Đóng vai anh thanh niên kể lại truyện “Lặng lẽ Sa Pa” – Lớp 9
Đóng vai anh thanh niên kể lại truyện “Lặng lẽ Sa Pa” sẽ giúp cho những bạn học sinh lớp 9 hiểu thêm về truyện ngắn của Nguyễn Thành Long.
Trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long, anh thanh niên là nhân vật trung tâm của toàn bài. Anh/chị hãy nhập vai anh thanh niên và kể lại truyện “Lặng lẽ Sa Pa” trong sách giáo khoa văn 9. Dưới đây là bài tham khảo, hi vọng sẽ giúp ích cho quá trình làm bài của bạn.
Đóng vai anh thanh niên kể lại chuyện “Lặng lẽ Sa Pa”
“Người cô độc nhất thế gian” là cách mà bác lái xe gọi tôi trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long. Không phải ngẫu nhiên bác lại gọi tôi như vậy, mà có lẽ bởi cuộc sống của tôi tạo nên ấn tượng tôi cô độc đối với bác. Bác nhận định về nơi tôi: “sống một mình trên đỉnh núi, xung quanh chỉ có cây cỏ và mây mù, lạnh lẽo.” Ấy vậy mà tôi lại không thấy lạnh, ngược lại còn thấy may mắn. Bởi với tôi: “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi không có tình yêu thương” (Macxim Gorki). Tuy sống trong điều kiện thiếu thốn về cả vật chất lẫn tinh thần, nhưng khát vọng cống hiến đã giúp tôi nguôi ngoai phần nào nỗi buồn. Tôi hai mươi bảy tuổi, tôi tự nhận mình là một người khá lạc quan và yêu đời, tôi hăng say tạo dựng cuộc sống riêng giữa chốn mịt mù này của mình. Có lẽ bằng cách ấy mà cuộc đời tôi tràn đầy nhựa sống. Tôi thiếu thốn hơi người, tôi ao ước hơi ấm của con người, vì vậy tôi thường xuyên lén tìm kiếm hơi người từ các vị khách hàng của bác lái xe. Nhắc đến ông bác già này, lòng tôi vẫn còn dư dả cái vị tình cảm bâng khuâng của một cuộc gặp gỡ đầy bất ngờ.
Nói đến đây, tôi bỗng thấy hổ thẹn, chuyện là cách đây bốn năm, khi đó tôi chỉ mới là chàng thanh niên hai mươi ba tuổi, tôi chân ướt chân ráo cấp đồ nghề lên đây làm việc. Mà các bạn biết đó, công việc của tôi là công tác khí tượng kiêm vật lý địa cầu. Tôi cô độc giữa chốn hoang vu này, lại thêm cái tinh thần nhát của những ngày đầu, tôi thèm thuồng hơi người, nên mới tính kế chặn chiếc xe của ông bác già lại, mục đích là để gặp và nó chuyện với hành khách. Ấy vậy mà lại bị bác phát hiện trong gang tấc. Tuy phát hiện, biết việc tôi làm, nhưng bác không hề trách móc. Ngược lại, giờ đây tôi và ông bác khá thân, lần nào qua, bác cũng dừng lại ít phút thăm tôi. Khi thì dừng đưa tôi vài quyển sách, khi lại mua cho tôi những món đồ giúp ích cho cuộc sống của tôi.
Lần này cũng vậy, như thường lệ, tôi canh chiếc xe bác dừng lại, là nhanh nhảu chạy xuống chào hỏi, rồi dúi vào tay bác củ tam thất, là món quà biếu bác gái ngâm rượu uống cho mau lại người hổm rày mới ốm dậy. Bác cũng lấy ra đưa cho tôi một cuốn sách làm quà. Tôi hồ hởi đưa đồ cho bác, rồi lại lanh lẹ nói chuyện, mừng quýnh khi được bác tặng cuốn sách mà không biết rằng, bên cạnh bác còn hai vị khách nữa. Bác kéo tay tôi tới chỗ hai vị khách rồi giới thiệu với tôi: về ông họa sĩ già và cô kĩ sư nông nghiệp trạc tuổi tôi. Ấy vậy mà sau lời giới thiệu của bác, tôi lại luống cuống đến mức phải chờ bác gợi ý mới mời bác cũng hai vị khách lên mời nước cùng thăm quan nơi tôi sống và làm việc.
Cuộc sống cô độc, hẻo lánh và hoang vu của nơi đây, đã thúc đẩy tôi sau những giờ rảnh rỗi , bắt tay vào trồng những cây hoa: hoa dơn, hoa thược dược, vàng, tím, đỏ, hồng phấn, tổ ong,… Ngày chúng đơm hoa, lòng tôi như cũng nở sắc ngập tràn trước vẻ đẹp sắc hương đan xen. Tôi thấy đẹp, vậy có lẽ các vị khách tới đây chơi cũng sẽ thấy rực rỡ. Quả không sai, khi tôi đang hái hoa, cô kĩ sư đã không còn sự e lệ mà đến bên cạnh tôi, ngắm nhìn những bông hoa đa sắc. Và cũng rất tự nhiên tôi đưa bó hoa trong tay cho cô, cô gái cũng nhẹ nhàng tự nhiên cầm bó hoa ấy. Theo như lời giới thiệu của bác lái xe, tôi nhớ rõ cô là cô gái đến từ Hà Nội xa xôi, vậy tại sao tôi lại không dành tặng bó hoa cho cô, như một lời chào đón cô đến với nơi đây?
Ông bác già chỉ cho tôi bao mươi phút để gặp “người” vì vậy tôi phải tranh thủ từng giây từng phút tựa như ngắn ngủi này. Tôi dừng ngay việc ngắt hoa lại, tiếp đó tôi bắt đầu năm phút luyên thuyên về công việc của mình ở nơi đây: đo mưa, đo nắng, đo chấn động mặt đất,…; rồi tôi bắt đầu nói về các công cụ trong quá trình làm việc của tôi, nói về lúc khó khăn nhất trong công việc: là ghi báo lúc nửa đêm – rét bác ạ. Sau một hồi luyên thuyên về công việc, về máy móc; còn lại thời gian là hai mươi phút, tôi mời ông hoạ sĩ già cùng cô kĩ sư vào nhà dùng nước chè. Bởi tôi háo hức lắng nghe câu chuyện dưới xuôi lắm.
Ấy vậy mà, ông hoạ sĩ đâu chịu kể cho tôi nghe ngay đâu. Ông bảo đợi mười ngày nữa ông quay lại sẽ kể cho tôi nghe. Còn bây giờ trong hai mươi phút này, ông muốn nghe về tôi, về cái sự khát khao cô độc đến “thèm” người của tôi. Tôi đoán chắc là bác lái xe đã kể về câu chuyện ngày trước tôi chắn ngang xe, vội vã thanh minh: “Không, không đúng đâu. Một mình thì anh bạn trên đỉnh Phan-xi-păng cao ba nghìn một trăm bốn mươi hai mét kia mới một mình hơn cháu. Làm khí tượng, ở được cao vậy mới là lí tưởng chứ.”
Nói cho qua chuyện vậy thôi chứ, có đôi khi tôi đã nghĩ mình là người cô độc. Nhưng ngẫm lại làm sao tôi cô độc được. Bởi giờ đây tôi đã hiểu rõ: “Khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được? Huống chi việc của cháu gắn liền với việc của bao anh em, đồng chí dưới kia. Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất.” Lời giãi bày khúc mắc “thèm” người với ông hoạ sĩ già, nhưng thực chất lại là lời nói thức tỉnh chính bản thân tôi. Nói vậy rồi, tôi qua sang cô kĩ sư, tôi nói với cô: “Lúc nào tôi cũng có người trò chuyện. Nghĩa là có sách ấy mà!” Tôi không phủ nhận việc thèm người của mình, nhưng bên cạnh tôi vẫn có sách làm bạn đồng hành, vẫn có công việc là động lực bà có những lần gặp mặt ông bác tài xế giúp tôi thêm tinh thần.
Nói rồi, tôi lại giải thích thêm với ông họa sĩ về cái nỗi khát khao hơi người của tôi: “Con người thì ai mà chả “thèm” hả bác? Mình sinh ra là gì, mình đẻ ở đâu, mình vì ai mà làm việc?… Bác lái xe đi, về Lai Châu cứ đến đây dừng lại một lát. Không phải giờ “ốp” là cháu chạy xuống chơi, lâu thành lệ. Cháu bỗng dưng tự hỏi: Cái nhớ xe, nhớ người ấy thật ra là cái gì vậy? Nếu là nỗi nhớ phồn hoa đô thị thì xoàng. Cháu liền ở trong trạm hàng tháng. Bác lái xe bao lần dừng, bóp còi toe toe, mặc, cháu gan lì nhất định không xuống. Ấy thế mà một hôm, bác lái xe phải thân hành lên trạm cháu. Cháu nói: “Đấy, bác chẳng “thèm” người là gì?”. Thật ra không phải cháu là người vô tri, vô cảm không nhớ người nhớ nhà , mà là cháu kìm nén nỗi nhớ ấy để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Chứ ai mà không nhớ nhà hả bác.
Giữa dòng suy nghĩ miên man của tôi, hoạ sĩ già bông lên tiếng hỏi: “Quê anh ở đâu thế?” Tôi không ngần ngại mà trả lời ngay: “Quê cháu ở Lào Cai này thôi. Năm trước, cháu tưởng cháu được đi xa lắm cơ đấy, hóa lại không. Cháu có ông bố tuyệt lắm. Hai bố con cùng viết đơn xin ra lính đi mặt trận. Kết quả: bố cháu thắng cháu một – không. Nhân dịp Tết, một đoàn các chú lái máy bay lên thăm cơ quan cháu ở Sa Pa. Không có cháu ở đấy. Các chú lại cử một chú lên tận đây. Chú ấy nói: nhờ cháu có góp phần phát hiện một đám mây khô mà ngày ấy, tháng ấy, không quân ta hạ được bao nhiêu phản lực Mỹ trên cầu Hàm Rồng. Đối với cháu, thật là đột ngột, không ngờ lại là như thế. Chú lái máy bay có nhắc đến bố cháu, ôm cháu mà lắc “Thế là một – hòa nhé!”. Nghe chú nói thế, lòng tôi nao nao, nhưng tôi biết rõ nhất, mình còn thua bố nhiều lắm. Nói rồi, tôi quay sang, bất giác tôi thấy tay ông hoạ sĩ già đang hí hoáy trên cuốn sổ, tôi biết là ông vẽ mình, nhưng sự lễ nghĩa không cho phép tôi cử động, tôi ngồi im nhìn những nét vẽ của ông.
Dù vẫn ngồi yên, nhưng tôi cảm thấy mình thật sự không xứng đáng với những nét vẽ ấy, tôi bắt đầu giới thiệu cho ông về những người đáng vẽ thật sự: “Cháu giới thiệu với bác ông kĩ sư ở vườn rau dưới Sa Pa! Ngày này sang ngày khác ông ngồi im trong vườn su hào, rình xem cách ong lấy phấn, thụ phấn cho hoa su hào. Rồi, để được theo ý mình, tự ông cầm một chiếc que, mỗi ngày chín mười giờ sáng, lúc hoa tung cánh, đi từng cây su hào làm thay cho ong. Hàng vạn cây như vậy. Để củ su hào nhân dân toàn miền Bắc nước ta ăn được to hơn, ngon hơn trước. Ông kĩ sư làm cháu thấy cuộc đời đẹp quá. Bác về Sa Pa vẽ ông ta đi, bác. Hay là, đồng chí nghiên cứu khoa học ở cơ quan cháu ở dưới ấy đấy. Có thể nói đồng chí ấy trong tư thế sẵn sàng suốt ngày chờ sét. Nửa đêm mưa gió rét buốt, mặc, cứ nghe sét là đồng chí choáng choàng chạy ra. Như thế mười một năm. Mười một năm không một ngày xa cơ quan. Không đi đến đâu mà tìm vợ. Đồng chí cứ sợ nhỡ có sét lại vắng mặt mình. Đồng chí đang làm một cái bản đồ sét riêng cho nước ta. Có cái bản đồ ấy thì lắm của lắm bác ạ. Của chìm nông, của chìm sâu trong lòng đất đều có thể biết, quý giá lắm. Trán đồng chí cứ hói dần đi. Nhưng cái bản đồ sét thì sắp xong rồi.” Tôi thì vẫn thao thao bất tuyệt về những con người cống hiến sức mình một cách lặng thầm ấy, cũng như ngòi bút trên cuốn sổ của ông hoạ sĩ chưa hề ngừng nghỉ; chỉ có nét mặt ông dường như đượm buồn.
Tôi là người không giỏi đoán suy nghĩ của phụ nữ, nên về phần cô kĩ sư, tôi không biết rằng cô đang suy nghĩ gì: về tình yêu trong cuốn sách trên tay, hay là về câu chuyện mà tôi đã kể? Phải chăng trong những dòng suy nghĩ miên man của mình, tôi đã bỏ qua mất điều gì chăng? Phải chăng trong lúc mãi khuyên ông hoạ sĩ đừng vẽ mình, tôi đã bỏ qua mất ánh mắt cô? Tôi không biết rõ suy nghĩ của con gái, càng không nhìn thấu suy nghĩ của cô kĩ sư; khi nhìn thấy chiếc khăn tay, vậy mà sự tinh tế của tôi mất đâu hết, tôi kêu to: “Ô, cô quên khăn mùi xoa đây này.” Cô kĩ sư quay lại, gương mặt đỏ lên vì gượng, cô cầm lấy chiếc khăn rồi quay đi.
Tôi không biết tại sao khi đó, mình lại làm vậy, có lẽ vì phép lịch sự, có lẽ vì sự thiếu tinh tế nhận biết ánh mắt, suy nghĩ của tôi, đã khiến tôi làm cô ngượng ngùng và khiến mình đánh mất chút ít ỏi kỷ niệm từ người con gái Hà Nội lần đầu ghé thăm.
Khi chỉ còn lại năm phút thời gian, tôi tiếc nuối mà tiễn hai vị khách đặc biệt. Ông hoạ sĩ kéo vai tôi đầy trịnh trọng: “Chắc chắn tôi sẽ trở lại. Tôi ở với anh ít hôm được chứ?”; Còn cô kĩ sư nhẹ nhàng giơ tay ra nói: “Chào anh”. Giờ phút này, tôi cảm nhận rõ ràng: Ông họa sĩ già là một người ham mê nghệ thuật, rất chu đáo và là người giàu tình cảm; Cô kĩ sư nông nghiệp trẻ tuổi: Là một người hăng say trước cuộc sống mới, là người có ý chí phấn đấu cao, song trong sâu thẳm con người cô vẫn giữ được nét đẹp dịu dàng, trong sáng.
Nghĩ vậy, tôi vội xách cái làn, dúi vào tay ông họa sĩ, rồi nói: “Cái này để ăn trưa cho bác, cho cô và bác lái xe. Cháu có bao nhiêu là trứng, ăn không xuể. Cháu không tiễn bác và cô ra xe được, vì gần tới giờ “ốp” rồi. Thôi chào bác, chào cô. Bác sẽ trở lại nhé.” Thành thật mà nói, làm gì đã đến giờ “ốp”, nhưng tôi là không dám đối mặt với sự chia li, xa cách này nên mới nói dối.
Nắng hơi vương trên chiếc xe, mắt tôi theo chiếc xe tới khi nó khuất đi, cũng như sự khuất đi của một điều gì đó vừa rơi vào lãng quên trong tôi.
Đó là trải nghiệm không quên của tôi về lần gặp gỡ có một không hai nơi hoang vu lạnh lẽo. Đến tận bây giờ tôi vẫn luôn tự hỏi. Tại sao ngày đó mình lại khờ khạo đến vậy mà trả lại khăn tay cho cô gái? – Nhưng khi đó tôi nào biết suy nghĩ của con gái, tôi nào biết chiếc khăn tay ấy là cô cố ý để lại cho tôi. Cũng có lẽ, bác lái xe, ông hoạ sĩ già và cả cô kĩ sư đều suy nghĩ, tại sao tôi lại quyết định đến nơi hẻo lánh này làm việc, tại sao lại chọn sự cực khổ này? Nhưng có lẽ họ không biết, tôi chọn đến nơi đây, như một sự cống hiến trọn vẹn sức lực của mình cho đất nước, tôi tự hào về việc mình đang làm và càng tự hào về hình ảnh của ông kĩ sư hay đồng chí nghiên cứu sét, với tôi họ đều là những con người đáng kính, là những con người dâng trọn thanh xuân cho đất nước – và ở họ, là sự cống hiến lặng lẽ, lặng lẽ mà vinh quang ở mảnh đất Sa Pa này.
Suy nghĩ của anh/chị về nhân vật anh thanh niên.
Đề bài: Nêu suy nghĩ của anh/chị về nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long.
“Văn học đến với con người theo cách của ngọn lửa: nung đốt và sử ấm, thiêu hủy và chiếu sáng.” (Lê Thành Nghị) Quả thật là vậy, mỗi tác phẩm văn học là cả sự tâm huyết, là nước mắt, là sự nhập tâm đến vô hạn của tác giả dành cho những đứa con tinh thần của mình. Để rồi, từ sự công phu đó, tác phẩm đến với người đọc, mang phong thái “nung đốt – thiêu hủy”, và từ sự cháy rụi, bóc trần đó, người đọc được “sưởi ấm – chiếu sáng”. Trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa”, Nguyễn Thành Long đã dùng chính “ngọn lửa” để thắp sáng nên vẻ đẹp lặng lẽ mà trường tồn của nhân vật trung tâm – anh thanh niên.
Nguyễn Thành Long (1925-1991) là nhà văn của mảnh đất thân thương Quảng Nam. Ông là nhà văn khá nổi tiếng trong nền văn xuôi Việt Nam hiện đại. Phong cách của ông luôn tạo dựng những hình tượng đẹp, ngôn từ ngọt ngào, giọng văn trong sáng, nhẹ nhàng mà dễ gần tới bạn đọc. Ông là cây bút chuyên viết về thể loại truyện ngắn và ký. Với các tác phẩm tiêu biểu như: “Tiếng gọi” (1960), “Trong gió bão” (1963), “Gang ra” (1964), “Giữa trong xanh” (1972),… các tác phẩm của ông thường phản ánh những thay đổi diễn ra hàng ngày trong cuộc sống. Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” được sáng tác năm 1970 sau chuyến đi thực tế tại vùng cao của chính tác giả. Truyện được in trong tập “Giữa trong xanh” và xuất bản lần đầu tiên năm 1972. Qua nhân vật anh thanh niên, truyện mang đến cho người đọc cái nhìn rất khác về một Sa Pa, nơi có những con người đang ngày đêm miệt mài dâng trọn sức mình cho Tổ quốc.
Mở đầu cho câu chuyện là cuộc gặp gỡ định mệnh trong một khung cảnh đặc biệt. Ở đó, qua lời kể của bác lái xe, anh thanh niên hiện lên là một người “cô độc nhất thế gian”. Qua những lời giới thiệu của bác lái xe về anh với hoạ sĩ già và cô kĩ sư nông nghiệp trẻ tuổi. Anh hiện lên là: “anh thanh niên hai mươi bảy tuổi”, làm công việc đo lường, đo gió, đo mưa, đo nắng, đo chấn động mặt đất… Anh một mình sống ở đây, bốn năm trước vì quá “thèm” người mà đã tìm cách chắn xe của bác lái xe lại, chỉ với mong muốn được cảm nhận cái gọi là hơi người.
Công việc của anh khá là khắc nghiệt và cũng đầy tính kỉ luật nghiêm khắc. Đón đọc tác phẩm, người đọc cũng đã biết tới vóc dáng nhỏ nhắn, nhưng tinh thần thì luôn yêu đời to lớn của anh. Nơi anh sinh sống và làm việc được tác giả miêu ta rất chân thật, đó là một nơi cao, hoang vu và lạnh lẽo; ở đó có một căn nhà nhỏ, kệ sách ngăn nắp, chiếc giường con, đồ đạc không nhiều,… Bên ngoài được anh trang hoàng trở nên muôn màu bằng cách trồng những loài hoa như: hoa dơn, hoa thược dược, hoa hồng phấn, đủ màu tím, đỏ,… Cuộc sống một mình giữa chốn này, vẫn không khiến buông thả mình, anh sống rất ngăn nắp và là một người rất chu đáo, cẩn thận. Như vậy, qua cách anh tiếp nhận công việc và cách anh chu toàn cuộc sống của mình giữa chốn không người này, ta có thể nhận ra anh là một người lạc quan, yêu đời bà mang nhiệt huyết cuộn trào.
Anh còn là một người nhiệt tình, hiếu khách. Anh chào đón vị khách đầu tiên đến nhà mình là bác lái xe, anh quan tâm và chu đáo với cả người vợ mới ốm dậy của bác qua hành động tặng củ tam thất về ngâm rượu. Anh nhiệt tình và hiếu khách với ông hoạ sĩ và cô kĩ sư ngay từ lần đầu gặp mặt. Anh đã giới thiệu với họ về công việc, về những công cụ và cả về cuộc sống ở nơi cao mày của anh. Anh còn thể hiện mình là một rất chu đáo qua hành động, xin phép chạy lên nhà trước và chuẩn bị một nó hoa tặng cho cô gái Hà Nội đến chơi nhà – là cô gái đầu tiên xuất hiện sau bốn anh ở đây; sự chu đáo và lòng nhân hậu của anh còn thể hiện qua việc anh biếu ông hoạ sĩ già, cùng cô kĩ sư, bác lái xe làn trứng ăn lúc dọc đường. Anh quả thật là một người đáng yêu từ dáng người cho đến trong hành động của mình.
Không chỉ vậy, anh thanh niên còn là một người lịch sự và khiêm tốn, lễ nghĩa và say mê công việc, sẵn sàng ca ngợi những người cống hiến sức mình cho Tổ quốc. Khi ông hoạ sĩ cặm cụi, đôi tay thì hí hoáy nét bút bút sẽ anh trên cuốn sổ của ông. Anh nhận thấy mình không xứng đáng, nhưng vì lịch sự và lễ nghĩa, anh vẫn ngồi im cho ông vẽ, chỉ là anh không ngừng gợi ý cho anh về những người tài giỏi hơn anh nhiều lần như: ông kĩ sư, như người đồng chí vẽ bản đồ sét. Họ đều giống như anh, làm việc độc lập, và những công việc họ làm là sự thầm lặng nhưng lại mang ý nghĩa to lớn với Tổ quốc.
Tôi còn khâm phục anh thanh niên bởi sự quyết tâm dâng hiến sức mình cho đất nước của anh. Anh cũng giống như bao người khác, ở nơi cao ấy cũng sẽ có sự nhớ hơi người, nhớ nhà. Những mỗi lúc như vậy, anh luôn nhớ tới tinh thần trách nhiệm với đất nước. Anh mong mình cũng có thể góp một phần nhỏ sức lực nhỏ bé dành cho quê hương, Tổ quốc, để anh thấy mình xứng đáng với người cha đang đối đầu với giặc Mỹ xâm lược trong cuộc kháng chiến nơi miền Nam ruột thịt. Không chỉ vậy, công việc của anh khó khăn, khắc nghiệt là vậy, nhưng anh vẫn luôn khiêm tốn, nói mình không bằng một phần vất vả của các đồng nghiệp.
Anh còn là một người mang trong mình suy nghĩ và hành động hết sức trách nhiệm. Bởi vì anh yêu mến, tự hào về mảnh đất Sa Pa nói riêng và tự hào về quê hương Việt Nam thân yêu nói chung: “Trong cái lặng im của Sapa, dưới những dinh thự cũ kĩ của Sa Pa, Sa Pa mà chỉ nghe tên, người ta đã nghĩ tới chuyện nghỉ ngơi, có những con người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước”. Tóm lại, tình yêu con người, yêu cuộc sống, yêu đất nước và đam mê, nhiệt huyết, trách nhiệm với công việc… chính những yếu tố ấy đã trở thành nguồn sức mạnh to lớn, thành thành trì vững chắc để anh thanh niên tiếp tục giữ vững sự lạc quan và tinh thần làm việc quên mình.
Như vậy, có thể nói “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long chính là truyện ngắn đặc sắc, nêu lên vẻ đẹp tiếp viện cho miền Nam thân yêu, nêu lên tinh thần lao động hăng say. Mà ở đó với hình tượng nhân vật trung tâm là anh thanh niên, tác giả đã ngợi ca một cách trọn vẹn sự trách nhiệm, tinh thần cống hiến hết sức cho đất nước của những con người đang “lặng lẽ” đang thầm lặng dựng xây đất nước tốt đẹp.
Trên đây là bài văn tham khảo về “Lặng lẽ Sa Pa”. Chúc các bạn thành công!
Xem thêm: Nội dung và nghệ thuật bài thơ “Tiểu đội xe không kính”
Ngữ Văn Lớp 9 -