Đặc sắc nội dung, giá trị nghệ thuật Chuyện người con gái Nam Xương

Đặc sắc nội dung, giá trị nghệ thuật Chuyện người con gái Nam Xương. Tìm hiểu về tác giả, tác phẩm và giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật.

“Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ là tác phẩm tiêu biểu viết về thân phận của người phụ nữ trong thời đại phong kiến, qua tác phẩm ta thấy rõ được sự gửi gắm đặc sắc của tác giả về giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật tạo nên thành công cho tác phẩm.

dac-sac-noi-dung-gia-tri-nghe-thuat-chuyen-nguoi-con-gai-nam-xuong.jpg

Đặc sắc nội dung, giá trị nghệ thuật “Chuyện người con gái Nam Xương” – Nguyễn Dữ

I. Tác giả – Tác phẩm:

a. Tác giả:

“Nếu ví tác phẩm văn học là một hạt ngọc tròn trịa ánh ngời, thì cái tạo nên nó là nước mắt hạnh trai và công phu của người nghệ sĩ.” (Chế Lan Viên) Quả thật, Nguyễn Dữ học trò của Tuyết Giang phu tử – Nguyễn Bỉnh Khiêm chính là người nghệ sĩ tạo dựng nên vẻ đẹp muôn đời của văn học. Nguyễn Dữ chưa rõ năm sinh, năm mất, được sinh ra tại Hải Dương, trong một gia đình nhà Nho sống vào cuối thế kỉ XVI. Nguyễn Dữ là người chăm học, học rộng, hiểu nhiều, ông từng mang tư tưởng lấy văn chương nối nghiệp nhà. Tuy nhiên, sau khi đỗ Hương tiến, làm quan dưới thời họ Mạc và sau đó về với thời nhà Lê vỏn vẹn một năm ông đã xin cáo quan về ở ẩn với sự bất bình về thời cuộc. Phong cách truyện của Nguyễn Dữ mang nhiều yếu tố hoang đường kì ảo, mà ở đó, nhân vật chính khao khát hạnh phúc bình dị giữa sự tàn khốc, cổ hủ của thời đại. Nguyễn Dữ nổi tiếng với cuốn “Truyền kì mạn lục”. “Truyền kì mạn lục” là cuốn sách viết bằng tiếng Hán, gồm 20 chương và là những ghi chép tản mạn về những chuyện kì lạ được lưu truyền. Tác phẩm là tiếng lòng của tác giả về một xã hội mà mọi người được sống yên bình, công bằng và được mưu cầu hạnh phúc chân chính, bình dị.

b. Tác phẩm:

“Chuyện người con gái Nam Xương” được xem như một thiên cổ kì bút. Tác phẩm là nhan đề thứ 16 trong tổng 20 truyện được ghi chép trong tập truyện “Truyền kì mạn lục” của Nguyễn Dữ. Truyện là nỗi niềm oan khuất của người thiếu phụ Vũ Nương nói riêng và cũng là nỗi niềm bất hạnh của người phụ nữ sống trong xã hội phong kiến xưa nói chung. Tác phẩm là tiếng nói lên án của tác giả đối với xã hội đương thời, tiếng lòng đồng cảm, sẻ chia với những bi kịch cùng đường của thân phận người phụ nữ xưa. Đồng thời, tác giả cũng ca ngợi vẻ đẹp phẩm hạnh, hiếu nghĩa, thủy chung của người phụ nữ.

1. Bố cục:

“Chuyện người con gái Nam Xương”  được cấu tạo tương tự một vở kịch cổ điển gồm 3 phần: khai đề – khúc thắt – giải đề.

Tác phẩm được chia bố cục thành ba phần như sau:

Phần 1: Từ đầu đến “như đối với cha mẹ đẻ của mình”. Ở phần này, nói về tính cách thuỳ mị, nết na của Vũ Nương, tính cách “hay ghen” của Trương Sinh và tình huống chia li, nêu lên đức hạnh của người vợ là Vũ Nương khi chồng lên đường đi chiến đấu.

Phần 2: Tiếp đó cho đến “những việc đã trót qua rồi”. Ở phần này, là mâu thuẫn gia đình giữa Vũ Nương và Trương Sinh ngày càng gay gắt, dẫn tới kết thúc mâu thuẫn là sự chấm dứt một sinh mệnh. Đoạn này nói lên nỗi oan ức chưa được giải bày của Vũ Nương.

Phần 3: Phần còn lại. Ở đoạn này, câu nói của đứa trẻ, thức tỉnh người cha, nhưng đã quá muộn. Vũ Nương đã thay đổi thân phận, hóa thành thần, hiển linh và tha thứ cho chồng mình. Như vậy, đoạn này là khắc tạc của sự thật và nỗi oan được hóa giải.

2. Đặc sắc giá trị nội dung:

Tác giả Nguyễn Du từng viết: 

“Đau đớn thay phận đàn bà

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.”

Quả thật đúng cho vẻ đẹp của Vũ Nương trong thiên cổ kì bút “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ. Tác phẩm viết về nhân vật Vũ Nương, một người phụ nữ nết na, thuỳ mị, đoan trang, lễ nghĩa, nhưng lại phải chịu sự bất công của thân phận người phụ nữ sống trong xã hội phong kiến. Vũ Nương là hiện thân điển hình của người phụ nữ xưa: đảm đang: phụng dưỡng và nuôi dạy con thơ; hiếu nghĩa: hiếu thảo, yêu thương và chăm sóc mẹ chồng chu đáo khi chồng lên đường chiến đấu; thuỷ chung: luôn giữ trọn tiết hạnh với Trương Sinh, trong lòng luôn nhớ về con và chồng một nỗi nhớ da diết. Như vậy, ở đây Nguyễn Dữ vừa thương tiếc cho thân phận người phụ nữ trong xã hội xưa, đồng thời cũng đồng cảm, thương xót trước số phận bất hạnh của họ, ông đã lên tiếng tố cáo xã hội bất công, tàn khốc với người phụ nữ.

Câu chuyện được sử dụng nhiều yếu tố kì ảo, hoang đường; tuy nhiên vẫn phản ánh chân thực và rõ nét nỗi đau bi kịch của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Chịu nhiều phép tắc, và sự khắc nghiệt lạc hậu, cổ hủ của xã hội xưa.

3. Đặc sắc giá trị nghệ thuật:

“Chuyện người con gái Nam Xương” không chỉ thành công là tác phẩm về câu chuyện tình yêu đầy oan khuất mà cảm động lòng người; mà còn là sự thành công trong giá trị nghệ thuật đặc sắc:

“Chuyện người con gái Nam Xương” là sự phản ánh chân thực của thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến – một xã hội cổ hủ bất công, “trọng nam khinh nữ”. Câu chuyện tố cáo hiện thực loạn lạc của thời phong kiến khiến cho gia đình mâu thuẫn, hạnh phúc đổ vỡ. Chiến tranh xảy ra, Trương Sinh lên đường tham gia chiến đấu, để lại nơi quê nhà, mẹ già vợ trẻ, con thơ. Vậy mà, khi trở về sau nhiều năm không gặp, tình cảm vợ chồng cũng không thể xoá nhoà đi tính tình ghen tuông, đa nghi của Trương Sinh. Và chính sự nghi ngờ này đã tạo nên kết cục bi kịch đối với hạnh phúc gia đình. Truyện là bức tranh tố cáo sâu sắc xã hội phong kiến gây nhiều đau khổ, oan khuất cho người phụ nữ. Đồng thời, truyện cũng đề cao phẩm chất tốt đẹp của Vũ Nương, một người phụ nữ: đảm đang, hiếu thuận, son sắc thuỷ chung, nhưng trêu đùa thay:

“Hồng nhan bạc mệnh.”

(Thành ngữ dân gian, qua nhân vật Kiều)

Vũ Nương dẫu có xinh đẹp, dẫu có thuỳ mị, nết na, giữ trọn phẩm hạnh với chồng, thì cũng không thể vượt qua được sự ngờ vực của Trương Sinh, để rồi kiếp đời nàng, oan uất ra đi. Dẫu bị ngờ vực, dẫu gieo mình tự vẫn vì sự ghen tuông của chồng, sau khi trở thành thần, nàng vẫn không trách móc, mà tha thứ cho chồng mình. “Chuyện người con gái Nam Xương” cũng thể hiện sự đồng cảm, thương xót của Nguyễn Dữ đối với thân phận của Vũ Nương nói riêng và người phụ nữ nói chung. Để rồi qua đó, tác giả lên tiếng tố cáo, lên án xã hội; và ca ngợi phẩm chất của người phụ nữ; đồng thời nói lên khát vọng muôn đời của người phụ nữ: Muốn được tôn trọng, muốn được mưu cầu hạnh phúc bình dị.

Ngữ Văn Lớp 9 -