Đề khảo sát chất lượng đầu năm Tiếng Việt lớp 5 năm 2020-2021 có đáp án

Đề kiểm tra khảo sát chất lượng đầu năm học môn Tiếng Việt lớp 5 năm học 2020-2021. Thời gian làm bài 40 phút. Có đáp án.

Cấu trúc đề KSCL đầu năm lớp 5 môn Tiếng Việt gồm 2 phần Đọc hiểu và Kiểm tra viết.

Đề số 1

I. ĐỌC HIỂU – ĐỌC TIẾNG:

1/ Đọc hiểu (4 điểm) Em hãy đọc thầm đoạn văn sau và khoanh tròn vào ô trước câu trả lời đúng.

Đàn bò ăn cỏ

Cả đàn bò rống lên sung sướng. “Ò ò”, đàn bò reo lên. Chúng nhảy cỡn lên, xô nhau chạy.

Con Nâu đứng lại, cả đàn đứng theo. Tiếng gặm cỏ bắt đầu trào lên như một nong tằm ăn rỗi khổng lồ. Con Ba Bớp vẫn phàm ăn, tục uống nhất, cứ thúc mãi mõm xuống, ủi cả đất lên mà gặm. Bọt mép nó trào ra, nom nó ăn đến ngon lành. Con Hoa gần đấy cũng hùng hục ăn không kém… Mẹ và con chị Vàng ăn riêng một chỗ. Cu Tũn dở hơi chốc chốc lại chạy tới ăn tranh mảnh cỏ của mẹ. Chị Vàng lại dịu dàng nhường cho nó và đi kiếm bụi khác.

Đàn bò tràn lên phủ vàng rực cả sườn đồi. Nom những cái mõm ngoạm cỏ sao mà ngon thế.

Hồ Phương (Trích Cỏ Non)

Câu 1. Các từ ngữ diễn tả sự sung sướng của đàn bò:

a.rống, reo, nhảy cỡn                       b. đàn bò, gặm cỏ, chạy

c. đàn bò, nhảy cỡn, xô nhau           d. ngoạm, đàn bò, reo

Câu 2. Tác giả so sánh tiếng gặm cỏ của đàn bò với gì?

a. Tiếng reo của đàn bò               b. Tiếng rống của đàn bò

b. Đất ủi                         d. Một nong tằm ăn rỗi khổng lồ.

Câu 3. Cụm từ “phủ vàng rực” trong câu “Đàn bò tràn lên phủ vàng rực cả sườn đồi” ý nói:

a. Sườn đồi có cỏ vàng rực

b. Trên sườn đồi lúa chín vàng rực

c. Rất nhiều bò ăn cỏ trên sườn đồi (màu lông của bò làm vàng rực cả sườn đồi)

d. Cả a,b,c đều đúng.

Câu 4. Từ trái nghĩa với từ “sung sướng” là:

a. khổ nạn              b. khổ cực              c. khổ qua               d. quá khổ

Câu 5. Từ trái nghĩa với từ “khổng lồ” là:

a. tí hon                     b. tí tởn                  c. một tí                  d. ông tí

Câu 6. Từ “tranh” trong “tranh ăn” là:

a. ăn cỏ tranh                               b. giành ăn

c. nhường nhịn                             d. 3 ý trên đều sai

Câu 7. Câu “Chúng nhảy cỡn lên, xô nhau chạy.” là loại câu:

a. Câu hỏi                      b. Câu khiến                      c. Câu kể                     d. Câu cảm

Câu 8. Chủ ngữ của câu “Tiếng gặm cỏ bắt đầu trào lên như một non tằm ăn rỗi khổng lồ.” là cụm từ nào?

a. Tiếng gặm cỏ                           b. Tiếng gặm cỏ bắt đầu trào lên

c. Như một nong tằm ăn rỗi khổng lồ                           d. Khổng lồ

2/ Đọc thành tiếng (6 điểm) GV cho HS đọc 1 đoạn bất kì trong các bài tập đọc đã học từ tuần 1 đến tuần 2 Tiếng Việt 5 tập 1, và yêu cầu HS trả lời từ 1 câu hỏi về nội dung đoạn vừa đọc.

II. KIỂM TRA VIẾT: (10 điểm)

1/ Chính tả: 5 điểm) Thời gian: 15 phút

2/ Tập làm văn (5 điểm):

Đề: Tả một cây bóng mát, cây ăn quả hoặc cây hoa mà em yêu thích.

Hướng dẫn chấm điểm đề số 1

1/ Đọc hiểu: (4 điểm) Mỗi câu đúng 1 điểm

Câu 1Câu 2Câu 3Câu 4Câu 5Câu 6Câu 7Câu 8
adcbabcb

2/ Đọc thành tiếng: (6 điểm)

– Học sinh đọc trôi chảy đoạn văn, đảm bảo thời gian quy định (5 điểm). Các mức khác tùy theo mức độ đọc của học sinh để đánh giá.

– Trả lời đúng câu hỏi (1 điểm)

3/ Chính tả: (5 điểm)

– Sai 3 lỗi (phụ âm đầu, vần, thanh) trừ 1 điểm

4/ Tập làm văn:

Viết được bài văn tả một cây bóng mát, cây ăn quả hoặc cây hoa mà em yêu thích có bố cục rõ ràng. Có chi tiết thể hiện tình cảm của mình đối với loài cây mình tả. Câu văn trong sáng, gãy gọn, có hình ảnh. Biết sử dụng biện pháp nghệ thuật so sánh, nhân hóa. Chữ viết rõ ràng, không sai lỗi chính tả.

Điểm 5: Đạt được các yêu cầu trên.

Điểm 4: Cơ bản đạt được các yêu cầu trên. Lỗi chính tả, ngữ pháp còn sai 2 – 3 lỗi.

Điểm 3: Nội dung còn hời hợt. Lỗi chính tả ngữ pháp còn sai 4 – 7 lỗi.

Điểm 1- 2: Bài viết còn yếu về nội dung và hình thức.

Bài chính tả Lớp 5:

Hoa sầu đâu

Vào khoảng cuối tháng ba, các cây sầu đâu ở vùng quê Bắc Bộ đâm hoa và người ta thấy hoa sầu đâu nở như cười. Hoa nhỏ bé, lấm tấm mấy chấm đen nở từng chùm, đu đưa như đưa võng mỗi khi có gió. Cứ đến tháng ba, nhớ đến sầu đâu là tôi cảm thấy thoang thoảng đâu đây một mùi thơm mát mẻ, dịu dàng, mát mẻ còn hơn cả hương cau, mà dịu dàng có khi hơn cả mùi thơm hoa mộc.


Đề số 2

I. Chính tả: (Nghe viết)

“Lương Ngọc Quyến” (SGK Tiếng Việt 5 tập 1 – trang 17)

II. Luyện từ và câu:

Cho đoạn văn sau:

“Ông Năm là dân ngụ cư của làng này. Hồi ông mới ra chòi vịt ông trầm lặng như một chiếc bóng”

1. Tìm câu kể ai là gì? trong đoạn văn trên?

2. Xác định chủ ngữ, vị ngữ trong câu kể ai là gì em vừa tìm được?

III. Tập làm văn:

Em hãy viết một đoạn văn ngắn tả một con vật mà em yêu thích.

Hướng dẫn chấm điểm đề số 2

MÔN: TIẾNG VIỆT LỚP 5 (Phần kiểm tra viết)

Chính tả:(4 điểm)

– Viết đúng chính tả (3 điểm): Đúng chính tả, đúng cỡ chữ, đúng khoảng cách

– Trình bày sạch, đẹp (1 điểm)

– Sai mỗi lỗi chíng tả trừ (0,25 điểm)

Luyện từ và câu: (2 điểm).

1. Xác định được câu kể ai là gì trong đoạn văn (1 điểm)
Ông Năm là dân ngụ cư của làng này

2. Xác định được chủ ngữ, vị ngữ trong câu kể ai là gì vừa tìm được (1 điểm)
Ông Năm / là dân ngụ cư của làng này

CN       VN

III. Tập làm văn: (4 điểm)

– Học sinh viết được một đoạn văn miêu tả con vật mà mình yêu thích; đoạn văn có câu mở đoạn, câu kết đoạn biết kết hợp miêu tả với nêu nhận xét hoặc nêu cảm xúc của mình về con vật mà mình miêu tả

– Lời lẽ trong đoạn văn giản dị biết dùng từ đặt câu chuẩn xác biết sử dụng một số hình ảnh so sánh khi miêu tả.

Đề số 3

I. LUYỆN TỪ VÀ CÂU (2 điểm)

Câu 1: Tìm 5 từ đồng nghĩa với từ “Tổ quốc”.

Câu 2: Đặt một câu có trạng ngữ chỉ thời gian. Xác định chủ ngữ, vị ngữ trong câu em vừa đặt.

II. CHÍNH TẢ (4 điểm)
Bài viết: Hoàng hôn trên sông Hương

(Tiếng Việt 5 – Tập I/ trang 11)

(Viết từ: “Phía bên sông …. buổi chiều cũng chấm dứt”)

Bài tập: Điền l hay n vào các chố trống cho thích hợp.

phép … ạ           mặt … ạ

… iềm vui           chói … ọi

III. TẬP LÀM VĂN (4 điểm)

Đề bài: Em hãy viết đoạn văn tả cảnh một buổi sáng trong vườn cây (hoặc trên cánh đồng)

Hướng dẫn chấm điểm đề số 3

I. LUYỆN TỪ VÀ CÂU (2 điểm)

Câu 1 (1 điểm): Tìm đúng 5 từ: 1 điểm; 4 từ: 0,75 điểm; 2 – 3 từ: cho 0,5 điểm; 1 từ: cho 0,25 điểm.

Đáp án Tìm 5 từ đồng nghĩa với từ “Tổ quốc”: nước nhà, non sông, đất nước, quê hương, sơn hà , giang sơn…

Câu 2 (1 điểm): Đặt câu đúng: 0,5 điểm; xác định đúng CN – VN: 0,5 điểm.

II. CHÍNH TẢ (4 điểm)
1) Bài viết: 3 điểm

– Bài viết không mắc lỗi chính tả, chữ viết rõ ràng, trình bày đúng đoạn văn: 3 điểm.

– Mỗi lỗi chính tả trong bài (sai, lẫn phụ âm đầu hoặc vần, dấu thanh, lỗi viết hoa…) trừ 0,5 điểm.

– Lưu ý: Nếu chữ viết không rõ ràng, sai về độ cao, khoảng cách, kiểu chữ, trình bày bẩn: bị trừ không quá 1 điểm toàn bài.

2) Bài tập: 1 điểm

Đúng mỗi từ cho 0,25 điểm

Bài tập: Điền l hay n vào các chố trống cho thích hợp: Phép lạ, mặt nạ, niềm vui, chói lọi

III. TẬP LÀM VĂN (4 điểm)

– Viết được một đoạn văn đúng chủ đề, bố cục rõ ràng (đủ 3 phần) 2 điểm.

– Dùng từ đặt câu sinh động; câu văn có hình ảnh, giàu cảm xúc: 1.5 điểm

– Trình bày sạch sẽ; chữ viết đều, đẹp, không mắc lỗi chính tả: 0.5 điểm

Đáp án tham khảo: Vườn nhà ngoại khá rộng. Trong vườn có khá nhiều loại cây ăn quả đang kì sung sức, xum xuê cành lá. Buổi trưa mắc võng dưới tán lá cây nằm thì không nơi nào trong nhà mát bằng. Những tia nắng nhỏ lọt qua kẽ lá, rơi xuống nền đất, lấm tấm chấm sáng, nhấp nháy như sao. Gió mát thối như ru em vào giấc ngủ. Chim chóc thỉnh thoảng hót lên một hồi lảnh lót rồi lích rích trong cành lá. Nằm trên võng, em đưa mắt dõi tìm một quả na mở mắt hay một quả xoài chín cây và nghe cái mát của khu vườn đè lên mi mắt. Như hoà cùng gió, tàu lá dừa chải tóc bên bờ ao lao xao, lao xao. Vườn trưa rì rào tay lá quạt mát cho em.

Đề thi tiếng Việt lớp 5 - Tags: