Cảm nghĩ về bài thơ Cảnh khuya của Hồ Chí Minh hay nhất

Cảm nghĩ về bài thơ Cảnh Khuya được Bác Hồ sáng tác trong chiến khu Việt Bắc ở thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Viết cảm nghĩ của anh/chị về bài thơ “Cảnh khuya” một sáng tác tiêu biểu của vị lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh. Chỉ với 4 câu thơ, nhưng tác phẩm đọng lại trong chúng ta những ý nghĩa sâu sắc. Anh/chị hãy nêu cảm nhận của mình về bài thơ một cách ngắn gọn. Và tập trung vào nêu cảm nhận của Bác Hồ trong bài thơ.

cam-nghi-ve-bai-tho-canh-khuya.jpg

Cảm nghĩ về bài thơ Cảnh Khuya

Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ “Cảnh khuya”

Bài số 1

“Cuộc đời là mảnh đất màu mỡ, để cho thơ bén rễ sinh sôi.” (Pautopxki) Quả thật, từ bao đời nay, thơ luôn là nguồn cảm hứng cao cả của con người, thơ bắt nguồn từ cuộc đời và nở hoa tâm hồn thi sĩ. Giữa sự khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Pháp , Bác của chúng ta vẫn ung dung, tự tại đưa tâm hồn mình đồng điệu, bén rễ sinh thơ cùng với người bạn tri âm là trăng qua bài thơ “Cảnh khuya”: 

“Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa 

Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.”

Hồ Chí Minh ( 1890-1969), là Người Cha già của toàn dân tộc Việt Nam. Bác tên khai sinh là Nguyễn Sinh Cung, quê ở Nam Đàn, Nghệ An. Người không chỉ được biết đến với hoạt động cách mạng, mà còn được biết đến với vai trò của một nhà văn, nhà thơ lớn. Hồ Chí Minh là một cây bút uyên bác, với phong cách thơ đa dạng , độc đáo và phong phú về ngôn từ. Các tác phẩm tiêu biểu của Bác như: “Tuyên ngôn độc lập”, “Nhật kí trong tù”, “Bản án chế độ thực dân Pháp”,… Tác phẩm “Cảnh khuya” được Bác viết vào năm 1947 giữa chiến dịch Việt Bắc thu đông quân ta chống thực dân Pháp. Bài thơ ra đời giữa sự gay gắt, cam go của cuộc kháng chiến nhưng lại mang bản chất ung dung, tự tại của một tâm hồn thi sĩ yêu thiên nhiên, muốn dựa vào thiên nhiên để nói lên khát khao xây dựng đất nước.

“Âm điệu là cỗ xe chuyên chở điệu hồn của thi phẩm.” (Hoàng Cầm) Quả thật, mở đầu bài thơ “Cảnh khuya” với âm điệu của “tiếng hát” như một “điệu hồn” du dương mà lay động lòng người: 

“Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”

Việc tác giả sử dụng đan xen biện pháp tu từ so sánh và biện pháp tu từ nhân hóa ngay ở đầu bài: “tiếng suối” như “tiếng hát” là có dụng ý. Nếu “tiếng hát” là sự ru nhẹ lòng người, trong đêm khuya thanh vắng, ngày dài chống giặc tại núi rừng, tiếng hát cất lên nghe thật thánh thót, tạo cho lòng người sự say mê, đắm chìm. Để rồi, Bác ví thiên nhiên “tiếng suối” nghe “như tiếng hát xa” càng nhấn mạnh cho vẻ đẹp của thiên nhiên núi rừng nơi chiến khu Việt Bắc. Ở đó, tiếng suốt chảy nơi xa, nghe như tiếng hát đang hoà nhịp trái tim với lòng người.  Không chỉ dừng lại ở đó, hình ảnh ẩn dụ: “Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa” càng làm nổi bật lên tâm trạng say sưa với thiên nhiên của Người Cha già kính yêu. Đối với thơ của Bác, hình ảnh trăng luôn là người bạn tri âm, tri kỉ của Bác:

“Trong tù không rượu cũng không hoa

Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ

Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ

Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.”

(Ngắm trăng)

Trong mọi ánh nhìn, trong mọi hành động việc làm của mình, Bác đều nhớ tới trăng, nhớ tới người bạn chia sẻ buồn vui mỗi đêm suy nghĩ. Và ở “Cảnh khuya” cũng vậy, ánh trăng hiện lên soi chiếu vào cây, tạo nên những bóng trăng in lại trên mặt suốt như những chùm hoa nở rộ. Chỉ qua hai câu thơ, mà ta đã cảm nhận rõ nét được cái nhìn tinh tế và am hiểu của tác giả đối với thiên nhiên nơi đây. Từ âm thanh “tiếng suối” cho đến hình ảnh “trăng-hoa” như một lời khẳng định reo vui của thiên nhiên về tương lai tất thắng của cách mạng. Tiếng suối ngân nga khúc hát vui tươi, hoà vào nhịp điệu đó là hình ảnh trăng lồng cây, tạo nên bức tranh thiên nhiên nơi đây sinh động, tươi tắn. Không gian núi rừng Tây Bắc được Bác miêu tả rõ nét từ xa tới gần, để rồi khẳng định lại cho sự miêu tả ấy, là hình ảnh tâm hồn Người đang du dương, dịu êm lắng nghe lời thì thầm của thiên nhiên, là tâm hồn Người đang cảm nhận sâu sắc vẻ đẹp buổi đêm của thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ. Như vậy, hai câu thơ đầu tiên mở ra với gam màu lạnh, nhưng lại được cảm nhận tinh tế của Bác làm cho ấm áp, để rồi từ đó, không gian thiên nhiên núi rừng buổi khuya hiện lên không còn lạnh lẽo, mà mang đượm sức sống tràn đầy.

“Thơ là tiếng lòng.” (Diệp Tiếp) Nếu hai câu thơ trên là hình ảnh của thiên nhiên núi rừng Tây Bắc hùng vĩ mà yêu thương, thì hai câu thơ kết thúc bài lại là tiếng nói tâm hồn của người thi sĩ đang trằn trọc, lo nghĩ cho nước nhà:

“Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.”

Dường như, Người vừa đắm chìm vào trong vẻ đẹp thiên nhiên ấy không phải là Bác vậy. Bởi, nếu người say mê vẻ đẹp ấy, là người mang phong thái lạc quan, ung dung, tự tại; thì hai câu thơ kết lại là hình ảnh trầm tư suy nghĩ của một người lo nghĩ cho muôn dân, đất nước. Cảnh khuya hiện lên với thiên nhiên đẹp đẽ là vậy, tiếng suối du dương, bóng trăng đan hoa chào đón, cũng không khiến Người vơi đi nỗi lo. Trước cảnh khuya hùng vĩ nhân vật trữ tình không lo cho bản thân mình, mà nỗi lo của tác giả là nỗi lo lớn lao, dành trọn vẹn tâm trí cho đất nước. Thưởng thức vẻ đẹp của thiên nhiên núi rừng là vậy, nhưng Bác chưa bao giờ quên trọng trách của một vị lãnh tụ mang trong mình sứ mệnh đánh giặc, giành lại hạnh phúc ấm no cho nhân dân. Hai câu thơ như những lời nói thay tâm trạng của Bác. Bác lo cho “nước nhà” nỗi lo ấy thường trực trong con người kính yêu này. Nỗi lo ấy khiến Bác “chưa ngủ”, còn giặc, còn đấu tranh, còn đau thương, Bác còn lo. Như vậy, chỉ với vỏn vẹn bốn câu thơ thất ngôn, nhưng đã thể hiện rõ tâm trạng của Bác trước nỗi lo với đất nước. Hai câu thơ đầu tả cảnh, nhưng thực chất là sự nhấn mạnh cho vế tâm trạng của Bác ở hai câu kết, cảnh đẹp, âm thanh du dương, nhưng lòng người chưa yên, đất nước chưa thái bình, Bác nào đâu yên giấc.

Tóm lại, bài thơ “Cảnh khuya” chính là tiếng nói tâm hồn ngợi ca vẻ đẹp thiên nhiên của Bác. Đồng thời, qua vẻ đẹp đó, Bác cũng muốn gửi gắm nỗi niềm lo cho dân, cho nước nhà của mình.

Bài tham khảo 2

“Thơ hay là thơ không đáy, thơ thăm thẳm khôn cùng.” (Hoàng Cầm) Thật vậy, bài thơ “Cảnh khuya” của Hồ Chí Minh chính là một thi phẩm tạo nên nét đẹp của thiên nhiên Tây Bắc, đồng thời qua đó, cũng khắc tạc tâm trạng lo nghĩ cho nước nhà của vị lãnh tụ kính yêu:

“Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa

Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.”

Hồ Chí Minh (1890-1969), tên khai sinh là Nguyễn Sinh Cung, cùng với các bút danh khác: Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc,… là nhà cách mạng vĩ đại, một danh nhân Văn hóa thế giới, một nhà văn, nhà thơ lớn của nền văn học Việt Nam. Phong cách thơ Bác: giàu hình ảnh, giàu sức gợi, ngôn từ phong phú và đa dạng. Trong suốt hành trình sáng tác của mình, Bác có các tác phẩm tiêu biểu như: “Bản án chế độ thực dân Pháp”, “Đường Kách mệnh”, “Nhật kí trong tù”, “Tuyên ngôn độc lập”,… Bài thơ “Cảnh khuya” được Bác sáng tác năm 1947, ở chiến khi Việt Bắc, giữa giai đoạn chiến tranh cam go chống trả thực dân Pháp.

Hai câu thơ mở đầu thi phẩm, là sự cảm nhận về thiên nhiên với đầy đủ âm thanh, màu sắc và hình ảnh:

“Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”

Cảnh thiên nhiên núi rừng Tây Bắc hiện lên giữa không gian buổi đêm nhưng vẫn mang những nét tươi sáng, ấm áp. “Tiếng suối” vang lên nghe “như tiếng hát” an ủi lòng người, tiếng hát du dương như dòng nước nhẹ nhàng trôi chảy trong tâm trí con người. Nối tiếp cho vẻ đẹp của thiên nhiên là hình ảnh của “trăng” ánh trăng hiện lên, xen kẽ vào những tán cây tạo nên vẻ đẹp lung linh tráng lệ, như những chùm hoa in dấu nơi mặt suốt. Ánh trăng cùng với những tán lá, như rợp lại trong lòng người những bông hoa tươi thắm của ngày giải phóng. Tiếng hát vang của suốt, hoà cùng vẻ đẹp tươi tắn của ánh trăng vào mặt suối, càng khiến cho không gian buổi bên ở núi rừng hiện lên sinh động và giàu sức gợi hình, gợi tả. Như vậy, với hai câu thơ đầu, tác giả đã khắc hoạ thành công bức tranh thiên nhiên núi rừng, mà ở đó, tâm hồn con người đang say mê cảm nhận vẻ đẹp ấy.

Đến với hai câu thơ tiếp theo:

“Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.”

Không còn là vẻ đẹp của thiên nhiên nữa, khùng còn tiếng hát êm đềm, không còn người bạn tri âm tri kỉ là ánh trăng. Giờ đây, đối mặt với cảnh khuya là tâm trạng “lo nỗi nước nhà” của Bác. Bác lo cho dân chưa được sống yên, Bác lo cho nước nhà chưa được thái bình; nỗi lo ấy khiến Bác “chưa ngủ”. Nếu hai câu thơ trên, miêu tả cảnh khuya thật đẹp , thật tráng lệ, thì hai câu thơ kết thúc, như một nốt trầm của tâm hồn thi sĩ. “Tiếng suối”, “trăng-hoa” của hai câu thơ trước là vẻ đẹp của thiên nhiên, để rồi ở hai câu thơ kết thúc, vẻ đẹp đã làm nổi bật lên tâm trạng chưa yên của “người chưa ngủ”. Điệp từ “chưa ngủ” lặp lại hai lần như nhấn mạnh, khắc sâu hơn tâm trạng lo nghĩ về đất nước của Bác. Nước non hùng vĩ, vậy mà tâm người lại dao động. Dao động vì lo, dao động vì chưa yên, dao động vì tìm cách giải quyết sự cam go của cuộc kháng chiến. Bác lo cho tương lai đất nước, và càng lo hơn cho cuộc sống lầm than của nhân dân. Bác là vậy, là Người Cha già luôn hết lòng vì nước, vì dân mà không mưu cầu nhận lại gì từ họ. Dân yên ấm, nước thái bình là tâm nguyện lớn lao của cuộc đời Hồ Chủ tịch.

“Cảnh khuya” của Hồ Chí Minh là tác phẩm tiêu biểu miêu tả đặc sắc về thiên nhiên,  đồng thời qua đó cũng nói lên nỗi niềm của nhân vật trữ tình với đất nước. Bài thơ khép lại, nhưng lại mở ra trong lòng người đọc những say sưa suy nghĩ về thời cuộc. Mở ra trong lòng chúng ta về hình ảnh của vị Cha già kính yêu, một lòng suy nghĩ cho dân, cho nước.

Với hai bài tham khảo: Cảm nhận về “Cảnh khuya” của Hồ Chí Minh, hi vọng các bạn sẽ có được sự chọn lọc trong bài viết của mình. Chúc các bạn thành công!

Xem thêm: Viết đoạn văn kể về kỉ niệm đáng nhớ ngày khai trường đầu tiên

Ngữ Văn Lớp 7 -