Phân tích 4 khổ thơ đầu bài thơ Sóng – Xuân Quỳnh

Phân tích 4 khổ thơ đầu bài thơ Sóng của tác giả Xuân Quỳnh trong Ngữ văn 12 với dàn ý chung ngắn gọn và chi tiết nhất.

Nói đến thơ tình không thể không nhắc đến bài thơ “Sóng” từ thi sĩ Xuân Quỳnh. Cùng phân tích ý nghĩa văn học và nhân văn trong 4 khổ thơ đầu trong bài thơ “Sóng” qua nội dung bài viết sau đây.

phan-tich-4-cau-dau-bai-tho-song.jpg

Phân tích 4 khổ thơ đầu bài thơ Sóng

Đề bài: Phân tích 4 khổ thơ đầu bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh.

*Dàn ý chung:

Mở bài:

Thân bài:

Giới thiệu tác giả, tác phẩm:

– Tác giả:

Phân tích:

– Khổ 1:

– Khổ 2:

– Khổ 3+4:

Kết bài:

Phân tích 4 khổ thơ đầu bài thơ Sóng

“Em trở về đúng nghĩa trái tim em

Là máu thịt đời thường ai cũng có

Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa

Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi”.

                                                                                           (“Tự hát”- Xuân Quỳnh)

Hỡi thế gian, tình là gì? Yêu là gì? Mà con người say đắm, mà con người cuồng nhiệt cống hiến. Dù là trong khoảnh khắc đời thường, hay trong dòng chảy tâm hồn của thi nhân, tình yêu luôn mang vẻ đẹp thiêng liêng và vẻ đẹp gắn bó. Nếu “Tự hát” là lời bộc bạch nguyện sống chết một đời vì tình yêu của mình; thì “Sóng” với hai hình tượng song hành, xuyên suốt “sóng” và “em” chính là tiếng nói tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu, luôn khao khát, luôn da diết và thường trực. Hãy cùng cảm nhận vẻ đẹp tình yêu ấy qua bốn khổ thơ đầu trong bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh.

“Thơ là tiếng lòng.” (Diệp Tiếp). Quả thật, thơ chính là tiếng nói tình cảm mãnh liệt được khởi phát từ tâm hồn của con người. Với Xuân Quỳnh (1942-1988), thơ của chị là tiếng lòng của người phụ nữ khao khát tình yêu mãnh liệt. Có thể nói, Xuân Quỳnh là nhà thơ tiêu biểu nhất viết về tình yêu trong lứa các nhà thơ trưởng thành từ kháng chiến chống Mỹ như: Lâm Thị Mỹ Dạ, Bằng Việt, Phạm Tiến Duật, Lưu Quang Vũ,… Hồn thơ Xuân Quỳnh là tiếng nói tâm hồn của người phụ nữ nhiều trắc ẩn, vừa hồn nhiên tươi tắn, vừa chân thành đằm thắm và đồng thời cũng là tiếng lòng luôn da diết khao khát hạnh phúc bình dị, đời thường. Cùng với sự khốc liệt, bom đạn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, các tác phẩm của Xuân Quỳnh như một dòng chảy ngọt ngào trong thi ca kháng chiến, với các tác phẩm tiêu biểu: tập thơ “Tơ tằm-Chồi biếc”, “Gió lào cát trắng”, “Hoa cỏ may”,… Bài thơ “Sóng” sáng tác năm 1967, là tác phẩm tiêu biểu về đề tài tình yêu của nữ thi sĩ, in trong tập “Hoa dọc chiến hòa”, là kết quả chuyến đi thực tế của tác giả tại vùng biển Diêm Điền (Thái Bình). Bài thơ thể hiện một cách sâu sắc tiếng thơ Xuân Quỳnh, một hồn thơ với những cảm nhận hết sức tinh tế về vẻ đẹp tình yêu trong mỗi người phụ nữ thông qua hai hình tượng xuyên suốt là “sóng và em”: luôn khát khao hạnh phúc, dù là bình dị nhất.

“Có những tình yêu không thể nói bằng lời

Chỉ hiểu nhau qua từng ánh mắt

Nhưng đó là thứ tình yêu bền vững nhất

Bởi thứ ồn ào là thứ dễ quên.”

                                                                                           (Đinh Thu Hiền)

Nếu với Đinh Thu Hiền, tình yêu là tiếng nói thầm lặng, là tiếng nói của sự thấu hiểu và sự êm đềm tạo nên bền vững; thì với Xuân Quỳnh, tình yêu là những trạng thái đối lập nhau, mà ở đó, con người phải mãnh liệt mà tìm cách hướng tới:

“Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ

Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể.”

Trong tình yêu, chúng ta sẽ cần sự hiểu nhau và êm đềm, nhưng không có nghĩa là “dữ dội-ồn ào” là không nên có. Ở đây, tác giả sử dụng phép đối giữa: “dữ dội-dịu êm”, giữa: “ồn ào-lặng lẽ” là để nhằm nhấn mạnh những cung bậc cảm xúc từ cao xuống thấp trong tình yêu. Sóng mang trong mình là sự đối lập, nhưng thực chất lại là hiện thân cho sự thống nhất, sự vận hành theo quy luật của tự nhiên. Ẩn trong thực thể đối lập mà thống nhất ấy là tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu: khi dữ dội, khi ồn ào, nhưng cũng sẽ có lúc dịu êm, lặng im. Liên từ “và” đã thể hiện quan hệ cộng hưởng, nối tiếp của những trạng thái đối lập trong tình yêu, để rồi từ những thực thể đối lập nhau , giờ đây hòa hợp thành một chỉnh thể thống nhất về cảm xúc. Không chỉ dừng lại ở đó, việc nữ sĩ lựa chọn các thanh bằng để kết thúc ở hai câu thơ đầu cũng đã thể hiện rõ sự da diết, mà dịu êm của tâm hồn người phụ nữ đang yêu. Hai câu thơ tiếp theo không còn là trạng thái đối lập, mà là sự khát vọng vươn tới tình yêu to lớn mà gian truân của hình tượng “sóng”. Ta có thể bắt gặp “sóng” với khát vọng của chính nhân vật trữ tình đang muốn tìm tới tình yêu, tới chân trời nơi tình yêu đích thực của lòng “em”. Câu thơ với hình ảnh “sông” và “bể” chính là những ẩn dụ sâu sắc. Nếu “sông” là tượng trưng cho sự nhỏ hẹp, là một thế giới mà sóng không thể nương tựa, thì “bể” chính là sự rộng lớn, là bến đỗ tình yêu bao la mà “sóng” đang ngày đêm tìm kiếm. Song, hành trình để “sóng” tìm đến với chân trời đích thực mà mình khát vọng cũng thật không hề dễ dàng. “Sóng” sẽ phải vượt qua sự gần gũi bao năm của “sông”, để rồi vươn tới thế giới mới, bao la hơn là “bể”, mà ở đó, sóng phải kiên cường và đấu tranh để giành lấy tình yêu cho bản thân mình. Hành trình ấy của “sóng” gợi cho ta liên tưởng tới hành trình đi tìm tình yêu đích thực của người phụ nữ. Họ cũng như “sóng”, khát vọng tình yêu mãnh liệt, họ cũng như “sóng” sẵn sàng đấu tranh để giành lấy tình yêu mình ao ước. Để rồi ở đó, khát vọng đích thực của người phụ nữ là: yêu và được yêu, được bao dung và thấu hiểu. Xuân Quỳnh cũng đã từng viết trong “Thuyền và Biển” như sau:

“Chỉ có thuyền mới hiểu

Biển mênh mông nhường nào

Chỉ có biển mới biết

Thuyền đi đâu về đâu.”

Những câu thơ thật nhẹ nhàng, nhưng lại đọng sâu trong tâm hồn con người về một tình yêu mà ở đó, đôi bên đều dành cho nhau tình cảm chân thành và sự thấu hiểu trọn vẹn. Những lời thơ cũng chính là niềm ao ước muôn thuở của người phụ nữ trong hành trình tìm kiếm tình yêu của mình.

Nếu ở khổ thơ đầu tiên, “sóng” được miêu tả ở chiều không gian, thì tới khổ thơ thứ hai, “sóng” được tác giả nhắc tới với chiều thời gian; mà ở đó, những đặc điểm của sóng được hiện lên một cách rõ ràng cùng với khát vọng tình yêu là vĩnh hằng trong quy luật của tự nhiên và muôn đời trong quy luật của con người:

“Ôi con sóng ngày xưa

Và ngày sau vẫn thế

Nỗi khát vọng tình yêu

Bồi hồi trong ngực trẻ.”

Nếu “ngày xưa” là chỉ về quá khứ, “ngày nay” để nhấn mạnh cho tương lai, thì cách sử dụng tinh tế biện pháp tu từ ẩn dụ trong toàn khổ thơ chính là sự nhấn mạnh cho vẻ đẹp vĩnh hằng muôn đời của tình yêu. Ai đó đã từng nói: “Thanh xuân như một cơn mưa rào, mà dù biết sẽ bị cảm lạnh, bạn vẫn sẽ không ngần ngại mà đắm mình trong cơn mưa ấy.” Quả thật là vậy, tuổi trẻ qua đi không lấy lại được, nhưng những hoài bão, những khát vọng tình yêu của tuổi trẻ thì mãi luôn rực cháy trong mỗi con người. Tuổi trẻ là đặc ân vô giá của đời người, mà ở đó, chúng ta là những con người dám nghĩ, dám làm, dám theo đuổi tới cùng tình yêu đích thực, dù cho trong lồng ngực có: “bồi hồi”. Như vậy, xét cho cùng, không chỉ riêng tác giả có tâm hồn khao khát tình yêu, mà mỗi con người chúng ta cũng đang đồng điệu cùng sự cháy bỏng đó.

“Thơ ca bắt rễ từ lòng người và nở hoa nơi từ ngữ.” (Viên Mai) Quả thật, từ bao đời nay, thơ ca luôn là nguồn cảm hứng nảy nở và sinh sôi từ trong tâm hồn đồng điệu của người thi sĩ, và Xuân Quỳnh cũng không phải là ngoại lệ. Hai khổ thơ ba và bốn mở ra là cội nguồn của sóng và là sự nở hoa của nhân vật trữ tình trên chặng đường tìm kiếm hạnh phúc:

“Trước muôn trùng sóng bể

Em nghĩ về anh, em

Em nghĩ về biển lớn

Từ nơi nào sóng lên?

Sóng bắt đầu từ gió

Gió bắt đầu từ đâu?

Em cũng không biết nữa

Khi nào ta yêu nhau”

Khổ thơ thứ ba mở ra với hình tượng “sóng” và “em” tách biệt nhau, nhưng lại mang trong mình suy nghĩ tình yêu của nhau. Trước mênh mông biển lớn, người già thường nghĩ về sự hư vô, nhỏ bé của kiếp người; kẻ đa sầu đa cảm lại cảm thấy “Vắng cánh buồm một chút cũng cô đơn.” (Hữu Thỉnh); người  ưu triết lí lại nhìn về cuộc đời sâu thẳm. Riêng Xuân Quỳnh, lại nghĩ một cách thật giản dị: “Em nghĩ về anh, em”. Câu thơ đã mở ra cả một không gian mênh mông của biển lớn, mà ở đó, hình tượng “em” không có chút ngợp rợn, mà thỏa lòng nghĩ về tình yêu của cuộc đời mình. Câu hỏi tu từ ở cuối khổ ba cũng chính là câu hỏi cho tâm hồn yêu và mong muốn được yêu của “em”, ở đây, nhân vật trữ tình như hiểu thấu lòng “biển lớn” và càng hiểu thấu câu trả lời cho câu hỏi mình đặt ra.

Song, không dừng lại ở đó, khổ thơ thứ tư, chính là  một câu hỏi lớn của tâm hồn người phụ nữ. “Sóng” từ đâu mà có, “gió” từ đâu mà ra, và chốt lại là “Khi nào ta yêu nhau”. Dường như, những câu hỏi tu từ đặt ra không chỉ mong nhận lại câu trả lời, mà còn là một lời khẳng định cho ý nghĩa của tình yêu: luôn là địa hạt huyền bí nhất của con người. Câu hỏi của nhân vật trữ tình, nhưng lại là câu hỏi thường thực trong mỗi chúng ta, để rồi, nó để lại trong mỗi con người một đáp án riêng về tình yêu của đời mình. Như vậy, tình yêu của “em” cũng chính là tình yêu thường trực trong tâm hồn của những người phụ nữ khi yêu, càng đặc biệt hơn, nó cũng là tình cảm của nhân vật trữ tình, và tình yêu ấy, được Xuân Quỳnh khắc ghi:

“Trái tim nhỏ nằm trong lồng ngực

Giây phút nào chẳng đập vì anh.”

                                                                          (“Chỉ có sóng và em” – Xuân Quỳnh)

“Thơ là thơ, đồng thời là nhạc, là họa, là chạm khắc theo một cách riêng.” (Sóng Hồng) Thật vậy, “Sóng” của Xuân Quỳnh chính là thi phẩm nhưng mang trong mình âm điệu của thi nhân và nét họa, nét chạm khắc riêng về tình yêu phụ nữ. Bốn khổ thơ đầu khép lại, là sự xoay quanh của hình tượng “sóng và em”, mà ở đó, mỗi sự khát vọng và vươn mình của “sóng” cũng chính là sự ẩn dụ cho vẻ đẹp tâm  hồn “em”. Tóm lại, bốn khổ thơ đầu thi phẩm “Sóng” chính là sự khắc tạc vẻ đẹp của người phụ nữ trong tình yêu, vừa mang nét uyển chuyển e lệ cổ truyền, vừa mang nét táo bạo, dám nghĩ dám làm của hiện đại. Đồng thời, cũng là nét họa sâu sắc trong lòng độc giả về một tình yêu sâu đậm, cháy bỏng và vĩnh cửu.

Trên đây là phân tích ngắn gọn về 4 khổ thơ đầu bài thơ “Sóng” từ nhà thơ Xuân Quỳnh. Hy vọng bài viết đã mang đến các kiến thức hữu ích đến các bạn học sinh cũng như độc giả.

Ngữ Văn Lớp 12 -