Chọn thức ăn và chất dinh dưỡng cho chó cảnh

Bạn vẫn được nghe mọi người nói “các giống chó cảnh Tây rất kén ăn, chỉ ăn các loại thực phẩm thượng hạng, đắt tiền, ăn sướng hơn cả người, bla…bla…”. Những lời “chia sẻ” này khiến cho những người lần đầu nuôi cún cưng không khỏi hoang mang. Trên thực tế điều này không hoàn toàn đúng, hầu hết các giống chó cảnh không tốn quá nhiều chi phí ăn uống, không cần ăn “gan zời trứng trâu” hay “sơn hào hải vị”, quan trọng là phải cung cấp đủ dinh dưỡng cho các em phát triển.
Chọn thức ăn và chất dinh dưỡng cho chó cảnh


Chế độ dinh dưỡng của chó cảnh
Chó cảnh và chó nhà, với tổ tiên là chó sói, là loài ăn thịt. Hệ tiêu hóa của chúng thích nghi với việc tiêu hóa chủ yếu thức ăn là protein và chất béo. Dù đã được thuần hóa và sống cùng con người hàng chục nghìn năm, chó nhà đã thích nghi với việc ăn rau củ quả và tinh bột nhưng chế độ dinh dưỡng của chó vẫn phải chứa lượng lớn 2 chất dinh dưỡng này. Tùy vào từng giống chó và mức độ hoạt động mà tỉ lệ protein và chất béo trong thức ăn hàng ngày sẽ khác nhau. Tỉ lệ protein dao động từ 20 – 30% khối lượng, chất béo từ 10 – 16% khối lượng. Khối lượng còn lại chủ yếu là tinh bôt, vitamin và chất xơ, một ít khoáng chất và các thực phẩm bổ sung khác.
Thông thường, những em cún ít tuổi sẽ cần tỉ lệ protein và chất béo cao hơn, tương tự những chú chó càng hoạt động nhiều, có cơ bắp càng phát triển thì càng cần tỉ lệ protein lớn hơn. Một trường hợp khác là những giống chó lông dài và dày sẽ cần lượng protein và chất béo cao hơn các giống chó lông ngắn, dù có thể chúng hoạt động rất ít. Nguyên nhân là do bộ lông cần rất nhiều protein để phát triển đầy đủ (lông cấu tạo từ protein), còn chất béo sẽ giúp lông bóng và mượt.
 
 
Protein và chất béo
Như đã phân tích ở trên, quan trọng nhất là Protein và chất béo. 2 chất này được cân bằng tự nhiên theo tỉ lện trên trong thịt và nội tạng động vật. Thịt thì tốt nhất là thịt bò, tiếp đến là thịt gà, cá (cá biển là tốt nhất), thịt lợn (nạc). Nội tạng thì có thể dùng gan, phổi, lòng phèo, sang hơn thì tim, bầu dục, óc. Cũng có thể cho ăn trứng thường và trứng vịt lộn, tuy nhiên trứng thường ít chất béo hơn yêu cầu nên bạn phải cho ăn bổ sung thêm chút mỡ cá, mỡ gà hoặc dầu thực vật, trộn đều khi cho ăn.
Tránh cho ăn các loại thịt, trứng hoặc nội tạng chiên hoặc xào quá nhiều dầu mỡ vì cún sẽ dễ bị đi ngoài. Các loại thịt cũng nên được nấu chín hoặc ít nhất là trụng qua nước sôi để đảm bảo vệ sinh. Hầu hết chó đều thích ăn thịt sống nhưng bạn cũng biết rõ là thịt mua ngoài chợ ở VN cũng không được đảm bảo vệ sinh, nên cứ nấu lên cho an toàn.
Chất xơ, tinh bột (carbonhydrate) và vitamin
Những chất này có trong rau củ quả, cơm, bánh. Các giống chó thường không thích ăn những thứ này, trừ khi chúng quá đói hoặc được tập ăn quen từ khi bắt đầu ăn dặm. Bạn nên thái nhỏ (hoặc xay nhuyễn nếu là cún con), trộn đều với thịt, trứng hoặc nội tạng để chúng phải ăn hết.
Ngoài ra, một số giống chó tuyết như Alaska, Samoyed, Husky,… rất thích ăn kem (xuất phát từ thói quen ăn tuyết của chúng ở xứ lạnh). Đây vừa là cách cung cấp thêm carbonhydrate, vừa là cách để giải nhiệt trong những ngày hè nóng bức ở Việt Nam.
Thức ăn sẵn cho chó
Thức ăn sẵn cho cho được nhiều người lựa chọn vì nhanh, sạch, (có thể) đảm bảo đủ dinh dưỡng và có hương vị mà các giống chó đều rất thích. Tuy nhiên quan trọng nhất là vấn đề dinh dưỡng, cún có thể ăn ngon lành hết 1 bát thức ăn sẵn nhưng chưa chắc đã đủ chất. Bạn phải xem thành phần dinh dưỡng ghi trên bao bì, Protein phải đảm bảo > 20%, béo > 10%, tỉ lệ chất độn < 10% (những chất không có giá trị dinh dưỡng cho chó), còn lại là các vitamin, xơ và khoáng chất khác. Cũng có nhiều loại thức ăn sẵn ghi bao bì protein đến 25% nhưng thực tế lại không được 20%, bạn nên chọn hãng thức ăn uy tín. Royal canin là tốt nhất, nhiều trại chó nổi tiếng trên thế giới cũng dùng hãng này.
Thức ăn sẵn chỉ nên cho ăn chống chay thôi, còn nếu có thời gian bạn vẫn nên tự nấu để đảm bảo dinh dưỡng nhất, cũng là cách để tăng thêm sự gắn bó với em cún của mình. Nếu bận quá thì có thể cho ăn xen kẽ hàng ngày, 2 bữa thức ăn sẵn và 1 bữa tự nấu.
Khối lượng thứ ăn hàng ngày và cách cho ăn
Khối lượng thức ăn hàng ngày cho mỗi chú chó dao dộng từ 2.8 – 4% khối lượng cơ thể của chúng. Những chú cún con dưới 8 tháng sẽ cần từ 3.3 – 3.5%, chó 8 – 12 tháng sẽ cần 3 – 3.3%. Những chú chó đã già và ít hoạt động thì chỉ cần 2.8 – 3.1%.
Những chú chó có cơ bắp phát triển và thường xuyên tập luyện nặng, tiêu biểu nhất là Pitbull, Bully, Rottweiler, Doberman, Becgie, Phốc Hươu, Lạp Xưởng, Alaska, Husky, Samoyed,… thì sẽ cần khối lượng thức ăn bằng 3.7 – 4% khối lượng cơ thể, để đảm bảo năng lượng hoạt động và sự phát triển cơ bắp.
Ví dụ, một chú chó Pitbull nặng 10 cân, đang trong độ tuổi sung sức, phát triển nhanh (khoảng 5 – 8 tháng), tập luyện thường xuyên (gồm chạy, kéo tạ, nhảy, cắn lốp,…) thì sẽ cần khối lượng thức ăn bằng tới 4% khối lượng cơ thể, tức khoảng 400g / ngày. Trong 400g này thì phải có 30% protein và 15% béo, tức 45 – 50% khối lượng là thịt hoặc nội tạng (khoảng 200g / ngày), còn lại là các chất dinh dưỡng khác. Cách nuôi chó - Tags: