Thuyết minh về cách làm bánh chưng ngày Tết
Thuyết minh về cách làm bánh chưng ngày Tết để tìm hiểu về nguồn gốc, đặc điểm, dụng cụ, nguyên liệu, cách bảo quản và ý nghĩa bánh chưng.
Viết bài thuyết minh về cách làm bánh chưng ngày Tết, dựa theo suy nghĩ của chính anh/chị. Dưới đây là bài tham khảo, hi vọng sẽ giúp ích cho các bạn.
Bài văn thuyết minh về cách làm bánh chưng
Dàn ý
Mở bài
Giới thiệu khái quát về bánh chưng.
Ví dụ minh họa: Trước không khí tưng bừng với muôn sắc hoa rực rỡ như: hoa mai, hoa đào, hoa hồng, hoa dơn,… cùng với những ánh sáng lấp lánh của những dây đèn nhấp nháy,… hình như xuân đã về, hình như Tết đang đong đầy. Và mỗi độ xuân sang Tết đến, chúng ta không thể không nhắc tới bánh chưng – loại bánh cổ truyền có từ lâu đời; và cũng là thức bánh tạo nên hương vị Tết cổ truyền Việt Nam.
Thân bài:
Nguồn gốc của bánh chưng:
- Bánh chưng đã có từ lâu đời, tương truyền xuất hiện ở thời vua Hùng thứ VI, trong dịp lễ chọn người kế vị của vua Hùng, Hoàng tử Lang Liêu đã sử dụng bánh chưng cúng dâng vua thưởng thức.
- Và cũng bắt đầu từ đó, bánh chưng ra đời, trở thành thức quà trong mỗi dịp Tết đến xuân về của người Việt Nam.
Đặc điểm của bánh chưng:
- Hình dáng: Bánh chưng có hình vuông.
- Màu sắc: Bánh bên ngoài được phủ màu xanh của lá dong, có nơi dùng lá chuối. Bên cạnh đó, bánh được cố định lại bằng lạt giang màu trắng ngà.
Dụng cụ làm bánh:
- Khuôn gói bánh hình vuông.
- Mâm để trải lá gói bánh.
Nguyên liệu làm bánh chưng:
- Nguyên liệu bên ngoài vỏ bánh: Lá dong (hoặc lá chuối), lạt cố định bánh là: lạt giang; sử dụng lá dừa cố định quanh bánh để bánh vuông đẹp hơn.
- Nguyên liệu bên trong:
- Vỏ bánh: Sử dụng gạo nếp đã ngâm 6-8 tiếng.
- Nhân bánh: Đỗ xanh đã đãi vỏ, hấp chín; thịt lợn ba chỉ đã ướp gia vị.
- Gia vị: Hạt tiêu, một ít nước mắm, đường, muối, bột ngọt.
- Phụ gia tạo màu: Nếu muốn bánh xanh hơn, dùng nước lá riềng giã, chắt lấy nước và ngâm cùng gạo. Có thể dùng nước lá dứa.
Quy trình làm bánh:
Có nhiều cách gói bánh chưng, nhưng hai cách phổ biến nhất là dùng tay và dùng khuôn để gói bánh.
- Xếp lạt giang lên mâm, sau đó, trải lá dong xuống mặt mâm.
- Xúc gạo nếp đổ vào lá dong, dùng tay hoặc có thể dùng khuôn, sao cho bánh tạo thành hình vuông.
- Rải đều đậu xanh lên mặt gạo, sao đó trải thịt lên, và đổ thêm một lớp gạo lên phâi trên thịt, sao cho phủ kín thịt và đậu.
- Sau đó, bọc lại theo hình vuông và dùng lạt để cố định bánh.
- Luộc bánh với nồi to, và dài, đổ nước ngập bánh. Khi cạn bớt nước, cần đổ thêm nước vào. Luộc bánh 1 ngày 1 đêm để bánh chín mềm và giữ được độ dẻo lâu hơn.
Bảo quản bánh
- Sau khi luộc xong bánh, với bánh ra, cần rửa lại bánh với nước lạnh. Tiếp đó, xếp bánh lại và dùng vật nặng đè lên bánh ra hết nước. Khi cảm thấy bánh đã khô thì treo bánh ở nơi khô ráo, tránh ẩm ướt, bánh dễ bị mốc.
- Cần bảo quản bánh ở nơi khô ráo, tránh ẩm ướt. Như vậy bánh có thể để trong 3-4 tuần.
Ý nghĩa:
- Bánh chưng mang hương vị ngày Tết cổ truyền, thấy bánh chưng là thấy Tết.
- Bánh chưng là biểu tượng cho đất hình vuông, cho sự sinh sôi và phát triển của vạn vật.
- Đồng thời, bánh chưng cũng là sự ngợi ca hạt gạo – thức quà tạo nên nền văn minh Việt Nam.
Kết bài:
Qua những ý nghĩa trên, nêu lên vai trò, tầm quan trọng của bánh chưng trong ngày Tết.
Từ dàn bài thuyết minh trên, các bạn hãy viết bài văn hoàn chỉnh thuyết minh về bánh chưng. Dưới đây là bài tham khảo, chúc các bạn thành công.
Văn mẫu thuyết minh về cách làm bánh chưng
“Bên ngoài xanh lá dong
Bên trong nếp đỗ, mỡ hành hạt tiêu
Gói tình nghĩa, gói yêu thương
Dẻo thơm từ thuở Lang Liêu tới giờ.”
(Khuyết danh).
Từ bao đời này, bánh chưng luôn là vẻ đẹp mang tinh thần đoàn kết, sum vầy ngày Tết. Là vẻ đẹp lịch sử từ thời vua Hùng vẫn được duy trì, tiếp nối đến ngày nay. Để rồi, từ vẻ đẹp lâu đời ấy, bao thế hệ Việt Nam tự hào gìn giữ bản sắc dân tộc.
Tương truyền, bánh chưng ra đời vào thời vua Hùng thứ VI. Là trong cuộc tuyển chọn người kế vị mà xuất hiện. Lang Liêu một trong số các vị hoàng tử, trong giấc ngủ đã mơ thấy thần chỉ mình cách làm loại bánh từ hạt gạo để làm vật phẩm dâng tiến Vua. Bánh chưng ra đời trong hoàn cảnh đó, là tượng trung cho vẻ đẹp hình vuông của Đất.
Dẫu đã qua nhiều thế kỉ, trải qua biết bao nhiêu thế hệ, nhưng thức quà Bánh chưng vẫn mãi trường tồn trong mỗi gia đình Việt Nam ngày Tết. Nguyên liệu của bánh chưng, từ xa xưa tới nay vẫn được giữ nguyên vẹn vẻ truyền thống, không có nhiều thay đổi. Với, phần bao bọc bánh là: loại lá dong bánh tẻ, đây là lúc lá dong có màu xanh đẹp nhất, phù hợp nhất với việc gói bánh chưng. Lá dong khi mua về, cần rửa sạch sẽ, cắt bỏ phần cuống để ráo nước. Kết hợp với lá dong xanh, là màu trắng ngà của lạt giang để cố định chiếc bánh. Bên trong bánh là: gạo nếp cái hoa vàng, nếp thơm,… đã ngâm từ 6-8 tiếng đồng hồ để hạt gạo căng bóng, tròn trịa, khi luộc bánh sẽ dẻo mềm, thơm ngon. Kết hợp với gạo nếp, phần nguyên liệu bên trong bánh còn có: đậu xanh đã đãi vỏ, hấp chín; cùng với thịt ba chỉ đã ướp qua hạt tiêu, nước mắm, muối, đường, bột ngọt. Có thể bỏ thêm hành khô đã băm nhuyễn, giúp hương vị bánh thêm đậm đà.
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu, chúng ta bước vào giai đoạn gói bánh. Công đoạn này của quá trình làm bánh chưng là công đoạn yêu cầu sự khéo léo, cẩn thận của người làm bánh. Bước đầu tiên để bắt đầu vào gói bánh, là cần chuẩn bị một chiếc mâm sạch, sau đó gấp các cạnh của lá dong thành hình vuông, rồi dùng bát múc gạo nếp đổ vào khuôn lá hình vuông. Tiếp đó, đậu xanh đổ trải dài khắp mặt bánh, và đặt thêm một miếng thịt vào giữa mặt bánh. Sau khi đã dịch chuyển và chỉnh sửa giữa đậu và thịt xong, đổ thêm một bát gạo nữa lên trên mặt thịt, sao cho gạo nếp phủ đều thịt và đậu xanh. Cuối cùng, gói bánh lại một cách cẩn thận, các nếp gấp tạo nên hình vuông vắn, chỉn chu cho bánh, tiếp đó, dùng lạt giang cố định bánh lại. Nếu muốn cho bánh thêm phần vuông vắn và đẹp mất, có thể dùng lá dừa tươi, gập thành khuôn hình vuông gừa với bánh, sau đó cố định lại. Vậy là đã hoàn thành công đoạn gói bánh đầy tỉ mỉ rồi.
Tiếp đến của quá trình gói bánh, là quá trình đem bánh đi luộc. Bánh đem đi luộc cần xếp trong nồi ngăn nắp. Nồi luộc bánh phải là nồi to, cao; bánh bỏ vào nồi cần được đổ ngập nước. Luộc bánh trong vòng một ngày một đêm, trong quá trình luộc cần căn chỉnh nhiệt lửa đúng mức, cần thường xuyên đổ thêm nước vào bánh, để nước luôn ngập bánh. Nếu nấu trong thời gian như vậy, thành quả sẽ là bánh dẻo mềm, và giữ được lâu hơn. Đồng thời, sau khi luộc bánh, bánh đã chín, vớt bánh ra và rửa sạch với nước lạnh, tiếp đó xếp bánh lại và dùng vật nặng ép khô nước, ép khô xong treo bánh lên. Làm như vậy bánh sẽ giữ được khoảng 3-4 tuần.
Trong ngày Tết, bánh chưng không chỉ là món ăn tinh thần, mà còn là thức quà quý giá giúp lưu giữ nét đẹp truyền thống dân tộc. Bánh chưng còn mang nét đẹp sum vầy, đoàn viên. Là lời ca ngợi giá trị đẹp đẽ của hạt gạo Việt Nam. Trong dịp Tết cổ truyền, bánh chưng được dùng để dâng cúng tổ tiên. Đồng thời bánh chưng còn có thể mang biếu tặng bạn bè.
Một số đoạn văn thuyết minh về bánh chưng
Đoạn văn thuyết minh về cảnh gói bánh chưng
“Thịt mỡ dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu tràng pháo, bánh chưng xanh.”
(Câu đối Việt Nam)
Trong dịp lễ Tết Việt Nam, đi kèm những hoa đào hồng phớt, hoa mai vàng ươm, là hình ảnh của cây nêu cao vút, những tràng pháo báo hiệu Giao Thừa, và đặc biệt hơn là thức quà bánh chưng – nơi lưu giữ cội nguồn lịch sử văn hoá nước nhà. Bánh chưng là thức quà quý giá được xuất phát từ tương truyền đời Vua Hùng thứ VI. Bánh là biểu tượng cho hình vuông của Đất – là sự thể hiện vạn vật sinh sôi phát triển. Đặc biệt, bánh chưng khi được nếm thử một lần sẽ là hương vị lưu giữ trọn đời. Chiếc bánh sau khi hoàn thiện, nhìn có vẻ đơn sơ, nhưng công đoạn làm nên chiếc bánh ấy lại đòi hỏi sự tỉ mỉ, và công phu của con người. Từ khâu chọn nguyên liệu, cho đến khâu gói bánh rồi đem luộc, vớt và bảo quản bánh đều cần người làm phải thật tinh tế và khéo léo. Đặc biệt, khung cảnh làm bánh chưng, chính là một bức hoạ hoàn mỹ cho vẻ đẹp toàn diện của nó. Từ khâu chọn nguyên liệu, với đôi bàn tay đã nhăn nheo của bà, và ánh mắt tinh tế trải nghiệm nguyên liệu, với những chiếc lá dong được bà chọn: phải là những lá xanh đều, bề mặt lá không lốm đốm vàng, gân lá cứng và xanh sẫm màu hơn một chút. Ống giang để chẻ thành lạt buộc, cần chọn loại không quá ngả màu vàng, cũng không quá xanh non. Phải là ống giang có màu xanh hơi sẫm, như vậy chẻ thành lạt buộc mới dẻo, mới chắc. Lá dong sau khi mua về, cần rửa sạch bà để ráo nước, giang chẻ mỏng. Tiếp đó là công đoạn chuẩn bị nguyên liệu gói bánh. Nguyên liệu để gói bánh gồm: lá dong, lạt giang, gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn ba chỉ; và các loại gia vị như: hạt tiêu, muối, đường, bột ngọt, nước mắm. Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu, việc quan trọng nhất bây giờ là gói bánh. Công đoạn gói bánh mang đến cho chúng ta sự say mê, và cẩn trọng, và cũng chính công đoạn này đã khắc ghi ký ức vui vẻ về một khung cảnh gia đình sum vầy. Khung cảnh ấy hiện lên sôi nổi, mà cũng rất yên bình, mỗi người một việc, tay chân thoăn thoắt tạo nên những chiếc bánh vuông vắn, đẹp mắt. Để rồi từ khung cảnh nhộn nhịp mỗi người một việc ấy, tất cả cùng sum vầy ngồi quanh bếp lửa nấu bánh, vừa canh nhiệt cho bánh, vừa cùng nhau nói những chuyện trải qua trong năm qua. Tiếng nói cười giòn giã, tiếng khúc khích trẻ thơ, tiếng nói trầm khàn của ông, bà,… tất cả tạo nên kỉ niệm khó quên trong mỗi người về khung cảnh gói bánh.
Đoạn văn về ý nghĩa của bánh chưng
“Nhớ lắm xa xưa cả đất nước có một ngày
Chìm trong mơ màng mờ mịt khói bay
Bừng lên từ nồi bánh chưng của vạn vạn nhà người đất Việt!
Bánh chưng ơi – tôi gọi lời tha thiết
Xa tự bao giờ mà xa thế bánh chưng ơi!”
(“Bánh chưng ơi” – Thuỵ Anh)
Quả thật, từ bao đời nay, bánh chưng luôn là nguồn động lực, luôn là thức quà để mỗi chúng ta gợi nhớ về quê hương, gợi nhớ về đất nước , con người Việt Nam. Bánh chưng mang trong mình nét đẹp tinh thần, mang trong mình sự trân quý, và tốt đẹp; bánh chưng còn mang trong mình ý nghĩa lớn lao của hạt gạo Việt Nam, mang trong mình ý nghĩa gắn kết con người lại với nhau, dù ở nơi đâu, nhìn thấy sắc xanh của lá dong, nhìn thấy hình dáng vuông vắn cũng đều sẽ nhớ về quê hương Tổ quốc thân yêu. Bánh chưng từ khi xuất hiện ở thời Vua Hùng thứ VI đã mang ý nghĩa biểu tượng cho “hạt ngọc” nghề truyền thống lúa nước Việt Nam, mang ý nghĩa tôn kính của người bè dưới dâng tặng, cúng trọng tổ tiên. Qua bao nhiêu thế kỉ, ý nghĩa ấy vẫn vẹn toàn, và vẫn được gìn giữ nghiêm trang. Cho đến ngày nay, dù đã có xuất hiện của nhiều “cao sơn mỹ vị”, nhưng sâu thẳm trong mỗi con người, bánh chưng vẫn mang hương vị đặc trưng nhất, sâu sắc nhất. Trong mỗi dịp lễ Tết, bánh chưng vẫn là thức bánh ưu tiên dùng để dâng cúng tổ tiên, thể hiện lòng thành kính, và nêu cao hương vị vẻ đẹp truyền thống được gìn giữ. Vào ngày trước đêm ba mươi, nhà nhà, người người đang sum vầy bên nhau cùng trò chuyện bên bếp lửa nấu bánh. Để rồi, đêm ba mươi những chiếc bánh tươi ngon dùng để thắp hương, khi phá cỗ, sự mềm dẻo, xanh ngọc của bánh chưng như một sự thức tỉnh xua tan phiền muộn của năm cũ và tiếp nối sự tươi tắn, đẹp đẽ của năm mới. Bánh chưng bao đời nay vẫn vậy, vẫn luôn là thức quà quý giá, là sự trân trọng và là thức quà của sự sum vầy, của hạnh phúc, ấm no mỗi dịp Tết đến, xuân về. Để rồi, dù qua bao nhiêu năm, thức quà ấy vẫn mãi mãi trọn vẹn trong lòng của những con người Việt Nam.
Trên đây là dàn ý, các phân đoạn tách nhỏ để miêu tả sâu hơn, chân thực hơn về bánh chưng cổ truyền Việt Nam. Cùng với đó là bài viết hoàn chỉnh thuyết minh về bánh chưng. Các bạn có thể tham khảo, từ đó đưa ra ý kiến cá nhân để hoàn thiện bài của bản thân.
Xem thêm: Cảm nghĩ về tình bạn thân hay chi tiết mang nhiều ý nghĩa
Ngữ Văn -