Nội dung và nghệ thuật bài thơ “Tiểu đội xe không kính”
Nội dung và nghệ thuật bài thơ “Tiểu đội xe không kính”. Tìm hiểu về tác giả, tác phẩm, bố cục bài thơ và ý nghĩa của nhan đề bài thơ.
Đọc bài thơ “Tiểu đội xe không kính” (Ngữ Văn lớp 9), anh/chị hãy nêu những nét đặc trưng về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm, theo anh/chị điểm nào là nổi bật nhất trong bài thơ. Hãy tham khảo nội dung và nghệ thuật bài thơ “Tiểu đội xe không kính” sau.
Tác giả – Tác phẩm
“Nhà thơ như con ong biến trăm hoa thành mật ngọt
Một mật ngọt đời vạn chuyến ong bay.”
Phạm Tiến Duật (1941-2007) chính là con ong ấy. Ông sinh ra tại mảnh đất Phú Thọ, trong một gia đình có bố dạy tiếng Hán và tiếng Pháp, mẹ làm nông. Ông thuộc thế hệ: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai.”; là nhà thơ tiêu biểu trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Phong cách thơ Phạm Tiến Duật không lôi cuốn người đọc bằng những hình ảnh lãng mạn hay ngôn ngữ mượt mà, trau chuốt, âm điệu du dương… mà ngược lại, thơ ông lôi cuốn người đọc bởi sự sống động, tự nhiên, gân guốc, táo bạo cùng độc đáo. Các tác phẩm tiêu biểu của ông, là quá tình tham gia trực tiếp vào cuộc kháng chiến của ông mà có được. Các tác phẩm của Phạm Tiến Duật thường viết về thế hệ trẻ là trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ thông qua hình tượng người lính và những cô gái thanh niên xung phong như: “Vầng trăng – Quầng lửa” (1970), “Ở hai đầu núi” (1981), “Nhóm lửa” (1996),… Thông qua các tác phẩm, Phạm Tiến Duật ngợi ca tư thế hiên ngang, tinh thần anh dũng và sự nhiệt huyết, sôi nổi của thế hệ trẻ chiến đấu vì một miền Nam ruột thịt.
“Bài thơ tiểu đội xe không kính” nằm trong chùm thơ được Giải nhất của báo Văn nghệ 1969. Bài thơ thuộc tập thơ: “Vầng trăng – Quầng lửa”. Tác phẩm sáng tác năm 1970, tại thời điểm cuộc kháng chiến đang xảy ra quyết liệt. Đồng thời, bài thơ cũng ngợi ca vẻ đẹp tinh thần thép, sự bất khuất, anh dũng, hiên ngang trước mọi khó khăn, nguy hiểm; ngợi ca tinh thần lạc quan vui vẻ của các chàng chiến sĩ trẻ trên đường lái xe tiếp tế cho miền Nam thân thương.
Bố cục bài thơ:
Tác phẩm “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật được chia làm 3 phần:
Phần 1: 2 khổ thơ đầu – Hai khổ thơ đầu hiện lên là hình ảnh của những chiếc xe không kính và tư thế hiên ngang ra trận của những người lính lái xe không kính.
Phần 2: 4 khổ thơ tiếp – Bốn khổ thơ tiếp hiện lên là tinh thần lạc quan, phong thái ung dung tự tại, nhưng vẫn ngang tàn của những chàng lính trẻ.
Phần 3: phần còn lại – Phần này thể hiện rõ ý chí đấu tranh mãnh liệt, cùng tinh thần chiến đấu vì miền Nam ruột thịt của các chàng lính.
Ý nghĩa nhan đề
Nhan đề của tác phẩm gây tò mò và cũng là dấu ấn riêng biệt cho thi phẩm. Nhan đề là thường là những câu tiêu đề ngắn gọn, nhưng gói trọn trọng tâm toàn bài. Tuy nhiên, với 8 tiếng tạo thành nhan đề “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” đã tạo nên nét độc đáo trong cách sử dụng nhan đề của Phạm Tiến Duật. Hai chữ “bài thơ” dường như là dư thừa, nhưng thực chất lại là nét tái hiện rõ ràng cho phong cách “tinh nghịch” của tác giả. Rõ ràng là cấu tạo của một bài thơ, vậy tại sao tác giả còn sử dụng “bài thơ”? Việc tác giả viết về “xe không kính” – một loại xe chỉ xuất hiện xong chiến tranh, một loại xe không có đặc điểm nổi bật để miêu tả, chính vì vậy, tác giả lồng ghép hai tiếng “bài thơ” kết hợp với “xe không kính” như một lời khẳng định, về sự độc đáo, cùng nét trữ tình của tác phẩm. Trong hành trình vận chuyển tiếp tế cho miền Nam, các chàng lính trẻ mang trong mình nhiệt huyết, mang trong mình tinh thần lạc quan và khí thế hiên ngang, dẫu qua bom đạn trải dài hình dạng xe không còn như ban đầu, họ vẫn anh dũng vững vàng tay lái. Hình ảnh những chiếc xe không kính hiện lên đặt cùng tâm thế ung dung của các chàng trai, vừa tố cáo hiện thực khốc liệt của chiến tranh, vừa làm nổi bật lên sự dũng cảm, nghị lực chiến đấu hết mình của những người lính trẻ.
Nội dung chính của bài thơ
Bài thơ là sự khắc hoạ thành công của một hình tượng hết sức độc đáo:
“Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi.”
Những chiếc xe vận tải tiếp tế cho miền Nam thân yêu, đâu phải ngẫu nhiên mà không kính, mà sự tàn khốc của chiến tranh đã khiến kính vỡ đi rồi. Để rồi, từ sự tàn khốc bom đạn mù mịt aay, vẫn tỏa sáng tinh thần của các chàng lính lái xe trẻ tuổi:
“Ung dung buồng lái ta ngồi
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.”
Chiến tranh khốc liệt, lôi kéo họ vào, để rồi, từ những cô cậu sinh viên mới ra trường, họ chào quê hương, chào cha mẹ ra đi tìm lại hạnh phúc vốn có cho đất nước. Họ lên đường, họ chiến đấu với tâm thế ung dung, tự tại, với tinh thần lạc quan, tươi trẻ. Và họ hướng tới những mục đích cuối cùng đó là:
“Không có kính, rồi xe không có đèn,
Không có mui xe, thùng xe có xước,
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:
Chỉ cần trong xe có một trái tim.”
Bài thơ, là sự độc đáo về cách sử dụng hình ảnh “xe không kính”, và là sự sâu sắc khi khắc tạc hình ảnh những chàng trai ngân ca lòng nhiệt huyết sôi sục vì một miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất.
Nghệ thuật trong bài thơ
Tác giả Phạm Tiến Duật đã rất thành công trong việc sử dụng nhan đề độc đáo, tạo dấu ấn riêng cho tác phẩm. Và ông càng thành công hơn trong việc sử dụng thành công nghệ thuật khắc họa hình ảnh những chiếc xe không kính và những người chiến sĩ một cách đặc sắc:
- Bài thơ được viết theo thể thơ tự do, với cấu trúc bài: câu dài – câu ngắn đan xen kết hợp hài hoà với nhau. Cùng với đó, việc tác giả gieo vần ở từ cuối kết thúc câu thơ theo mô típ, cũng tạo nên nhịp điệu quen thuộc, dễ nhớ cho tác phẩm. Đồng thời, với cách biết tự do này, Phạm Tiến Duật đã nêu cao phong cách thơ phóng khoáng, tự tại của bản thân, cũng là một nhịp thơ tạo nên tâm hồn yêu thích tự do và lạc quan trước mọi khó khăn của những người chiến sĩ lái xe tiếp tế cho miền Nam thân yêu.
- Phương thức biểu đạt được sử dụng chủ yếu trong bài thơ là: phương thức biểu cảm. Bên cạnh đó, nhà thơ cũng sử dụng phương thức tự sự xen lẫn cả một chút miêu tả. Với cách sử dụng phương thức biểu đạt biểu cảm là chủ yếu, các vần thơ Phạm Tiến Duật viết về người lính tràn ngập tính chất trữ tình. Ở đó, hình ảnh người lính hiện lên oai phong mà tự tại. Phương thức biểu đạt tự sự đã giúp lối khắc hoạ tác phẩm của thi sĩ thêm phầm mềm mại và giàu tình cảm hơn. Giữa mưa bom bão đạn, vậy mà Phạm Tiến Duật vẫn ung dung viết những vần thơ bay bổng, giàu yêu thương, để rồi những vẫn thơ ấy như khắc sâu vào tâm hồn mọi thế hệ.
- Không chỉ dừng lại ở phương thức biểu đạt giàu chất biểu cảm, với giọng điệu vui tươi, lạc quan xuyên suốt toàn bài thơ cũng đã tạo nên sự thành công vượt trội cho thi phẩm. Với giọng điệu ung dung, mà tự tại xen lẫn niềm vui tình đồng chí gắn bó có nhau, Phạm Tiến Duật đã tạo nên một tác phẩm vừa xuất sắc trong phong cách xây dựng và kể, vừa xuất sắc trong khâu tạo dựng những hình ảnh sinh động.
- Đặc biệt, tác giả còn sử dụng hàng loạt các biện pháp tu từ: so sánh, nhân hóa, hoán dụ, ẩn dụ, điệp từ,…đã giúp tăng sức gợi hình, gợi tả cho bài thơ. Đồng thời, các biện pháp tu từ cũng làm nổi bật lên sự khốc liệt trái ngược với sự lạc quan vui tươi của người lái xe anh hùng.
=> Tóm lại, với tất cả các đặc sắc nghệ thuật, cùng một phong cách riêng “tinh nghịch” mà độc lạ, Phạm Tiến Duật đã tạo nên vẻ đẹp xuyên suốt mọi thời đại cho thi phẩm: “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”.
Dàn bài phân tích nội dung
Đầu tiên phải nhắc tới, là hình ảnh của những chiếc xe không kính:
- Ngay từ câu thơ mở đầu bài thơ, tác giả đã nhắc với hình ảnh chiếc xe không kính:
“Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi”
Hai câu thơ mở đầu là việc tác giả giải thích cho nguyên nhân những chiếc xe không có kính. Bằng cách nói chân thật, giản dị mà tự nhiên, tác giả đã khái quát lại những trận bom “giật”, “rung”; để rồi kết quả là cửa kính xe không còn nữa. Những chiếc xe vốn đầy đủ phụ kiện, trải qua những đợt mưa bom đạn của địch, giờ đâu đã “kính vỡ đi rồi”.
- Hình ảnh những chiếc xe không kianh với mọi người còn xa lạ, nhưng đối với những con người tham gia cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, nó lại là hình ảnh hết sức quen thuộc. Tuy nhiên, sự quen thuộc ấy khi được đưa vào thơ của Phạm Tiến Duật cũng trở nên độc đáo, khác thường. Bên cạnh sự khốc liệt khiến những chiếc xe thay đổi cấu tạo, sự ngang tàn, ung dung của những con người tay cầm buồng lái cũng chính là một đặc điểm tạo nên nét mới lạ cho những chiếc xe không kính.
Hình ảnh người chiến sĩ lái xe: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”
- Nếu ở trên, hai câu thơ mở bài là nguyên nhân những chiếc xe không có kính, thì nối tiếp nhịp thơ ấy, chính là sự xuất hiện của những “nhân vật chính”:
“Ung dung buồng lái ta ngồi,
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.”
Hiện thân đầu tiên cho những người chiến sĩ trẻ một lòng vì miền Nam thân yêu là tư thế “ung dung”, không sợ trời, không sợ đất, mắt nhìn thẳng, mặc bom rơi, đạn nổ. Ngay khi chiếc xe lăn bánh, khi tay cầm vào buồng lái, họ đã đang bước vào trận chiến, vậy mà ta không thấy ở họ sự sợ hãi, không thấy ở họ sự chùn bước; tất cả họ đều mang trong mình tâm thế ung dung, lạc quan, yêu đời, và mang trong mình “Mà lòng phơi phới dậy tương lai.” Họ mang trong mình trách nhiệm với Tổ quốc, mang trong mình sự tự hào, tự tôn dân tộc, và mang trong mình ý chí kiên cường, hiên ngang vượt mọi kẻ thù. Ai trong chúng ta đều chưa đặt chân tới Trường Sơn thời ấy để hiểu rõ tâm hồn họ? Nhưng qua những lời kể chân thật, kết hợp với các biện pháp đảo ngữ: “Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng”, biện pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác: “Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim”, biện pháp so sánh: “Bụi phun tóc trắng như người già; cùng với các câu văn biểu cảm cao: “Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha”,… đã làm nổi bật lên những nét tươi đẹp mà cũng thật kiên cường của những người kính trẻ tuổi đang xẻ dọc Trường Sơn mang tiếp tế cho miền Nam ruột thịt.
- Tinh thần lạc quan của những người lính ấy, cháy bỏng không hạ nhiệt. Sự ung dung, tự tại của các anh cùng sự nhiệt huyết, quyết tâm hết mình vì Tổ quốc chính là bài học to lớn cho mọi thế hệ đi sau cần noi theo. Khó khăn, nguy hiểm và sự khốc liệt của chiến tranh là vậy, nhưng ở các anh vẫn hiện lên sự hào sảng mà giản dị thân thương vô cùng. Điệp từ “chưa cần”, hình ảnh “phì phèo châm điếu thuốc”, kết hợp với “mưa tuôn mưa xối”, “Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi” chính là minh chứng cho thái độ vui vẻ, phớt lờ cái cùng cực của chiến tranh, để rồi bình thản mà lên đường, vững tay lái cho một ngày mai hoà bình.
- Không chỉ dừng lại ở đó, ở các anh còn là sự hiện thân của những con người với tấm lòng đồng đội, đồng chí gắn bó có nhau:
“Những chiếc xe từ trong bom rơi
Đã về đây họp thành tiểu đội
Gặp bạn bè suốt dọc đường đi tới
Bắt tay nhau qua cửa kính vỡ rồi.
Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy
Võng mắc chông chênh đường xe chạy
Lại đi, lại đi trời xanh thêm.”
Vẫn là tư thế ung dung ấy, không sợ hiểm ấy, nhưng ở đây không còn là tư thế của riêng biệt một người nữa, mà là của cả tiểu đội ngày gặp nhau sum vầy. Nói tới vẻ đẹp tình đồng chí, hẳn không thể không nhắc tới những người chiến sĩ bộ đội cụ Hồ gắn bó có nhau trong tác phẩm “Đồng chí” của Chính Hữu:
“Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn mà quen nhau
Súng gác bên súng, đầu gác bên đầu
Đêm rét chung chăn, thành đôi tri kỉ
Đồng chí!”
Hai tiếng “Đồng chí!” trông bài thơ cùng tên, như một tiếng nói tâm hồn đồng điệu của những người chiến sĩ sẵn sàng kề vai sát cánh chiến đấu cùng nhau. Ở đó, họ tập hợp nhau cùng thành một gia đình, chung “bát, đũa”, họ là những người bạn tâm tình. Thật hay có hình ảnh, “Bắt tay nhau qua cửa kính vỡ rồi”, kính vỡ không còn vật che bụi, che mưa, nhưng lại là dịp để họ gần nhau hơn, gắn kết tình yêu thương hơn. Giữa sự khốc liệt của cuộc kháng chiến, tình cảm ấy mới đáng trân trọng làm sao!
“Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt,
Như mẹ cha ta, như vợ như chồng
Ôi Tổ quốc, nếu cần, ta chết
Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông…”
Quả thật, Tổ quốc trong mỗi con người ta luôn là nơi lưu giữ những cảm nhận đẹp đẽ mà sâu sắc, là nơi mà ta nguyện dâng hiến cả cuộc đời để bảo vệ. Đây cũng chính là tinh thần của những người chiến sĩ trong bài thơ “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật. Ở các anh hiện lên một tinh thần nhiệt huyết, một khí chất hiên ngang, và một tấm lòng yêu nước trọn vẹn, mãi hướng về sự hoà bình đất nước:
“Không có kính, rồi xe không có đèn
Không có mui xe, thùng xe có xước,
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:
Chỉ cần trong xe có một trái tim.”
Bốn câu thơ kết thúc bài thơ, vang lên vừa miêu tả rõ nét hiện thực nghiệt ngã của chiến tranh, vừa là lời bay bổng đáp dịu nhẹ vào tâm hồn cua những con người đang ngày đêm không quản khó khăn tiến bước, vì một tương lai đất nước thống nhất. Những chiếc xe vẫn chạy hướng về miền Nam, bởi trong xe “có một trái tim” và trải dài xuyên suốt hành trình là nhiều “trái tim” đang cùng chung nhịp đập hướng về miền Nam ruột thịt. Hình ảnh “trái tim” là hoán dụ cho tầm vóc lớn lao của người chiến sĩ lái xe anh dũng. Các anh vẫn ở đây, vẫn hiên ngang tay lai, vẫn nhịp đập trái tim hướng về một tình yêu Tổ quốc cao cả. Hiện thực chiến tranh hiện lên rõ nét trên những vết tích của chiếc xe: “không kính, không đèn, không mui, thùng xe xước” là vậy, nhưng cũng không thể làm chùn bước, không thể làm lay động tình yêu thiêng liêng các anh dành cho quê hương, đất nước Việt Nam.
Tóm lại, tác phẩm “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” là một tác phẩm tự sự nhưng mang đậm chất trữ tình cách mạng. Qua bài thơ, Phạm Tiến Duật khắc hoạ hình ảnh người chiến sĩ lái xe đầy anh hùng và lạc quan, đồng thời cũng phác họa chân thực về hiện thực tàn khốc của cuộc kháng chiến chống Mĩ cam go.
Trên đây là bài viết tham khảo về: Nội dung và nghệ thuật đặc sắc trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật. Các bạn hãy tham khảo và đưa ra chọn lọc đúng nhất cho cách bài của mình nhé. Chúc các bạn thành công!
Xem thêm: Đặc sắc nội dung, giá trị nghệ thuật Chuyện người con gái Nam Xương
Ngữ Văn Lớp 9 -