Cảm nghĩ về nhân vật Dế Mèn và Dế Choắt chi tiết đầy đủ nhất
Cảm nghĩ về nhân vật Dế Mèn và Dế Choắt hay và hoàn chỉnh nhất được thể hiện bởi lời văn của giáo viên Ngữ Văn giỏi.
Trong chương trình Ngữ Văn lớp 6, tác giả Tô Hoài đã mang đến cho độc giả tác phẩm “Dế Mèn phiêu lưu ký”. Tác phẩm vừa giảng dạy đến thế hệ học sinh, đồng thời cũng là thông điệp gửi đến tất cả mọi người. Thông qua nhân vật trung tâm là Dế Mèn với những nét tính cách khác lạ, cùng với Dế Choắt – chú dế góp phần làm thay đổi con người Mèn. Qua tác phẩm, hãy nêu một cách ngắn gọn nhưng vẫn đầy đủ hình ảnh, ý nghĩa và cảm nghĩ của anh/chị về nhân vật Dế Mèn và Dế Choắt.
Cảm nghĩ của anh/chị về nhân vật Dế Mèn:
Trong chặng hành trình văn học Việt Nam, có nhiều tác phẩm được sáng tác nhằm mục đích giáo dục và phát triển con người theo chiều hướng tốt như: truyện cổ tích “Thạch Sanh”, truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên”, truyện cổ tích “Tấm Cám”, truyện cười “Lợn cưới áo mới”, truyện ngụ ngôn “Thầy bói xem voi”,… nhưng khi đến với chương trình Ngữ văn lớp 6, ta không thể bỏ qua đoạn trích “Bài học đường đời đầu tiên” trích từ “Dế Mèn phiêu lưu ký” của tác giả tài năng Tô Hoài. Tác phẩm là quá trình lớn lên, trưởng thành và tìm kiếm con đường riêng của Dế Mèn; đặc biệt, đoạn trích là sự gợi nhắc về một Dế Mèn từng ngang ngược, kiêu ngạo và đã phải nhận lấy bài học đầu tiên đắt giá.
Thường thì, khi mới sinh ra các loài động vật sẽ được cha mẹ bao bọc cho tới khi trưởng thành. Nhưng ở đây, Dế Mèn đã được cha mẹ tạo cho một cuộc sống riêng, độc lập từ rất sớm. Dế ta cũng là một người rất thích tự do bay nhảy, vì vậy, khi được cha mẹ cho ra ở riêng, cậu đã nhanh nhẻo mà đồng ý. Cuộc sống ở riêng, khiến chú rèn luyện tốt tính tự lập, tính độc lập; đặc biệt, trong phong cách sinh hoạt cùng cách sống, chú ta khá tự do, tự tại và thoải mái. Ở riêng, không được chăm sóc là vậy, nhưng Mèn ta vẫn ăn uống đầy đủ và rất điều độ; chẳng mấy thời gian mà chú ta giờ đã lớn nhanh như phổng. Dế Mèn giờ tây, tự tin mình là một người rất cường tráng và khỏe mạnh. Qua chi tiết này, ta thấy được, chú Dế này rất quan tâm tới vẻ bề ngoài của mình; đồng thời, chú là người rất chăm chỉ và kiên trì. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, Dế Mèn còn là một chú nhóc rất thích khám phá và tìm tòi ở khắp nơi, chú thích tìm hiểu, thích tự mình trải nghiệm, và có đôi khi thứ chú cảm nhận đơn giản chỉ là việc nhìn ngắm bầu trời trong xanh, như thể chú đang tự đắc soi nhìn bản thân qua tấm gương là bầu trời. Cũng kể từ những trải nghiệm khám phá đơn giản, nhẹ nhàng này, khiến chú lầm tưởng bản thân mình đã thực sự vô địch. Chính bản tính này, đã biến Mèn từ một chú dế tự tin, tự do, trở thành một chú dế hiếu thắng, hung hăng, tự đại, không coi ai ra gì và luôn làm ra những trò dại khờ.
Trong một lần xem mình là số một, cậu đã bày trò nghịch ngợm, chọc ghẹo đến chị Cốc. Ấy vậy mà, khi bị phát hiện, cậu không dám nhận lỗi lầm, ngược lại còn đổ hết tội danh lên đầu của Dế Choắt. Dế Choắt là một chú dế nhát gan lại còn ốm yếu; vậy mà chú ta lại bị sự kiêu căng và ích kỷ của Mèn hại chết. Trò nghịch dại của Mèn bị chị Cốc phát hiện ra khiến cho Choắt phải chịu bị chị Cốc mổ tới chết. Choắt cứ như vậy, khi cơ thể còn hoạt động, mà bị mổ tới chết, không thể nào tìm được con đường thoát thân cho chính mình. Trước khi lìa xa cõi đời, Dế Choắt đã gắng hết sức mình đưa ra những lời khuyên đến với Mèn. Rằng hãy từ bỏ đi cái thói khoác lác, cái thói xem nhẹ người khác và những trò nghịch ngợm không có đường rút lui; nếu không rồi sẽ có một ngày rước họa vào thân mà không kịp than thở với ai. Nếu là bạn trong hoàn cảnh của Dế Choắt, liệu bạn có đủ sáng suốt và tốt bụng để đưa ra lời khuyên tới người đã hại chết mình chăng? Cái chết là sự kết thúc cuộc đời Choắt, nhưng cũng chính là bước ngoặt của cuộc đời Dế Mèn.
Dế Mèn là một chú dế ham mê cuộc sống độc lập, say mê với tự do và khám phá. Chú thích làm những điều mới mẻ, trải nghiệm những điều khác lạ; nhưng chú cũng là một người tự đại, kiêu ngạo và ích kỷ, chỉ biết sống cho chính bản thân mình mà quên mất về cuộc đời của người khác. Bản tính khoác lác, tự cao, xem nhẹ người khác, đã khiến chú nghịch ngợm, và làm hại đến những người yếu thế hơn mình. Để rồi, cái chết của Dế Choắt, chính là một gáo nước lạnh dội vào con người sai trái của chú, khiến chú thức tỉnh và nhận ra lỗi lầm của mình. Dế Choắt chết, để lại cho chú lời khuyên, lời khuyên ấy giúp chú tỉnh táo, giúp chú nhận ra sai lầm tai hại của mình đã liên lụy đến người khác. Chính cái chết của Choắt đã đưa chú một lần nữa trở về với đúng đắn bản tính con người của mình. Sự phục thiện của Dế Mèn chính là bài học đường đời đầu tiên của cậu, điều này được Tô Hoài khắc họa ở cuối đoạn trích “Bài học đường đời đầu tiên” cũng chính là giải thích cho nhan đề đoạn trích.
Như vậy, qua đoạn trích “Bài học đường đời đầu tiên”, tác giả Tô Hoài mang đến cho chúng ta hình tượng của một chú Dế độc lập tới kiêu ngạo và không tôn trọng ai; để rồi, khi thức tỉnh, chú mới đau đớn nhận ra những việc mình làm là những sai lầm to lớn. Qua đoạn trích, tác giả cũng muốn gửi tới chúng ta bài học về sự phát triển của con người. Ai cũng sẽ có lầm lỗi, ai cũng sẽ sai trái; những chúng ta cần phải học cách nhìn nhận và sửa đổi nó. Có như vậy chúng ta mới trở thành những người tốt đẹp cho mọi người và cho cuộc sống.
Trên đây là làm mẫu về cảm nghĩ về nhân vật Dế Mèn. Hy vọng sẽ là bài làm bổ ích với các bạn.
Cảm nghĩ của anh/chị về nhân vật Dế Choắt trong “Bài học đường đời đầu tiên” của Tô Hoài
“Dế Mèn phiêu lưu ký” với đoạn trích “Bài học đường đời đầu tiên” trong chương trình Ngữ văn lớp 6, chính là một tác phẩm xuất sắc của tác giả Tô Hoài. Đoạn trích là sự xoay quanh nhân vật Dế Mèn và Dế Choắt, như hai thái cực khác nhau hiện hiện hữu ở con người. Nếu Dế Mèn độc lập, khoẻ mạnh nhưng ích kỷ với người khác; thì Dế Choắt nhỏ bé, nhưng lại luôn giúp đỡ người khác. Hãy nêu suy nghĩ, cảm nghĩ của anh/chị về nhân vật Dế Choắt trong đoạn trích.
Cảm nghĩ của anh/chị về nhân vật Dế Choắt:
Bài mẫu số 1:
“Văn học là nhân học” (Macxim Gorki). Quả thật là vậy, đối với mỗi một người nghệ sĩ, các tác phẩm của họ chính là một bức tranh tuyệt đẹp, mà nơi đó có linh hồn, có thể xác và có cả những dấu ấn riêng chỉ họ để lại. Trong tác phẩm “Dế Mèn phiêu lưu ký”, tác giả Tô Hoài đã khắc họa về cuộc đời của Dế Mèn, đặc biệt, đoạn trích “Bài học đường đời đầu tiên” chính là nét tiêu biểu cho sự thay đổi của Dế Mèn. Mà cũng qua đoạn trích này, hình tượng song hành cùng Dế Mèn là Dế Choắt hiện lên như một phép màu tạo nên ấn tượng sâu sắc và ý nghĩa to lớn cho độc giả.
“Dế Mèn phiêu lưu ký” nói chung hay “Bài học đường đời đầu tiên” nói riêng, đều là sự khắc họa hình tượng nhân vật chính Dế Mèn. Tuy nhiên, bên cạnh hình tượng nhân vật Dế Mèn, thì hình tượng của một chú dế nhỏ con, ốm yếu nhưng lại đầy lòng nhân hậu – Dế Choắt lại là ấn tượng đặc biệt trong lòng mọi người ở đoạn trích này. Dế Choắt xuất hiện trong toàn bộ tác phẩm chỉ là thoáng qua, nhưng sự xuất hiện của chú tại đoạn trích này lại là: “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt/Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm” (Xuân Diệu). Chính sự xuất hiện của Dế Choắt và trớ trêu thay cái chết của Dế Choắt lại chính là bước ngoặt mở đầu cho chặng đường đời của Dế Mèn. Đối với một chú dế kiêu ngạo và tự đại về bản thân mình như Mèn, thì Dế Choắt chỉ như một con tép riu. Dế Mèn chỉ xem Choắt là kẻ yêu thế, bởi thân hình Choắt gầy gò, ốm yếu, đâu thể nào so sánh với vẻ ngoài khỏe mạnh, cường tráng của nó. Ấy vậy là, trong một lần chơi đùa của mình, Mèn đã nghịch ngợm chọc phải chị Cốc; khi bị chị ta phát hiện, vậy mà chú ta không thừa nhận, ngược lại còn đổ hết tội lỗi lên đầu của Dế Choắt. Cũng chính sự nghịch dại này của Mèn, đã cướp đi mạng sống nhỏ bé của Choắt. Vậy mà Dế Choắt trước khi chết vẫn không hề oán hận Mèn, còn đưa ra cho cậu những lời khuyên chân thành; với hy vọng cậu sẽ thay đổi, tránh sau này lầm lỡ cũng không kịp làm lại. Qua đoạn trích, ta thấy được, Choắt tuy nhỏ bé, nhưng lại là một chàng trai tốt bụng và nhân hậu. Cậu sẵn sàng giúp đỡ người khác, với hy vọng họ sẽ trở nên tốt đẹp. Tuy kết thúc đoạn trích, Choắt đã mãi mãi ra đi, nhưng cái chết của Choắt lại như cánh cửa chân lý của cuộc đời Mèn. Cũng nhờ vậy, mà đu chỉ là nhân vật thoáng qua trong suốt tác phẩm, nhưng Choắt lại được các độc giả nhớ rõ và yêu mến.
Dế Mèn là chú dế tự cao, sự tự tin về bản thân cường tráng, khỏe mạnh hơn người đã khiến chú trở thành một con dế tự phụ, tự kiêu, luôn xem nhẹ người khác và còn tỏ vẻ “xem trời bằng vung”. Chính những thói xấu này của cậu đã hại đến cái chết oan ức của Dế Choắt. Để rồi, khi Dế Choắt qua đời, cậu chợt nhận ra, chợt thức tỉnh lại lương tri của mình. Cậu nhận ra mình đã phạm một sai lầm không thể cứu vãn. Và cũng từ cái chết của Choắt, cậu thay đổi bản thân, nhìn nhận và sửa đổi lại bản thân, cố gắng trở thành người tốt đẹp. Như vậy, Dế Choắt chính là đại diện cho chiếc chìa khoá mở đường đưa Mèn trở về con đường tốt đẹp.
Bài mẫu số 2:
“Văn chương cổ kim đều viết bằng huyết lệ” (Lâm Ngữ Đường). Quả thật, từ bao đời nay, mỗi tác phẩm văn học đều là những tinh hoa, tinh huyết một lòng một dạ của người nghệ sĩ hướng tới độc giả. “Dế Mèn phiêu lưu ký” với đoạn trích “Bài học đường đời đầu tiên” của Tô Hoài chính là “huyết lệ” ấy. Tác giả khắc họa một hình tượng nhân vật Dế Mèn lực lượng, cường tránh nhưng lại ích kỷ, và ngược lại với Dế Mèn là Dế Choắt với hình dáng gầy yếu, nhưng lại giàu lòng yêu thương, bao dung mọi người. Để rồi, qua đó, người đọc cảm nhận ra một Dế Choắt rất đáng tôn trọng, và cái chết của cậu chính là bài học đầu tiên trong chặng đường đời của Mèn. Hãy cùng cảm nhận những vẻ đẹp nhân hậu của Dế Choắt trong đoạn trích “Bài học đường đời đầu tiên” nhé.
Dế Mèn cùng Dế Choắt là hai nhân vật trung tâm trong đoạn trích “Bài học đường đời đầu tiên”. Nếu Dế Mèn là đại diện cho kẻ mạnh, thì ngược lại Dế Choắt là đại diện cho cái yếu. Nếu Dế Mèn là đại diện cho sự kiêu ngạo, ích kỷ, thì ngược lại Dế Choắt là đại diện cho sự chân thành và bao dung. Nếu Dế Mèn là đại diện cho sự không trân trọng người khác, thì Dế Choắt là đại diện cho sự nhân hậu, sẵn sàng giúp đỡ người khác. Hai nhân vật song hành tạo nên một bức tranh đối lập nhưng lại hoàn mỹ của đoạn trích. Dế Choắt xuất hiện dưới ngòi bút của Tô Hoài là một chú dế gầy gò, ốm yếu, đứng cạnh với Dế Mèn chỉ thuộc hàng lép vế tôm tép. Nhưng trái ngược với ngoại hình, Choắt lại là một người rất am hiểu mọi việc, Choắt luôn xem trọng mọi người, luôn có sự suy xét đến mọi người, và luôn là người có lòng bao dung nhân hậu. Ấy vậy mà lòng tốt của chú chỉ xuất hiện vỏn vẹn một khoảnh khắc trong xuyên suốt tác phẩm “Dế Mèn phiêu lưu ký”.
Chỉ vì cái thói ngông cuồng, xem trời bằng vung của mình mà Dế Mèn đã làm hại tới Dế Choắt. Trong một lần vui đùa quá mức, Mèn ta bỗng nghĩ ra một thú tinh nghịch mới là trêu ghẹo đến chị Cốc – một người nổi tiếng tàn ác. Ấy vậy mà, chú ta có gan trêu ghẹo, nhưng lại không có gan nhận lỗi lầm, để rồi, khi kế hoạch vỡ lở, bị phát hiện, không còn đường thôi lui, chú ta đổ hết mọi tội lỗi lên đầu của một chú dế ốm yếu lương thiện là Dế Choắt. Dế Choắt vì lời bịa đặt, khoác lác, vì hành vi ngông cuồng của Dế Mèn mà bị chị Cốc tàn ác mổ cho tới chết. Cái chết đến với Choắt rõ ràng từng phút giây. Bởi cơ thể gầy gò, yếu ốm, cậu đâu thể nào trốn thoát khỏi những lần mổ đớn đau thể xác của Cốc. Hai mắt cậu vẫn sáng rõ, nhưng lại không thể nào thoát thân khỏi cái mổ của chị Cốc. Để rồi, cứ thế bị dày vò từ lúc sống cho tới khi chỉ còn chút hơi thở mỏng manh mới được buông tha. Nếu là tôi trong hoàn cảnh của Dế Choắt, điều đầu tiên trước khi nhắm mắt xuôi tay là sẽ oán hận cái tên Dế Mèn khốn kiếp suốt đời. Vậy mà, Choắt đâu có nỡ làm vậy. Lương tâm thiện lành cùng bản chất nhân hậu, bao dung vốn sẵn có, Dế Choắt trước khi trút hơi thở cuối cùng đã khuyên Mèn, rằng hãy sống biết mình biết ta, đừng xem bản thân to lớn, xuất chúng, hãy nhìn ra bên ngoài, chúng ta thật nhỏ bé. Hãy dừng ngay những trò nghịch ngợm ngu dốt ấy lại, bởi nó chính là con dao hai lưỡi, sẽ khiến anh hối hận. Nói xong những câu chân tình, Choắt cũng như trót bỏ mọi gánh nặng mà rời xa cõi đời. Dẫu bây giờ Choắt đã rời xa cõi đời, nhưng đầu đó nơi đây, ta vẫn tìm thấy bóng dáng nhân hậu của Choắt. Cái chết của Choắt là khép lại sinh mệnh của cậu; những cũng chính cái chết ấy của cậu lại mở ra cho Dế Mèn một con đường cải lương. Nhờ có những lời khuyên cùng cái chết uất ức của Dế Choắt; Dế Mèn cắn rứt lương tâm. Cậu nhận ra rằng bản thân đã thực sự sai lầm rồi, chính cậu vì những trò tiêu khiển dại khờ của mình đã khiến cho Dế Choắt ra đi mãi mãi. Cậu đau lòng, nhưng cậu cũng nhận ra, tất cả là tại chính bản thân cậu; vì vậy, nếu muốn thực hiện những lời Dế Choắt để lại trước khi nhắm mắt. Bản thân Mèn cần nhìn nhận ra lỗi sai của mình, từ đó sửa đổi và cố gắng giúp bản thân trở thành một người hoàn hảo hơn. Bởi bây giờ, cậu không chỉ đang sống cuộc đời của mình; mà còn đang sống cuộc đời của cả Choắt nữa. Cậu phải bù đắp lại sai lầm đắt giá của mình. Có như vậy, cậu mới trở nên tốt đẹp.
Như vậy, qua tác phẩm “Dế Mèn phiêu lưu ký” và đặc biệt là qua đoạn trích “Bài học đường đời đầu tiên” của Tô Hoài. Độc giả nhận ra một Dế Mèn háo thắng, ích kỷ đã biết quay đầu sửa đổi bản tính con người mình. Bên cạnh đó, người đọc cũng không thể quên hình tượng nhân vật Dế Choắt, như một “Chi tiết làm nên bụi vàng của tác phẩm” (Pauxtopxki). Qua nhân vật Dế Choắt, ta nhận thấy rõ nét chân dung của những con người hiền lành đôn hậu trong cuộc sống. Và cũng chính điều tốt đẹp sẽ tạo nên thay đổi cho những con người từng lầm lỡ. Ai cũng sẽ sai lầm, chỉ hy vọng họ gặp được bến bờ quay đầu hợp lý.
Trên đây là bài làm về cảm nghĩ về nhân vật Dế Choắt trong đoạn trích “Bài học đường đời đầu tiên” của Tô Hoài. Hy vọng với hai bài mẫu trên sẽ là nguồn gợi ý giúp bạn có được bài làm hoàn thiện nhất cho chính mình. Hy vọng bạn sẽ làm bài thật tốt, và bạn sẽ nhận được kết quả cao trong bài làm của mình.
Xem thêm: Lập dàn ý tả Người Bạn Thân Của Em chi tiết và ý nghĩa nhất
Ngữ Văn Lớp 6 -