Phân tích 18 câu thơ đầu bài Trao Duyên hay chi tiết nhất

Phân tích 18 câu thơ đầu bài Trao Duyên ở trong tập “Truyện Kiều” của tác giả Nguyễn Du, để hiểu chi tiết 18 câu thơ đầu bài Trao Duyên.

“Trao duyên” là tác phẩm nổi tiếng trong tập “Truyện Kiều” của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du. Đây là một tác phẩm tiêu biểu trong chương trình Ngữ văn lớp 10. sau đây là bài phân tích 18 câu thơ đầu của “Trao duyên”, hi vọng sẽ giúp ích cho sự tìm hiểu nội dung và bài làm văn về sau của các bạn.

Phân tích 18 câu thơ đầu bài Trao Duyên hay chi tiết nhất

Phân tích 18 câu thơ đầu bài Trao Duyên

Bài văn phân tích 18 câu đầu “Trao duyên”

“Thơ ca cổ kim đều viết bằng huyết lệ” (Lâm Ngữ Đường). Bởi thơ luôn là tiếng nói tình cảm mãnh liệt đã được ý thức từ, là tiếng lòng được chưng cất từ tình yêu, nỗi đau và những trải nghiệm của người nghệ sĩ. Vì “Nếu ví tác phẩm văn học là một hạt ngọc tròn trịa ánh ngời, thì cái tạo nên nó là nước mắt hạnh trai và công phu của người nghệ sĩ” (Chế Lan Viên). Kết tụ nỗi đau từ nghìn đời, từ tấm lòng và con mắt “trông thấu cả sáu cõi đời” yêu trọn con người, đặc biệt là phản ánh thân phận người phụ nữ trong xã hội xưa. Nguyễn Du đã gửi đến cuộc đời kiệt tác “Truyện Kiều”. Đó là “một hòn ngọc quý cơ hồ không thể thay đổi thêm bớt một tí gì, như một tiếng đàn lạ, gần như không lần nào lỡ nhịp ngang cung” (Hoài Thanh). Tiếng đàn lạ ấy mang cốt cách riêng của Nguyễn Du, trong đó trích đoạn “Trao duyên” từ “Truyện Kiều” với mười tám câu thơ đầu là tiếng khóc thương tiếc của thi nhân cho Kiều, cho sự bạc mệnh của người con gái tài giỏi ấy.

“Nguyễn Du vĩ đại vì Nguyễn Du là nhà thơ nhân đạo chủ nghĩa” (Nguyễn Lộc). Nguyễn Du (1765-1820) là nhà thơ nhân đạo chủ nghĩa trong nền văn học Việt Nam. Nguyễn Du tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên. Ông có đóng góp to lớn cho nền văn học nước nhà, xứng đáng được tôn vinh là Đại thi hào dân tộc. Với phong cách riêng không trộn lẫn, các sáng tác của Thanh Hiên đề cao chữ tình bằng sự cảm thông sâu sắc của tác giả trước cuộc sống và con người. Thơ Nguyễn Du là tình đời, tình người bao la của nhà thơ. Với vốn học vấn uyên bác, Nguyễn Du là nhà thơ xuất sắc trong sự thể hiện các thể thơ cổ điển của Việt Nam. Ông đã đưa ngôn ngữ dân tộc trở nên hay và sâu sắc.Trong rất nhiều những sáng tác mẫu mực của nhà thơ, “Truyện Kiều” chính là kiệt tác của Nguyễn Du nói riêng và nền văn học Việt Nam nói chung. Tác phẩm thấm đượm tinh thần ngợi ca, trân trọng vẻ đẹp của người phụ nữ trong xã hội phong kiến, đồng thời cũng là tiếng lòng cảm thông, đồng cảm, xót thương cho thân phận của họ; là sự ca ngợi tình yêu lứa đôi và gửi gắm khát vọng về công lý được thực hiện trong cuộc đời này.

“Tố Như tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàn tình đã thiết” và “con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời mới có được bút lực như vậy” (Tiên phong Mộng Liên Đường chủ nhân). Tấm lòng của Nguyễn Du được kết tụ hết trong những lời đau thương khi Kiều trao duyên cho Vân.

Bản song tấu tự sự và trữ tình của truyện thơ Nôm “Đoạn trường Tân Thanh” mới bắt đầu đã nhanh chóng rơi vào cung đàn đau thương, bạc mệnh. Ở đó, Kiều sau khi bán mình chuộc cha, chấp nhận theo Mã Giám Sinh dấn thân vào kiếp đoạn trường. Đêm ấy mình nàng với những độc thoại vô ngôn:

“Một mình nương ngọn đèn khuya

Áo đầm giọt lệ tóc se mái đầu.”

Đây là nỗi đau mang tâm trạng của người day dứt khi buộc phải lựa chọn hi sinh tình yêu của đời mình với chính người em gái ruột của mình là Thúy Vân.

“Âm điệu là cỗ xe chuyên chở điệu hồn của thi phẩm” (Hoàng Cầm). Ở đây, âm điệu mà thi nhân sử dụng là âm điệu day dứt không nguôi của Kiều khi hi sinh tình yêu lớn lao của mình với Kim Trọng, đó là tình yêu mà nàng cùng chàng đã hẹn thề. Ấy vậy mà, giờ đây, nhờ Vân trao duyên, lòng nàng vẫn nhói đau; đây cũng là nỗi đau của nhân vật trữ tình dành cho tấm lòng chung thủy, sắc son của Kiều:

“Cậy em, em có chịu lời

Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.

Giữa đường đứt gánh tương tư,

Keo loan chắp nối, tơ thừa mặc em.”

Sự đau đớn, cùng đắn đo ở trong lòng Kiều là điều không thể tránh khỏi. Sắc thái của câu thơ: “Cậy em, em có chịu lời”đều đồn hết ở chữ “cậy” – đó không đơn thuần là nhờ ai đó một điều gì, mà “cậy” ở đây là đặt vào đó tất cả niềm tin, hy vọng vào điều hệ trọng mà nếu không thành, thì cái giá của nó sẽ là nỗi đau suốt đời. Không phải ngẫu nhiên trong câu thơ tài hoa của Nguyễn Du có đến hai từ “em’. Chỉ qua cách dùng từ, tác giả đã miêu tả thần tình tâm trạng của Kiều, nỗi đắn do day dứt của nàng. Day dứt vì mất đi tình yêu cao đẹp, phụ nghĩa chàng Kim. Đau đớn và đắn đo bởi để giúp mình trao duyên, người em gái Thúy Vân có thể phải hy sinh hạnh phúc riêng suốt tuổi thanh xuân của mình. Bởi vậy, Kiều thiết tha nghĩ tới em mình: “Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.” Chị “lạy” em vốn là một hành động, một nghĩa cử khác thường đi ngược lại đạo lý luân thường. Song, Kiều “lạy” ở đây chính là “lạy” đức hi sinh của Vân – một đời dành cho mình. Vì thế, cái “lạy” ấy đã thể hiện cả tấm lòng, cả nỗi đau của Thúy Kiều. Như vậy, để báo đáp ân tình cho chàng Kim, Kiều đã phải nhún mình, trông cái cử chỉ tội nghiệp ấy, ta thấy tất cả sự cao thiết của một tấm lòng, một phẩm cách.

“Thơ hay là thơ không đáy, thơ thăm thẳm khôn cùng” (Hoàng Cầm). Cái thăm thẳm của thơ Nguyễn Du chính là nỗi đau sâu thẳm của Kiều, là sự thấu hiểu, xót thương và đồng cảm của Nguyễn Du. Chính vì thế, khi Kiều lựa lời thuyết phục Thúy Vân thay mình tiếp nối mối lương duyên với Kim Trọng, nàng đã giãi bày tất cả ngọn ngành cho em mình hiểu, vì sao mình phải lựa chọn cách này. Trong lời lẽ đau đớn mà có phần khôn ngoan của Thúy Kiều, nàng thậm chí đã viện đến cái chết, để lời cậy nhờ nặng như lời ủy thác:

“Kể từ khi gặp chàng Kim, 

Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề.

Sự đâu sóng gió bất kỳ,

Hiều tình khôn lẽ hai bề vẹn hai?

Trong cái xã hội của thế lực đồng tiền, khi giá trị của con người cũng được quy đổi thành tiền thì dường như khát vọng tình yêu, tự do của Kiều là một giấc mơ mà nàng không thể có được. Bi kịch của người con gái ấy: “Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình.”, chính là sử đụng độ với thực tại tàn khốc mang tên sức mạnh của đồng tiền. Bọn bán tơ vì tiền mà vu oan giá họa, bọn sai nha vì tiền mà thẳng thừng đánh đập không thương tiếc cha và em nàng, Tú Bà, Mã Giám Sinh vì tiền mà quy đổi giá trị của Kiều trở thành món hàng buôn thịt – bán người. Nỗi đau ấy của Kiều là nỗi đau chung của hàng ngàn phụ nữ trong xã hội phong kiến; họ bị vùi dập ước mơ, họ khát vọng được sống chính đáng, được mưu cầu hạnh phúc của riêng mình.

Ở đây, Kiều giãi bày cho Vân tình cảnh của mình, đồng thời nàng viện những lý do mà Vân khó lòng nào từ chối được mình:

“Ngày xuân em hãy còn dài,

Xót tình máu mủ, thay lời nước non.

Chị dù thịt nát xương mòn,

Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây.”

Vậy là tuổi trẻ của Vân, tình nghĩa chị em ruột thịt là những lý do mà Kiều đưa ra khiến Thúy Vân khó lòng chối từ, và quan trọng, điều mà Kiều nhờ cậy cũng vô cùng hệ trọng. Trong một khoảnh khắc duy nhất, một con người duy nhất, một cơ hội duy nhất, Kiều đặt tất cả niềm tin và lẽ sống của nàng cho Vân. Trong suốt đoạn thơ, nàng luôn nghĩ đến cái chết như một kết cục u ám. Bởi khi đã mất đi lẽ sống to lớn nhất cuộc đời của mình, trong tình cảnh của Thúy Kiều – sống đã không còn ý nghĩa gì nữa rồi, vậy không bằng chết đi.

Tiếp sau lời giãi bày Kiều nhờ Vân trao duyên chính là phần khó khăn nhất của Kiều – đó là trao lại kỷ vật định tình cho Vân. Khi viết tác phẩm “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”, Pautopxki kể về một loài chim say mê tiếng hót của mình, nó cất cao tiếng hót kiêu hãnh ấy và hót đến tận cùng trước khi xuyên trái tim mình vào những kim nhọn của bụi mận gai mà chết. Sự ám ảnh của tiếng chim hót ấy, niềm kiêu hãnh ấy của loài chim cũng tựa như nỗi đau của Kiều lúc này. Tình yêu với chàng Kim là khát vọng duy nhất và cuối cùng của nàng. Buộc lòng phải chấp nhận trao kỷ vật tình yêu cho người khác – dù là em mình, nhưng cũng thật là đau đớn:

“Chiếc thoa với bức tờ mây

Duyên này thì giữ, vật này của chung.

Dù em nên vợ nên chồng,

Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên!

Mất người còn chút của tin,

Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa.”

Biết bao đau đớn dồn tụ trong hành động trao kỷ vật ấy. Chỉ một câu thơ, Nguyễn Du dường như đã thật thấu hiểu nỗi đau của Kiều: “Duyên này thì giữ, vật này của chung.” Nhân loại suốt ngàn năm đều tôn thờ tình yêu, đó là câu chuyện của hai người yêu nhau. Đó là địa hạt huyền bí chỉ có thể hai người mới biết, không một kẻ nào thứ ba biết được, và càng không được phép chạm vào địa hạt ấy. Trong câu thơ ấy, ta thấy thương Kiều hơn và cảm thông với nỗi lòng của nàng. Nhất là khi Kiều đã mang nặng lời thề đính ước:

“Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương.”

Vì vậy, kỉ vật tình yêu  là của chung nhưng Kiều vẫn thiết tha muốn lưu giữ kỉ niệm tình yêu ấy của riêng hai người. Quả thật, hai chữ “của chung” chất chứa bao nhiêu đau xót, nó gợi ra cả cái giằng co giữa tâm và trí. Lý trí nàng đã quyết định trao duyên, trao kỉ vật, song tình cảm lại vẫn cố gắng trì hoãn, níu giữ. Nguyễn Du tinh tế vô cùng khi thấu hiểu được tâm trạng ấy của Kiều. Khi những vật chứng của tình yêu làm sống dậy những kỉ niệm nồng nàn, hạnh phúc của nàng cùng với Kim Trọng.

“Văn học đến với con người theo cách của ngọn lửa: nung đốt và sưởi ấm, thiêu huỷ bà chiếu sáng” (Lê Thành Nghị). Thật vậy, mở ra trong kiệt tác “Thuý Kiều” nói chung và trích đoạn “Trao duyên” nói riêng, người đọc luôn thấy toả sáng ở đó tấm lòng và tài năng của Nguyễn Du. Tác phẩm của Tố Như đã vượt tầm thời gian, đem đến giá trị hiện thực xuất sắc, đó là sự phê phán xã hội phong kiến coi trọng đồng tiền, chà đạp và làm băng hoại những giá trị đạo đức, ước mơ và khát vọng của con người không. Đặc biệt, tác phẩm với mười tám câu thơ mở đầu là tiếng lòng đồng cảm, xót thương mãnh liệt của tác giả dành cho sự bạc mệnh của Thuý Kiều. Tác phẩm xuất hiện, khắc hoạ thành công đau đớn của Kiều, và khắc hoạ thành công sự tài năng, tâm hồn yêu thương con người của Đại thi hào.

Trên đây là bài phân tích 18 câu thơ mở đầu trong “Trao duyên” nằm trong tác phẩm Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du. Hy vọng bài viết đã mang đến các thông tin hữu ích đến các bạn. 

Ngữ Văn Lớp 10 -