Đề thi vào 6 THCS Lương Thế Vinh môn tiếng Việt năm 2019-2020
Đề thi tuyển sinh vào lớp 6 môn tiếng Việt trường THCS & THPT dân lập Lương Thế Vinh, TP Hà Nội năm học 2019-2020. Có đáp án.
Thời gian làm bài: 60 phút. Đề thi gồm có 2 phần Trắc nghiệm và Tự luận.
Phần I. Trắc nghiệm (2 điểm)
Đọc kỹ đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi bằng cách khoanh tròn vào chữ cái đứng trước câu trả lời đúng:
“Căn nhà sàn chật ních người mặc quần áo như đi hội. Mấy cô gái vừa lùi vừa trải những tấm lông thú thẳng tắp từ đầu cầu thang tới cửa bếp giữa sàn. Bấy giờ, người già mới ra hiệu dẫn Y Hoa bước lên lối đi bằng lông thú mịn như nhung. Buôn Chư Lênh đã đón tiếp cô giáo đến mở trường bằng nghi thức trang trọng nhất dành cho khách quý”.
(Buôn Chư Lênh đón cô giáo, Hà Đình Cẩn)
1. Cô giáo đến Buôn Chư Lênh để làm gì?
A. Để vận động trẻ em đến trường
B. Để dạy học
C. Để mở trường học
D. Để trao phần thưởng cho học sinh giỏi
Đáp án: C
2. Người dân Chư Lênh đón tiếp cô giáo Y Hoa như thế nào?
A. Bằng thái độ nhiệt tình, chu đáo
B. Bằng nghi thức trang trọng nhất dành cho khách quý
C. Bằng cử chỉ vồn vã và rất chân tình
D. Bằng hình thức trang trí lịch thiệp
Đáp án: B
3. Cách đón tiếp của người dân Chư Lênh đối với cô giáo thể hiện điều gì?
A. Tấm lòng hiếu khách của bà con buôn làng
B. Khát khao được học chữ của bà con buôn làng
C. Thể hiện tình cảm yêu quý của bà con
D. Cả ba đáp án trên
Đáp án: D
4. Trong đoạn văn trên có bao nhiêu hình ảnh so sánh?
A. Hai
B. Ba
C. Bốn
D. Năm
Đáp án: A
Phần II. Tự luận (8 điểm)
Câu 1 (1 điểm): Cho tiếng “trắng”, hãy tạo thành 2 từ ghép và 2 từ láy.
Đáp án:
+ 2 từ ghép có tiếng “trắng”: trắng bệch, trắng tinh, trắng muốt, trắng xóa, trắng dã…
+ 2 từ láy có tiếng “trắng”: trắng trẻo, trăng trắng
Câu 2 (1 điểm): Ghép thêm một bộ phận vào tổ hợp “Buôn Chư Lênh đón cô giáo” để được một câu có:
a. Sử dụng một cặp quan hệ từ
b. Một trạng ngữ chỉ thời gian
Đáp án:
a. Vì yêu cái chữ và có tấm lòng hiếu khách nên buôn Chư Lênh đón cô giáo đến mở trường bằng những nghi thức vô cùng trang trọng.
b. Sáng nay, buôn Chư Lênh đón cô giáo đến mở trường bằng những nghi thức vô cùng trang trọng.
Lưu ý: Ở câu a, câu được đặt phải có cặp quan hệ từ. Các từ ngữ hoặc các cụm từ hoặc các vế câu được nối bằng cặp quan hệ từ phải liên kết với nhau. Học sinh chú ý không đặt nhầm sang câu có cặp từ hô ứng (càng – càng, vừa – đã, bao nhiêu – bấy nhiêu, đâu – đó….)
Ở câu b, đề bài yêu cầu câu phải có trạng ngữ chỉ thời gian. Một số học sinh đặt nhầm sang câu ghép có một vế câu chỉ thời gian mà không hề có trạng ngữ chỉ thời gian.
Câu 3 (2 điểm): Cho đoạn thơ:
Hạt mưa mải miết trốn tìm
Cây đào trước cửa lim dim mắt cười
Quất gom từng hạt nắng rơi
Làm thành quả – những mặt trời vàng mơ
(Trích “Tháng giêng của bé”, Đỗ Quang Huỳnh)
Xác định và chỉ ra tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ trên.
Đáp án:
– Các biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ trên là: Nhân hóa và so sánh
– Tác dụng:
✓ Phép nhân hóa ở câu thơ đầu tiên khiến mưa xuân hiện lên ngộ nghĩnh, đáng yêu như những đứa trẻ mải chơi, tinh nghịch đang trốn vào cành lá, đất trời…
✓ Phép nhân hóa ở câu thơ số hai đã gợi tả cây đào sống động như một con người vui tươi đang chào đón mùa xuân về.
✓ Phép nhân hóa ở câu thơ số ba cho thấy cây quất hiện lên gần gũi như những con người chăm chỉ đang chắt chiu sắc nắng vàng ươm để điểm tô cho quả trái, dành tặng cho con người một mùa xuân đẹp đẽ và ý nghĩa.
✓ Phép so sánh ở câu thơ cuối gợi tả được sắc vàng rực rỡ cùng vẻ đẹp đáng yêu của những trái quất mùa xuân.
✓ Các biện pháp tu từ trên khiến đoạn thơ hay và giàu sức gợi hơn.
Câu 4 (4 điểm): Miêu tả quang cảnh nơi em ở vào buổi sáng đẹp trời.
Mở bài: Giới thiệu khung cảnh nơi em ở vào thời điểm buổi sáng.
Thân bài:
HS có thể tả cảnh theo trình tự thời gian:
➢ Tả cảnh ở thời điểm 1 (lúc mặt trời chưa thức dậy): Cần trả lời câu hỏi: thời điểm 1 là thời điểm như thế nào, dấu hiệu của thiên nhiên cảnh vật ở thời điểm ấy? Cuộc sống thường nhật của mọi người ở thời điểm đó ra sao?
➢ Tả cảnh ở thời điểm 2 (khi mặt trời đã lên cao): Cần trả lời câu hỏi: thời điểm 2 có gì khác so với thời điểm 1. Thiên nhiên cảnh vật, con người ở thời điểm đó thế nào?
Ví dụ tả cảnh thành phố ở thời điểm buổi sáng từ lúc trời mờ sáng cho đến khi sáng rõ.
➢ Thời điểm trời còn mờ mờ sáng: Mặt trời chưa xuất hiện, chỉ có luồng ánh sáng yếu ớt phía đằng đông, đường phố còn vắng vẻ, tĩnh mịch…
➢ Thời điểm sáng rõ: mặt trời ló rạng, tỏa ánh nắng ban mai êm dịu, chim chóc bắt đầu dạo lên khúc ca chào ngày mới, đường phố tấp nập dần với các hoạt động của con người…
(Lưu ý: Bên cạnh trình tự thời gian, học sinh có thể chọn tả cảnh theo trình tự không gian: HS quan sát từ xa đến gần, từ thấp đến cao hoặc ngược lại.
Ví dụ:
➢ Trên cao: có hình ảnh nào của thiên nhiên cho ta biết thời điểm chọn tả: ban ngày mặt trời ra sao? Bầu trời như thế nào?
➢ Dưới mặt đất: Cây cối, chim chóc và các con vật khác … ra sao? Con người trong thời điểm miêu tả thế nào?)
Kết bài
– Nêu cảm xúc của em trước khung cảnh em miêu tả.
Chú ý:
– HS có thể tả buổi sáng ở thành phố hoặc ở làng quê…
– Cần chọn lọc các chi tiết tiêu biểu để gợi tả khung cảnh nơi em ở. Nếu đó là khung cảnh thành phố buổi sớm thì các chi tiết chọn lọc miêu tả phải đặc trưng cho buổi sớm (mặt trời mọc, làn sương sớm, giọt sương trên lá cành hay chú chim dạo lên khúc nhạc buổi sáng…) và đặc trưng cho thành phố (cửa hàng, cửa hiệu, con đường tấp nập xe cộ, ….)
– Bên cạnh việc tả lại những hình ảnh em nhìn thấy, hãy gợi tả cả âm thanh, hương vị… mà em nghe thấy hoặc cảm nhận được.
Đề thi 5 vào 6 - Tags: đề thi tiếng việt vào 6, đề thi vào 6, THCS Lương Thế Vinh