Hãy giải thích câu tục ngữ: “Người ta là hoa của đất”

Câu tục ngữ “Người ta là hoa của đất” có ý nghĩa như thế nào. Sau đây mời mọi người cùng theo dõi và tìm hiểu ý nghĩa của câu tục ngữ nhé.

Hãy giải thích câu tục ngữ: “Người ta là hoa của đất”

Giải thích câu tục ngữ “Người ta là hoa của đất”

“Con người sinh ra không phải để tan biến như hạt cát vô danh, họ sinh ra để yên dấu chân trên mặt đất và dấu lại trong tim của người khác” (Xukhomlinxki). Quả thật, con người sinh ra đều mang trong mình những sứ mệnh riêng, mang những nét đẹp, họ đều là những cá thể riêng biệt, mà khi đoàn kết lại sẽ tạo nên sức mạnh to lớn. Con người sinh ra, ai cũng không phải là bản sao hoàn toàn của người khác, họ là chính họ, và là những bông hoa tỏa hương sắc riêng cho cuộc đời. Xưa kia, ông bà ta đã từng ví con người: “Người ta là hoa của đất”, câu nói này, mang đến một vẻ đẹp tuyệt sắc, một vẻ đẹp vừa mang nét dịu dàng, vừa mang nét thanh thoát uyển chuyển của con người. Hãy cùng tìm hiểu về vẻ đẹp, về phẩm hạnh con người qua câu tục ngữ: “Người ta là hoa của đất” nhé!

Vậy theo bạn, “con người” là gì? Là những cá thể sống trên Trái Đất? Là những cá thể sáng tạo, tự lập đời sống của mình? Là những cá thể sẵn sàng giúp đỡ, trân trọng người khác? Là những cá thể sẵn sàng đấu tranh vì chính nghĩa? Tất cả đều chính xác. “Con người” chính là những đặc điểm xinh đẹp của con người. “Con người” là cụm từ để chỉ về những cá thể đáng sống, đang sinh hoạt, đang làm việc, đang từng ngày phát triển trên hành tinh xanh Trái Đất. Là người tạo nên những sức sống mới, tràn đầy cho cuộc đời. “Hoa” đó là để chỉ một loại thực vật có thân màu xanh, với phần ngọn là những bông hoa tuyệt sắc. “Hoa” là để nói về vẻ đẹp, về sự lộng lẫy và tuyệt diệu. Câu tục ngữ mang đến cho ta vẻ đẹp của con người. Câu tục ngữ là vẻ đẹp của con người, người xưa ví con người là hoa của đất, ý con người chính là những tinh tú, những vẻ đẹp sắc màu đa dạng tạo nên cuộc sống muôn sắc hương. Câu nói là sự ngợi ca về vẻ đẹp của con người, ngợi ca về tài năng về tài hoa và sức sống mãnh liệt của con người. Như vậy, ví con người với hoa của đất chính là thể hiện giá trị cao cả, đẹp đẽ, giá trị tuyệt sắc của con người trên cuộc đời này.

Jack London từng nói: “Sứ mệnh chân chính của con người là sống chứ không phải tồn tại”. Thật vậy, con người sinh ra, đặt chân lên mặt đất cũng chính là sự mở đầu cho cuộc đời, cho tâm hồn và vẻ đẹp muôn màu của sự sống trên hành tinh xanh này. Con người chính là những bông hoa tuyệt sắc nhẹ nhàng toả hương thơm, nhẹ nhàng tỏa sắc màu tạo nên sự đa dạng, tạo nên những điều kì diệu, những vẻ đẹp sâu sắc và tươi tắn cho cuộc đời. Ví con người như những bông hoa của đất là ví von cao cả về vẻ đẹp trong cả tâm hồn lẫn thể xác của con người. Con người giữa mảnh đất khô cằn, giữa những khó khăn vất vả của cuộc đời vẫn tỏa những tài năng, những phẩm hạnh tươi đẹp của mình đến cuộc đời. Có con người, cuộc đời trở nên bừng sáng, có con người cuộc đời trở nên tươi đẹp, và con người trên cuộc đời ngược lại chính là những điều tuyệt diệu nhất, những vì sao lấp lánh nhất. Con người là sự hoàn hảo nhất, đa tài nhất mà Thượng đế tạo ra. Con người là người tạo nên những sản phẩm kỳ vĩ, nhưng công trình to lớn, và ngay cả những tác phẩm của sự kì công, tỉ mỉ đều do một tay con người tạo nên. Con người sinh ra mang đến tiếng cười, mang đến hạnh phúc, mang đến cho nhau niềm tin. Con người không chỉ cống hiến hết mình cho cuộc đời, mà còn là sự cống hiến hết sức mình cho nhau. Con người giúp đỡ, con người trân trọng và con người sẵn sàng vì nhau mà làm những việc tưởng chừng như là không thể. Con người chính là bá chủ của thiên nhiên, là vẻ đẹp lung linh giữa bầu trời thiên nhiên đầu khắc nghiệt. Vẻ đẹp của con người trải dài ở khắp nơi, trên nhiều lĩnh vực, và con người đều có mặt ở tất cả công việc, các hoạt động, các ngành nghề và mọi mặt trên Trái Đất.

Câu tục ngữ là sự trường tồn, sự phát triển, xoay chuyển theo thời gian của con người. Từ ngàn xưa, thời nguyên thủy, câu tục ngữ là sự ngợi ca vẻ đẹp của con người, họ từ xa xưa đã biết tìm kiếm đến lửa để sưởi ấm, để làm chín thức ăn bằng cách ma sát hai viên đá với nhau. Từ xa xưa, con người đã biết làm những dụng cụ bằng đá để có thể săn bắn thức ăn, và để phục vụ cho công việc cày cuốc của mình. Không chỉ vậy, con người từ xa xưa đã mang nét đẹp kiên cường, chiến đấu chống lại sự khắc nghiệt tàn bạo của thiên tai để có thể đoạt lại sự sống cho mình. Tiến xa hơn đến lịch sử của dân tộc, con người chính là những hình ảnh của làn sóng đoàn kết: dựng nước và giữ nước. Họ một lòng yêu nước, đấu tranh để giữ vững vẻ đẹp hoà bình, yên ấm của đất nước. Và tiếp đó, khi hoà bình được lập lại, họ không còn cầm vũ khí trên tay nữa, mà trên tay họ giờ đây là quá trình phát triển và xây dựng đất nước giàu mạnh. Đất nước có đi lên, đất nước có phát triển, đất nước có tốt đẹp hay không tất cả là nhờ vào con người. Giờ đây, họ là những tinh tú, là vì sao giữa bầu trời, là những kì tích mới mẻ để tạo nên sự phát triển của đất nước. Họ trở thành những kĩ sư, những người hoạ sĩ mang nét đẹp lưu giữ, trở thành những bác sĩ cứu sống bao mạng người, trở thành nguồn động lực phát triển cho nhau. Họ giúp đỡ nhau cùng phát triển, họ cùng nhau vun đắp bản thân và từ đó tạo nên vẻ đẹp sâu sắc, tuyệt diệu dành cho bao thế hệ. Trên thế giới này, mỗi con người sinh ra đều mang một vẻ đẹp riêng, mang một hình hài riêng và mang một sắc thái cảm xúc hết sức chân thành, cũng như những giá trị hết sức lớn lao. Trên thế giới, trước kia ta biết đến Các Mác và Ăngghen được biết đến là người mang đến những sự thay đổi cho cục diện thế giới; tiếp đó ta biết đến V.I.Lênin, người mở ra con đường cứu nước giúp Bác Hồ tìm đến và đưa đất nước thoát khỏi sự xâm lược của thực dân. Bác Hồ, người được mệnh danh là bông hoa đẹp và sáng ngời trong lịch sử Việt Nam:

“Tháp mười đẹp nhất bông sen

Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”.

Bác ra đi tìm đường cứu nước với cái tên Nguyễn Tất Thành, chàng thanh niên ấy ra đi rời bến cảng Nhà Rồng vào năm 1911 với hai bàn tay trắng. Sau ba mươi năm bôn ba, vất vả ở chốn xa lạ, Bác tiếp nhận được Luận Cương của Lênin, tìm ra được con đường cứu nước. Từ đó đấu tranh theo con đường ấy, đưa đất nước tháo khỏi kẻ thù là thực dân Pháp. Để rồi, dẫu qua hơn một thế kỉ, Bác vẫn là vị lãnh tụ kính yêu, vẫn là tấm gương sáng cho các thế hệ mai sau noi theo học tập. Noi theo tấm gương biết phấn đấu, biết ý chí tạo dựng thành công của Bác, ngày nay có rất nhiều lớp trẻ đang cống hiến hết mình cho sự phát triển trường tồn của đất nước. Đó là Nguyễn Thị Ánh Viên, kình ngư vàng của làn nước xanh, người mang lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên đài quốc tế. Là thế hệ các bác sĩ đang đấu tranh chống lại dịch bệnh Covid 19. Họ đều là những người hùng, đều là những người mang sự bình yên, và vẻ vang cho đất nước.

Song bên cạnh đó, vẫn có những hình ảnh của những kẻ đang dần làm phai mờ đi vẻ đẹp của câu tục ngữ trên. Họ làm ra những chuyện xấu xa, trái với lương tâm, trái với đạo đức. Nhưng con người như vậy đang dần từng ngày làm phai mờ đi vẻ đẹp trong sáng, thiện lương, một lòng giúp đỡ, trân trọng nhau khác của con người. Những kẻ như vậy đáng bị lên án và phê phán. Song, câu tục ngữ cũng là một lời khuyên dành cho tất cả các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ chúng ta. Theo bạn tại sao câu tục ngữ lại mang vẻ đẹp trao gửi muôn đời? Thật kì lạ phải không, một câu tục ngữ được người xưa lưu truyền, song nó lại có giá trị thiên niên kỉ; bởi không chỉ mang đến chiêm nghiệm nhất thời, nó còn là chiều sâu đặc sắc muôn đời cho con người. Câu tục ngữ muốn thế hệ trẻ đang ngồi trên băng ghế nhà trường chúng ta hãy hết mình học tập, hãy là những búp măng sáng tạo, sẵn sàng đột phá, sẵn sàng thành công. Có như vậy, tương lai đất nước mới tươi sáng phát triển. Hãy học tập những triết lí của câu tục ngữ, để từ đó đưa mình trở thành bông hoa đẹp, bông hoa xuất sắc, và bông hoa tài năng trong cuộc đời. Bạn sẵn sàng cống hiến, bạn sẵn sàng vươn lên, bạn sẽ là những bông hoa xinh xắn và tỏa hương thơm ngát cho cuộc đời. Câu tục ngữ còn muốn chúng ta nhận ra giá trị chân chính, giá trị riêng không trùng lặp của bản thân mỗi người. Không ai là hoàn hảo 100%, đó là lý do vì sao cây bút chì cần đến cục gôm. Con người cũng vậy, không ai hoàn hảo, không ai sinh ra đã hiểu biết và làm được tất cả mọi điều; con người cần có quá trình tìm hiểu, quá trình dấn thân và trải nghiệm, như vậy mới có thể tìm ra cho mình được hướng đi đúng đắn nhất, mạnh mẽ nhất. Có như vậy, con người mới phát triển, mới tạo dựng thành công được bản thân mình. Câu tục ngữ mong muốn con người hãy yêu quý, hãy trân trọng nhau; và hãy luôn không ngừng phát triển bản thân trở nên hoàn hảo, vẹn toàn. Đó là yếu tố cốt lõi tạo nên một vì sao sáng – con người bữa bầu trời đêm muôn sao.

“Giữa sa mạc khô cằn sỏi đá, vẫn có những cây hoa dại vươn lên và nở những chùm hoa tuyệt sắc” (Ngạn ngữ Hy Lạp). Quả thật, những bông hoa ấy là tượng trưng cho con người, những sỏi đá khô cằn là tượng trưng cho khó khăn, thử thách trong cuộc đời. Mà qua đó, con người được tỏa sáng, được phấn đấu trở nên tốt đẹp hơn. Từ xa xưa ông ta cha đã nhận định rất đúng đắn về vẻ đẹp như bông hoa giữa đất trời của con người. Bởi lẽ, mọi sự vận hành, mọi sự thay đổi của thế giới đều bắt nguồn từ sự phát triển vượt bậc của con người. Như vậy, qua câu tục ngữ, ta thấy được vẻ đẹp muôn đời, vẻ đẹp tuyệt sắc và kì diệu của con người.

Trên đây là bài làm về: Giải thích câu tục ngữ: “Người ta là hoa của đất”. Hy vọng bài tham khảo đã mang đến các thông tin, kiến thức hữu ích cho bài viết của bạn. Chúc các bạn thành công, đạt điểm cao trong các kỳ thi cũng như quá trình học tập.

Xem thêm: Thuyết minh về món ăn dân tộc quê hương (Món Phở) hay nhất

Ngữ Văn -