Chọn lọc 7 đoạn mở bài Vợ chồng A Phủ hay chi tiết nhất

Mở bài Vợ chồng A Phủ là một việc khá khó đối với học sinh, nhưng đừng quá lo ngay sau đây là 7 đoạn mở bài Vợ chồng A Phủ hay có chọn lọc.

Trong chương trình Ngữ văn lớp 12, tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài chính là một kiệt tác nêu bật lên sức sống mãnh liệt của con người. Giữa dòng chảy bất công tàn khốc của cuộc đời, ấy vậy mà con người vẫn luôn khát khao sống, khát khao thoát khỏi sự tù túng ấy để trở về với đúng nghĩa bản chất tự do của mình. Có lẽ, có nhiều bạn cũng rất am hiểu và yêu thích tác phẩm này, nhưng lại chưa thực sự tìm được cho mình một mở bài xuất sắc, chiếm trọn trái tim giáo viên. Vậy hãy tham khảo tuyển tập 7 đoạn mở bài “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài hay nhất ở dưới đây.

Chọn lọc 7 đoạn mở bài Vợ chồng A Phủ hay chi tiết nhất

Mở bài Vợ chồng A Phủ

Mở bài 1:

“Nếu ví tác phẩm văn học là một hạt ngọc tròn trịa ánh ngời, thì cái tạo nên nó là nước mắt hạnh trai và công phu của người nghệ sĩ” (Chế Lan Viên). Thật vậy, từ bao đời nay, văn chương luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho tâm hồn của người nghệ sĩ. Bởi thế nên sự bất tử của văn chương cũng chính là sự bất tử của tình yêu con người. Mà ẩn tàng sau mỗi tác phẩm văn học chính là bức thông điệp mà người nghệ sĩ gửi gắm tới cuộc đời này để tìm kiếm sự tri âm, đồng điệu. Trong “Vợ chồng A Phủ”, tác giả Tô Hoài đã gửi gắm đến người đọc những vẻ đẹp thơ mộng mà kì vĩ của thiên nhiên; qua đó, tác giả cũng nêu nổi bật lên hình ảnh con người luôn cháy bỏng nhiệt huyết sống giữa sự bất công, ngang trái của cuộc đời. Đồng thời qua tác phẩm, tác giả cũng gửi gắm tình cảm thương xót và ngưỡng mộ đối với những con người đang chịu khổ cực mà quật cường đứng lên chống trả.

Mở bài 2:

“Sáng tác của chúng ta là để cho cái đẹp của Trái Đất, cho lời kêu gọi đấu tranh về hạnh phúc, niềm vui và tự do, cho cái cao rộng của tâm hồn và sức mạnh của trí tuệ chiến thắng bóng tối, cho chúng ta rực rỡ như một mặt trời không bao giờ tắt” (Trích “Bông hồng vàng và bình minh mưa”-Pautopxki). Thật vậy, mỗi tác phẩm văn học chân chính trên đời, đều là “một mặt trời không bao giờ tắt”. Sức sống của “ánh mặt trời” ấy chính là cái tài, cái đức, cái tâm của người nghệ sĩ. Trong dòng chảy của nền văn học trung đại Việt Nam, bóng dáng bồ đề Tô Hoài đã tỏa sáng lên thời đại và mang vẻ đẹp vĩnh hằng – vẻ đẹp của một con người bậc thầy với tài năng và lòng yêu thương con người vô hạn. Với kiệt tác “Vợ chồng A Phủ”, bên cạnh hình ảnh thiên nhiên hùng vĩ, là hình ảnh con người khát vọng sống trước một hiện thực xã hội khắc nghiệt, tàn ác.

Mở bài 3:

Ai đó từng cho rằng: “Hoa hồng ở lại giữa cuộc đời nhờ hương thơm say đắm; loài chim sơn tước ở lại giữa đời bởi tiếng hát thiết tha vút lên giữa dàn đồng ca của đại ngàn xa thẳm. Con người cũng vậy, “Con người sinh ra không phải để tan biến như hạt cát vô danh, họ sinh ra để in dấu lại trên mặt đất và in dấu lại trong tim của người khác” (Xukhomlinxki). Con người sinh ra được trao quyền sống, quyền tự tạo dựng hạnh phúc và cuộc đời của riêng mình, chính vì vậy, con người mang trong mình khát khao sống, mang trong mình lý tưởng sống mãnh liệt thì sẽ mãi mãi được trường tồn. Trong dòng chảy của nền văn xuôi Việt Nam, tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài chính là một kiệt tác trường tồn trong sự chảy niên viễn của thời gian. Qua tác phẩm, nhà văn khắc họa thiên nhiên thơ mộng của núi rừng Tây Bắc, và khắc họa hình tượng con người sẵn sàng chiến đấu chống lại sự bất công của xã hội để giành lấy sự sống cho mình.

Mở bài 4:

“Văn học đến với con người theo cách của ngọn lửa: nung đốt và sưởi ấm, thiêu hủy và chiếu sáng” (Lê Thành Nghị). Thật vậy, sức sống của tác phẩm văn học như những ngọn lửa bất tử, là sức mạnh lan tỏa của khát vọng và tình yêu mãnh liệt mà nhà văn gửi tới cuộc đời nói chung và đặc biệt là độc giả nói riêng. Với Tô Hoài những chân cảm mãnh liệt đối với những mảnh đời phải chịu bất công trong xã hội và những lí tưởng, những khát vọng sống hết mình của họ chính là nguồn động lực cho ông sáng tác. Tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” chính là tác phẩm thể hiện rõ ràng cho tâm hồn của Tô Hoài. Qua tác phẩm, người đọc như được đế với mảnh đất Tây Bắc với thiên nhiên cảnh vật hữu tình, con người chất phác. Ấy vậy mà, giữa thiên nhiên tươi đẹp ấy, giữa hình ảnh đồng bào giản dị ấy, lại hiện lên là một xã hội bất công với tầng lớp thống trị gây những điều tàn độc, khiến Mị bị quấn vào vòng xoáy. Và cũng từ những bất công ấy, ta mới thấy được một hình tượng con người đầy khát vọng, đầy ý chí, nghị lực sống.

Mở bài 5:

“Thưởng thức một tác phẩm văn học cũng giống việc nhìn ngắm một dòng sông, thoạt nhìn sẽ thấy sóng gợn lăn tăn, nhìn kĩ hơn sẽ thấy cá tôm bơi lội, và nhìn thật sâu sẽ thấy ngọc trai lấp lánh” (Đỗ Kim Hồi). Thật vậy, chất ngọc trai lấp lánh ấy chính là vẻ đẹp sáng ngời được vun đúc trong trái tim và tài năng của người nghệ sĩ chân chính để làm đẹp cho cuộc đời này. Phải chăng tâm hồn nghệ sĩ đã ăn sâu, bén rễ vào mạch ngầm của cuộc đời. Đã khắc sâu tấm lòng của mình vào những hoàn cảnh trớ trêu của cuộc đời. Để rồi trong dòng chảy văn xuôi Việt Nam, tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” xuất hiện, vừa là kiệt tác thể hiện rõ ràng phong cách của Tô Hoài, vừ là kiệt tác khắc họa vẻ đẹp thiên nhiên và vẻ đẹp sức sống mãnh liệt của con người. Qua nhân vật trung tâm là Mị, cùng các nhân vật xoay quanh và sự xuất hiện đặc sắc nhân vật A Phủ đã mở ra một thế giới mới cho tâm hồn những con người đang chống chọi bất công tàn ác của xã hội. Qua tác phẩm con người sẽ nhận thấy được khát vọng sống cháy bỏng sẽ giúp bạn vượt qua mọi rào cản để vươn lên.

Mở bài 6:

Nazim Hikmet nhà thơ, nhà hoạt động chính trị Thổ Nhĩ Kì từng có lời tha thiết: “Con người hãy nghe nỗi buồn của hành tinh lạnh ngắt, của chim muông què quặt… nhưng trước nhất, xin con hãy lắng nghe tiếng kêu thống thiết của nỗi đau con người.” Như những sợi dây rung động trước mọi khổ đau, bất hạnh và tủi hổ của con người; nghệ sĩ ra đời là người gắn kết sợi dây đồng điệu ấy từ cuộc đời đến với trái tim người đọc. Nghệ sĩ mang thiên chức của trái tim đồng điệu, đồng cảm và sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ cho cuộc đời của họ. Trong nền văn học, Tô Hoài chính là người nghệ sĩ chân chính ấy. Tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”chính là kiệt tác mà tác giả muốn gửi gắm đến độc giả về số phận bất hạnh của con người trước xã hội cường đạo, thống trị ngang tàn. Chúng ta đã thấy một Mị xinh đẹp tài giỏi bị ép buộc đến cùng cực, nhờ có sự xuất hiện của A Phủ mới kéo Mị về với lí tưởng sống mãnh liệt. Đồng thời, qua tác phẩm ta cũng thấy được tâm hồn của tác giả yêu thương và đau xót cho số phận con người.

Mở bài 7:

“Giống như ngọn lửa thần bốc lên từ những cành khô, tài năng bắt nguồn từ những tình cảm mãnh liệt nhất của con người” (Raxun Gamzatop). Thật vậy, như một ngọn lửa bốc lên từ những buồn tủi, đau đớn của con người, mỗi tác phẩm văn học ra đời lại mang đến một giá trị nội dung và nhân đạo khác nhau. Nhưng đồng thời, các tác phẩm ra đều là sự bắt nguồn của tình cảm mãnh liệt và quảng đại trong tâm hồn của người nghệ sĩ. Tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài chính là một ngọn lửa mãnh liệt bắt nguồn từ tấm lòng yêu chuộng con người, muốn tạo những điều tốt nhất cho những người phải chịu số kiếp bất công. Qua tác phẩm, tác giả cũng muốn nhấn mạnh đến con người, sự sống của chúng ta là do chính bản thân chúng ta tạo nên; chính vì vậy hãy thật sáng suốt và hãy thật dũng cảm vượt qua mọi  khó khăn rào cản để có thể giành lấy cho mình một hạnh phúc riêng, một cuộc đời riêng.

Trên đây là tuyển tập 7 đoạn mở bài Vợ chồng A Phủ hay nhất trích từ bài làm văn đạt điểm cao trong các kỳ thi học sinh giỏi Văn cấp tỉnh và cấp Quốc gia. Hy vọng bài viết đã mang đến nội dung tham khảo bổ ích dành cho các bạn.

Xem thêm: 6 mở bài “Vợ nhặt” của Kim Lân hay và đầy đủ nhất

Ngữ Văn Lớp 12 -