Nguyên nhân và ý nghĩa cái chết của nhân vật Lão Hạc
Nguyên nhân và ý nghĩa cái chết của nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm Lão Hạc của nhà văn Nam Cao. Và tìm hiểu chi tiết về tác giả – tác phẩm Lão Hạc.
Lão Hạc là một trong những tác phẩm văn học nổi bật của nhà văn Nam Cao. Cùng phân tích nguyên nhân, ý nghĩa cái chết của nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao qua nội dung bài viết sau đây.
Nhân vật Lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao thay vì lựa chọn sống dựa vào người khác, Lão đã chọn cái chết túng quẫn mà tuyệt vọng. Anh/chị hãy tìm hiểu và trình bày nguyên nhân, ý nghĩa cái chết của Lão Hạc.
Tác giả – Tác phẩm:
Nam Cao (1915-1951, có tài liệu ghi ông sinh năm 1917), tên thật là Trần Hữu Tri, là nhà văn sinh ra tại mảnh đất Hà Nam. Là nhà văn-chiến sĩ nổi bật trong nền văn học Việt Nam. Ông là nhà văn hiện thực tiêu biểu cả trước và sau Cách Mạng tháng Tám năm 1945. Nghệ thuật viết truyện ngắn của Nam cao rất đặc sắc, độc đáo, và đa dạng. Các tác phẩm của ông hiện lên đầy chân thực, và mang ý nghĩa triết lý sâu sắc về cuộc đời con người. Ngòi bút của Nam Cao thể hiện rõ sự gân guốc, sắc lạnh, nhưng đồng thời cũng biểu hiện chút trữ tình sâu xa. Nói đến Nam Cao, là nói đến nghệ thuật xây dựng nhân vật độc lạ và nghệ thuật miêu tả nhân vật chi tiết và thấu hiểu. Đặc biệt với cách sử dụng ngôn ngữ đơn giản, mộc mạc đã giúp cho các tác phẩm của ông đến gần hơn với độc giả.
Đề tài xoay quanh văn học của Nam Cao, thường là viết về người nông dân và tri thức nghèo với các tác phẩm tiêu biểu như: “Đôi lứa xứng đôi” (truyện ngắn-1941), “Chí Phèo” (truyện ngắn-1941), “Sống mòn” (truyện dài, 1956-1970),…. Với hơn 20 tác phẩm viết về đề tài nông thôn, Nam Cao đã đưa người đọc trở về với hình ảnh người nông dân, người tri thức nghèo sống và làm việc trong hoàn cảnh bần cùng, bị xã hội hà khắc làm cho tha hoá, mất bản tính; còn người muốn giữ lại tự trọng, giữ trọn vẹn nhân bản con người lại rơi vào cùng đường, tuyệt lối – mà cái chết là đường mở. Có thể nói, Nam Cao chính là nhà văn tiêu biểu nhất trong số các nhà văn viết về đề tài nông thôn, ông là người đã “khơi được những nguồn chưa ai khơi”, và từ sự chân thật mới mẻ ấy, Nam Cao ngày càng đến gần hơn với sự yêu mến của độc giả.
“Lão Hạc”được sáng tác năm 1943, là truyện ngắn xuất sắc nhất của Nam Cao viết về đề tài người nông dân. Tác phẩm là lời nói chân thực của tác giả về một hiện thực bần cùng và nghèo đói của những con người sống và khao khát sống trong hoàn cảnh éo le: trước Cách Mạng tháng Tám năm 1945. “Lão Hạc” không chỉ là một tác phẩm trên mặt chữ, mà còn là sự nhập tâm sâu sắc của Nam Cao, để nói lên nỗi niềm của người nông dân cùng cực, mà qua đó, ông cùng bày tỏ lòng thương xót và đau đớn thay cho số kiếp của họ.
Khái quát về nhân vật Lão Hạc:
Tình cảnh của Lão Hạc:
- Lão Hạc là một lão nông dân nghèo, vợ lão mất sớm, lão chịu cảnh “gà trống nuôi con”. Đến khi con lão khôn lớn, đến tuổi cưới vợ, vì nhà gái thách cưới quá cao, mà lão lại nghèo túng không thể chu cấp cho con; phẫn chí con trai lão quyết định bỏ đi đồn điền cao su. Anh ra đi với hy vọng kiếm được “bạc trăm” mới trở về. Nhưng mộng đẹp ấy của anh đã bị dập tắt, khi anh đến đồn điền cao su, anh như bước vào địa ngục trần gian:
“Cao su đi dễ khó về
Khi đi trai tráng, khi về bủng beo.”
Con đi rồi, lão chỉ còn một thân một mình, lủi thủi sống qua ngày. Có lẽ động lực to lớn nhất để lão vẫn tiếp tục duy trì cuộc sống của mình chính là kỉ vật con trai để lại cho lão. Ngày qua ngày, lão nhớ con trai, và nỗi niềm nhớ nhung ấy, được lão gửi gắm tất cả vào Cậu Vàng, Cậu Vàng còn, kỉ niệm về con trai với lão còn.
- Lão yêu thương và xem Cậu Vàng như một người bạn để trò chuyện, xem nó như một người thân mà cùng ăn, cùng vui vẻ với nó. Tuy nhiên, cái nghèo, cái đói khiến lão không thể lo cho chính mình và cả thứ gọi là kỉ vật. Lão quyết định bán Cậu Vàng, bán Cậu Vàng rồi, cầm tiền trên tay mà tâm lão cứ nhớ về hình ảnh nó bị bắt, lão dằn vặt, lão đau đớn vì đã lừa Vàng. Bán Cậu Vàng là vậy, nhưng lão không đụng vào dù là một xu tiền bán được. Lão ăn khoai để sống, hết khoai, lão lại tự chế món ăn sống qua ngày.
- Vậy mà, cái nghèo, cái đói đâu có buông tha cho lão. Cùng đường lão quyết định ăn bả chó tự tử. Lão chết vì lão không thể sống được. Một người nông dân hiền hậu, chất phác, ông dùng chính cái chết của mình để giữ lại sự tự trọng của bản thân.
Phẩm chất của Lão Hạc:
- Lão Hạc là một người có tấm lòng bao dung, nhân hậu: Lão là một người nông dân nghèo, nhưng mang trong mình sự hiền hậu, chất phác. Tình cảm của lão dành cho Cậu Vàng chính là minh chứng cho sự nhân hậu của lão. Lão xem nó như người thân của mình, lão cho nó ăn vào bát, lão bắt rận, trò chuyện với nó như hai người bạn tri kỉ, lão ăn gì cũng cho nó, lão yêu thương và chăm sóc nó như yêu thương và chăm sóc đứa con của mình vậy. Vậy mà, xã hội nghèo khổ này không buông tha cho lão, cùng đường lão bán Cậu Vàng, mà lòng lão đau xót, dằn vặt không nguôi. Lão dằn vặt vì không thể giữ lại kỉ vật của con trai, lão dằn vặt và ân hận vì lỡ lừa Cậu, lão xót thương nhìn vào ánh mắt Vàng trước khi bị đem đi, mà tim lão như bị bóp nghẹt. Lão qua kể chuyện bán Cậu Vàng với Ông Giáo mà lão thống khổ, dằn vặt không thôi, lão nhớ như in ánh mắt của Vàng nhìn lão, rồi lão chột dạ, lão ân hận vì mình đã lừa nó, và càng đau lòng hơn, khi nó là kỉ vật con trai để lại cho lão khi bỏ đi đồn điền cao su. Qua những cử chỉ, hành động dằn vặt mà ân hận của lão, ta có thể nhận ra Lão Hạc là một người hiền hậu mà chất phác, ngay cả trong sự tuyệt vọng của đau đớn, sự vị tha vẫn luôn hiện lên rõ ràng ở lão.
- Lão Hạc không chỉ hiền lành, đôn hậu mà còn là một người cha với tình yêu thương con sâu sắc: Ngày con trai lão đi đồn điền cao su, Cậu Vàng chính là kỉ vật anh để lại cho lão. Lão yêu thương, chăm sóc Vàng một, thì tình yêu và sự khao khát nỗi nhớ nhung con của lão là gấp mười. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, lão không thể chu cấp cho con tiền cưới vợ. Anh vì cưới vợ mà đòi lão bán mảnh vườn, nhưng vì suy nghĩ cho cuộc sống sau này của con lão không đồng ý, vì vậy mà khiến anh phẫn chí mà bỏ đi đồn điền cao su. Lão hối hận, lão dằn vặt khi con bỏ đi. Những câu nói của lão và Vàng, nghe như một cuộc nói chuyện bình thường, nhưng sâu xa, những lời nói ấy lại như lão đang muốn nói với con trai của mình. Trong khoảnh khắc nào đó, trong suy nghĩ nào đó, lão vẫn luôn đặt con trai mình lên hàng đầu. Lão tính dành dụm số tiền bòn vườn để lại cho con trai lão, để khi anh về, có tiền cưới vợ, có tiền dư dả mà kiếm kế sinh nhai. Thế rồi trận ốm ập tới, lão phải tiêu vào số tiền để dành cho con trai để vượt qua, vậy mà lão khổ tâm vô cùng, lão trách mình tiêu tiền của con. Để rồi, cái chết của lão cũng là vì lão lo mình sẽ ăn vào tiền của con mà ra. Lão ăn bả để chết, cái chết của lão là muốn mở ra cuộc sống tốt hơn cho con lão. Quả thật, không sai cho câu ca dao: “Công cha như núi Thái Sơn”, bởi tình yêu thương con của Lão Hạc thật đẹp, thật ý nghĩa, tình cảm ấy không ồn ào, không khoe khoang, nhưng lại là tình cảm chân thành nhất, sâu sắc nhất và cũng là to lớn nhất trong con người lão.
- Lão Hạc còn là một lão nông giàu lòng tự trọng: Lão tự trọng ngay với Vàng, với con trai, với ông giáo, với bà con xóm làng và lão tự trọng ngay với cả chính bản thân mình. Lão nhớ rõ ánh mắt cậu Vàng nhìn lão khi lão bán cậu, lão không nhận sự giúp đỡ của ông giáo cũng như bà con xung quanh, lão chuẩn bị sẵn tiền ma chay vì không muốn mắc nợ hay liên lụy tới ai cả. Có lẽ, việc bán cậu Vàng chính là bước chuẩn bị chu toàn của lão cho cái chết của mình. Lão làm hết mọi việc, kể cả ma chay cho bản thân, đến việc lão nhờ ông giáo giao lại tài sản cho con trai lão. Lão Hạc là điển hình cho con người dù phải trả giá bằng cái chết cũng sẽ không làm ảnh hưởng tới người khác. Lão Hạc chính là vẻ đẹp của một người nông dân trong sạch và đáng trân trọng.
Nguyên nhân và ý nghĩa cái chết của Lão Hạc:
- Thành ngữ Việt Nam có câu: “Đói cho sạch, rách cho thơm.” Câu nói này quả thật đúng với Lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao. Lão Hạc là một người nông dân nghèo, sống túng quẫn, nhưng lão chưa bao giờ có suy nghĩ sẽ làm phiền đến bà con xóm giềng. Lão là một người có lòng tự trọng cao, lão quyết không nhận sự giúp đỡ của mọi người, kể cả là ông giáo, một người lão rất hay chia sẻ về cuộc sống. Ngày lão bán đi cậu Vàng, có lẽ cũng đã là sự định sẵn cho cái chết của lão sẽ xảy ra. Trong sự túng quẫn về hoàn cảnh, sự tự trọng với con, với bà con lối xóm, với chính bản thân, lão đã quyết định ăn bả chó tự vẫn. Cái chết của lão, như là mở đường cho cuộc đời con trai lão, như là sự giải thoát cho kiếp sống cơ cực của con người nông thôn trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.
- Cái chết của lão là cái chết của sự tự nguyện. Lão tự nguyện chết để giữ lại sự trong sạch cho bản thân, lão tự nguyện chết để không thấy có lỗi với con trai, lão tự nguyện chết để không mắc nợ ai cả. Cái chết của lão là cái chết đau đớn, tức tưởi, nhưng cũng là cái chết cho chính sự lựa chọn của lão, lão thà chết chứ không muốn người khác phải lo cho mình. Ngay cả khi Ông Giáo – người hàng xóm sát vách, cũng là người lão chia sẻ về cuộc đời rất nhiều, có ý định sẽ giúp đỡ lão lão cũng không đồng ý. Lão nghĩ cho Ông Giáo, rồi nghĩ cho cái chân của vợ Ông mà đưa ra quyết định. Như vậy, Lão là hình tượng của nhân vật xem trọng phẩm chất hơn cả mạng sống của mình.
Ý nghĩa cái chết của Lão Hạc:
Trong truyện ngắn “Lão Hạc” của Nam Cao, có lẽ nhiều người vẫn còn suy nghĩ về cái chết của Lão. Tại sao lão phải chết? Tại sao không nhận sự giúp đỡ của người khác? Tại sao không dùng số tiền dành dụm để tiếp tục cuộc sống?… Cái chết của Lão Hạc, không đơn giản chỉ là kết thúc một cuộc đời, mà cái chết của lão là lời lên án xã hội phong kiến mục nát, đời sống của con người, sinh mạng của con người bị xem nhẹ. Đồng thời, cái chết tức tưởi, đau đớn của lão, cũng chính là sự trả giá mà lão muốn dành tới cho cậu Vàng – kỷ vật của con trai lão để lại. Cái chết của Lão là cái chết của lòng tự trọng, là cái chết định ra ngay từ khi Lão bán Vàng. Cái chết của Lão, là cái chết không liên lụy người khác, là cái chết mà lão tự mình lựa chọn. Cái chết của lão không nhẹ nhàng mà đau đớn, nhưng cái chết đau đớn về thể xác ấy, lại là liều thuốc hoá giải mọi dằn vặt về lương tâm của lão. Có lẽ thể xác lão đau, nhưng tâm hồn lão lại đang mỉm cười.
Ý nghĩa chính: Cái chết của lão Hạc là sự tố cáo trực tiếp về một xã hội tàn độc, bất công, không xem trọng đến sự sống và cái chết của con người. Chính sự tàn ác của đã hội tham quyền ấy, đã chà đạp lên nhưng mưu cầu hạnh phúc giản đơn của con người. Cũng chính xã hội đó đã khiến con người bị đẩy vào bước đường cùng, khiến họ không còn đường thoát, buộc phải tìm đến cái chết để giải thoát cho chính lòng tư trọng của mình. Sự mục nát của xã hội phong kiến, đã khiến con người bị tha hoá, biến chất như Binh Tư, Nam Thọ,… tuy nhiên, trước sự bất công ấy, Lão Hạc vẫn giữ vững cho mình sự trong sạch, ông không lựa chọn sống dựa vào người khác, mà lựa chọn cái chết, như một phương án lưu giữ lại lòng tự tôn và cũng là sự tự giải thoát cho mình.
Cái chết của Lão Hạc như một dấu ấn tạo nên nét độc đáo, khác lạ cho tác phẩm. Cái chết của Lão đau đớn mà thanh thản: bởi có lẽ giờ đây, ở một nơi nào đó Lão đang nhẹ lòng mà không tự dằn vặt bản thân mình vì đã bán cậu Vàng nữa. Như vậy, qua cái chết của Lão Hạc ta càng trân quý những phẩm chất tốt đẹp và cao quý của người nông dân nghèo trong xã hội phong kiến: họ hiền lành đôn hậu, họ giản dị chất phác, họ mang trong mình trái tim yêu thương, họ là những người sống có tình có nghĩa, họ luôn có lòng tự trọng cao cả,… Đồng thời, qua cái chết của Lão ta cũng xót thương cho số phận bần cùng, tuyệt lộ của những người nông dân nghèo trong xã hội phong kiến. Họ phải sống số kiếp bi thảm, bất công, họ phải chịu sự đói nghèo hành hạ tới chết trong xã hội cũ.
“Sứ mệnh chân chính của người nghệ sĩ là dẫn đường cho người đọc đến với xứ sở của cái đẹp.”(Pautopxki) Thật vậy, khắc tạc cái chết của Lão Hạc đầy bi thương, thống khổ, Nam Cao đưa người đọc vào mảng đen tối nhất của con người sống trong chế độ cũ. Để rồi, từ mảng đen tối đó, ông dẫn người đọc đến với xứ sở tốt đẹp mà con người tạo nên trước nghịch cảnh. Ở đây, ta có thể nhận thấy, có thể tin tưởng vào những phẩm chất tốt đẹp của con người có thể giúp họ vượt qua được sự khắc nghiệt, sự trớ trêu của cuộc đời. Và cũng từ cái chết của Lão, Nam Cao giúp người đọc có niềm tin vào nhưng điều tốt đẹp rồi cũng sẽ là cánh cửa mở ra thế giới mới cho con người. Như vậy, cái chết của Lão Hạc chính là cao trào, là đỉnh điểm sự bần cùng, sự tuyệt đường của người nông dân nghèo trong chế độ phong kiến bất công. Để rồi, cái chết của Lão chính là điểm mở, là sự giải thoát cho biết bao số phận cũng đang cùng đường. Qua tác phẩm “Lão Hạc”, Nam Cao như đã tái hiện lại khung cảnh nước ta trước Cách Mạng tháng Tám năm 1945. Ông khắc họa rõ nét về hiện thực đời sống con người: cái nghèo cái đói đang ăn mòn họ; ông tố cáo xã hội bất công, lạm quyền để người nông dân rơi vào tình cảnh éo le, cùng cực. Đồng thời, tác phẩm với sự thành công trong việc xây dựng nhân vật điển hình là Lão Hạc cũng đã đang đến cho người đọc cái nhìn sâu sắc về giá trị nhân đạo. Mà ở đó, tác giả bày tỏ rõ nét sự cảm thông, sự thấu hiểu, nỗi niềm thương xót cho số phận bi ai của con người trong xã hội cũ.
Trên đây là phân tích về nguyên nhân và ý nghĩa cái chết của nhân vật Lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao. Hy vọng bài viết đã mang tới các thông tin hữu ích đến các bạn.
Ngữ Văn Lớp 8 -