngọt

Một mật ngọt đòi vạn chuyến ong bay.”

(Chế Lan Viên)

Quả thật, giữa cánh đồng hoa thi cả cách mạng khắc nghiệt, những chú ong vẫn đang chăm chỉ nối đuôi nhau kiếm tìm “mật ngọt” trong chặng đường thi ca của mình. Và Tố Hữu cũng chính là một trong những chú ong đó. Giữa muôn vàn chuyến bay góp nhặt, giữa muôn vàn ca từ hay nói về con người anh hùng trong thời thì kháng chiến. Bài thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu ra đời như một hũ “mật ngọt” rót vào sự tàn khốc của chiến tranh. Xuân Diệu đã từng nhận định về “Việt Bắc”: “Việt Bắc” là đỉnh thơ cao nhất mà Tố Hữu đã bước lên.” Và lời nhận định ấy quả thật chính xác. Tố Hữu đã sử dụng sự góp nhặt trong những chuyến kiếm tìm của mình, để tạo nên một thi phẩm chính luận nhưng mang đậm chất “trữ tình”. Bài thơ “Việt Bắc” là nỗi nhớ về Việt Bắc của chính nhân vật trữ tình, là sự khắc hoạ vẻ đẹp thiên nhiên kì vĩ của  núi rừng Tây Bắc và vẻ đẹp anh hùng của những người chiến sĩ.

Mở bài 2:

“Thơ ca trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật.” (Bêlinxki) Quả thật, cuộc đời là bến đỗ, là cội nguồn để thơ nảy mầm, bắt nguồn từ cuộc đời, thơ ca mới gieo hạt trong lòng thi sĩ để tìm kiếm vẻ đẹp và tiếng nói tâm hồn đồng điệu. Trong hành trình thơ ca cách mạng, nếu Bác Hồ được biết đến là cây bút: hiện thực cách mạng với những câu thơ thể hiện rõ tinh thần thép và tâm trạng lo lắng cho dân cho nước; hay thế hệ sau như Phạm Tiến Duật với một hồn thơ tinh nghịch, mà hiên ngang,… thì đến với Tố Hữu, người đọc sẽ đến với một hồn thơ chính luận – mà đậm chất trữ tình. Mà ở đó, thi phẩm “Việt Bắc” chính là đỉnh cao cho chặng đường thơ Tố Hữu, và là tác phẩm tiêu biểu trong dòng chảy thi ca cách mạng. Bài thơ là nỗi niềm nhớ mong của nhân vật trữ tình với thiên nhiên và con người nơi rừng núi Tây Bắc, để rồi từ những nhung nhớ đó, cảm xúc dạt dào tác giả đã khắc tạc một thiên nhiên Việt Bắc hùng vĩ và con người chân chất, cùng hình tượng oai hùng của người chiến sĩ.

Mở bài 3

“Thơ ca là tri thức đầu tiên và cuối cùng – nó bất diệt như trái tim của con người.” (William Wordsworth) Thật vậy, thi ca mở ra cho con người về thế giới của ngôn từ dạt dào cảm xúc, và nó chỉ chịu khép mình lại khi con người ngừng cảm xúc. Trong dòng chảy của nền thi ca cách mạng, Tố Hữu chính là nhà thơ tạo nên cái bất diệt của thi ca. Bài thơ “Việt Bắc” ra đời là sự nhung nhớ về quá khứ tại núi rừng Tây Bắc, nơi có những con người thân thương, là nhịp đập bồi hồi của tác giả khi nhắc lại hành trình gian khổ mà đậm sâu nghĩa tình. “Việt Bắc” ra đời chính là sự thể hiện sâu sắc cho nhưng kỉ niệm chưa bao giờ phai nhòa trong trái tim người chiến sĩ – Tố Hữu, là khắc tạc ấn tượng tới người đọc về một thiên nhiên hùng vĩ, con người chân phác nơi núi rừng Tây Bắc, là sự ngợi ca vẻ đẹp hùng dũng của người chiến sĩ.

Mở bài 4

“Thơ là viên kim cương lấp lánh dưới ánh ánh mặt trời.” (Sóng Hồng) Thật vậy, mỗi bài thơ khi được thi sĩ góp nhặt những hạt chữ vàng để tạo thành, qua quá trình mài giữa và tôi luyện, nó sẽ trở thành những viên kim cương lấp lánh trong tâm hồn người đọc. Nếu “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm là sự tự hào về một dân tộc anh hùng, “Sóng” của Xuân Quỳnh là dòng chảy ngọt ngào trong sự khốc liệt của chiến tranh, thì “Việt Bắc” của Tố Hữu xuất hiện là sự phản ánh về một tác phẩm vừa mang đậm tinh thần chính luận – vừa mang đậm chất trữ tình sâu sắc. Bài thơ là cảm xúc dạt dào của người chiến sĩ đối với những kỉ niệm về một thời đã xa. Để rồi qua đó, tác giả khắc tạc trong trí nhớ về một Việt Bắc với: thiên nhiên tráng lệ, những con người đôn hậu, và hình tượng của những người chiến sĩ anh hùng.

Mở bài 5

“Bài thơ anh anh làm một nửa mà thôi

Còn một nửa cho mùa thu làm lấy

Cái xào xạc hồn ánh chính là xào xạc lá

Nó không là anh nhưng nó là mùa.”

(Chế Lan Viên)

Quả thật đúng như thế, phải yêu biết bao nhiêu, phải say đắm biết bao nhiêu thì con người ta mới quyết định nhường tiếng nói ân tình lại cho nhau. Nếu Chế Lan Viên nhường mùa thu nói lên tiếng lòng của mình đang thao thức mong nhớ; thì với Tố Hữu, ông nhường cho cảm xúc “người ở” qua phong cách trữ tình chắp bút chính luận của ông, để khắc tạc nên một bức tranh thiên nhiên Tây Bắc trọng vẹn kỳ vĩ, một hình ảnh con người chân chất; và cả một hình tượng anh hùng cao đẹp trong bài thơ “Việt Bắc”. Tác phẩm là đỉnh cao thơ Tố Hữu, là nỗi niềm nhớ mong của tác giả đối với con người chất phác nơi núi rừng Tây Bắc, là sự chìm đắm trong vẻ đẹp bốn mùa của thiên nhiên hùng vĩ và là sự ngợi ca về những người chiến sĩ cùng nhau sát cánh tiến lên phía trước.

Mở bài 6

“Thơ chỉ bật ra trong tim khi cuộc sống đã thật tràn đầy.” (Tố Hữu) Thật vậy, thơ hay cũng như tiếng lòng thông suốt của chính nhân vật trữ tình về cuộc đời, về những vẻ đẹp vĩnh hằng của cuộc sống. Như chính lời nhận định của Tố Hữu, bài thơ “Việt Bắc” hiện lên chính là khắc sâu vào nỗi sống “tràn đầy” của chính tác giả. Trong dòng chảy của nền thơ ca cách mạng Việt Nam, Tố Hữu là cái tên tiêu biểu với nhiều những đóng góp xuất sắc, tạo nên những dấu “triện” riêng. Bài thơ “Việt Bắc” chính là một trong những tác phẩm đỉnh cao phong cách thơ Tố Hữu. Bài thơ là những nét khắc họa về tình cảm gắn bó như “cá với nước” của quân và dân Việt Bắc, dù giờ đây xa cách hai nơi, nhưng tình cảm gắn bó suốt 15 năm nghĩa tình vẫn thôi thúc Tố Hữu “bật” lên những câu thơ lay động lòng người.

Mở bài 7

“Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ 

Nơi nào qua, lòng lại chẳng yêu thương?

Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn!”

(“Tiếng hát con tàu” – Chế Lan Viên)

Quả thật là vậy, phải làm sao ngừng yêu ngừng nhớ, ngừng thôi trông ngóng trong bóng người? Phải làm sao để tâm hồn đủ đầy, khắc trọn vẹn ân tình nghĩa thuỷ chung? Phải yêu bao nhiêu, thương nhớ bao nhiêu mảnh đất ấy, con người ấy thì mới có thể cảm nhận sâu sắc về tâm hồn họ, về cảm nhận chân thật nơi cõi lòng mình. Phải chăng vì thấu hiểu quá nhiều, vì dành trọn yêu thương cho mảnh đất và con người nơi núi rừng Tây Bắc, nên khi đọc thơ Tố Hữu ta mới cảm nhận được cái xúc động lòng người, cái nao nao, rưng rưng mà dạt dào cuộn trào nhớ thương da diết? Tất cả những điều trên, đều được lý giải trong “Việt Bắc” của Tố Hữu. Bài thơ là nỗi niềm nhớ nhung của tác giả với đồng bào, với thiên nhiên và đồng đội đã xa cách nơi Tây Bắc. Mười lăm năm gắn bó nghĩa tình, mười lăm năm tình “quân dân như cá với nước”, mười lăm năm ấy, như dấu ấn khó phai nhòa trong tâm hồn thi sĩ, và cũng chính mười lăm năm ấy, tạo nên sự độc đáo, sắc son cho thi phẩm.

Trên đây là 7 đoạn mở bài của bài thơ Việt Bắc, các bạn có thể tham khảo để sử dụng ở trong bài viết của mình. Chúc các bạn thành công!

Xem thêm: Phân tích 4 khổ thơ đầu bài thơ Sóng – Xuân Quỳnh

Ngữ Văn Lớp 12 -