Một số biện pháp rèn kỹ năng sống cho học sinh lớp 2 qua công tác chủ nhiệm lớp
Sự nghiệp phát triển của đất nước trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hòa nhập quốc tế đã và đang đặt ra những yêu cầu ngày càng cao đối với ngành giáo dục, đòi hỏi phải tạo ra những con người “phát triển về trí tuệ, cường tráng về thể lực, phong phú về tinh thần, trong sáng về đạo đức”. Vì vậy, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện thế hệ trẻ là định hướng phát triển có tính chiến lược của Việt Nam, theo đó ngành giáo dục phải phấn đấu đổi mới về nội dung, chất lượng; đổi mới phương pháp dạy học, phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của người học, phù hợp với từng đặc điểm của lớp học; tăng cường khả năng làm việc theo nhóm, rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, tác động đến tình cảm đem lại niềm vui, hứng thú học tập cho học sinh, đảm bảo hướng đến các mục tiêu lớn về phát triển con người toàn diện.
Từ năm học 2010-2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định đưa nội dung giáo dục kỹ năng sống lồng ghép vào các môn học ở bậc tiểu học và các hoạt động ngoài giờ lên lớp (hoạt động ngoại khóa). Đây là một chủ trương đúng đắn và cần thiết nhằm góp phần phát triển toàn diện cho học sinh. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh nghiệm của giáo viên và điều kiện giảng dạy của nhà trường hiện tại, việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh đạt hiệu quả cao luôn là một thách thức, đòi hỏi phải kết hợp nhiều yếu tố chứ không chỉ từ các bài giảng sẵn có, bao gồm sự sáng tạo và sắp xếp của giáo viên, phương pháp thúc đẩy bài giảng và giao tiếp với học sinh, phương tiện dạy-học và môi trường học tập nói chung,… Với tư duy đó, qua bài viết này, tôi muốn trình bày một số suy nghĩ, quan sát và trải nghiệm bước đầu của bản thân về Một số biện pháp rèn kỹ năng sống cho học sinh tiểu học qua công tác chủ nhiệm lớp, để có thể chia sẻ và học hỏi với các đồng nghiệp trong nỗ lực đào tạo và bồi dưỡng kỹ năng sống cho học sinh.
Lứa tuổi học trò là giai đoạn tốt nhất để giáo viên (cùng với gia đình và xã hội) giáo dục, tác động nhằm giúp các em phát triển nhân cách một cách đúng đắn nhất. Đó chính là một yêu cầu của nhà trường gắn liền dạy người cùng với dạy chữ. Tiểu học là bậc học đầu tiên của hệ thống giáo dục, có nhiệm vụ đào tạo, cung cấp những cơ sở ban đầu cơ bản và bền vững cho trẻ để có thể tiếp tục học lên các bậc học cao hơn; đồng thời quan trọng hơn, giúp trẻ hình thành những cơ sở ban đầu, những đường nét cơ bản của nhân cách, cũng như các kỹ năng sống.
Mặt khác, lứa tuổi học sinh tiểu học nói là lứa tuổi đang hình thành những giá trị nhân cách, giàu ước mơ, ham hiểu biết, thích tìm tòi và khám phá. Tuy nhiên, giai đoạn này, các em cũng có đặc điểm chung là còn rụt rè, nhút nhát, nhận thức còn non nớt, khả năng kiểm soát, điều khiển các hành vi còn hạn chế, chưa đủ ý chí để thực hiện đến cùng mục đích đã đề ra , vốn hiểu biết còn ít ỏi, chưa nhận biết sâu sắc về xã hội, còn thiếu kinh nghiệm sống, dễ bị lôi kéo hoặc kích động.
Xét về quá trình phát triển của trẻ, kỹ năng sống có thể hình thành tự nhiên (có tính bản năng), có thể học được từ những trải nghiệm của cuộc sống (thực hành tự thân) và do giáo dục, rèn luyện mà có (được hướng dẫn). Không phải đợi đến lúc học được kỹ năng sống một con người mới có kỹ năng sống đầu tiên. Chính cuộc đời, những trải nghiệm, va vấp, thành công và thất bại, con người có được bài học quí giá về kỹ năng sống – đây cũng chính là bản chất của quá trình nhận thức và học tập. Nếu được dạy dỗ từ sớm, hướng dẫn khoa học, trẻ sẽ sẽ rút ngắn được thời gian học hỏi qua trải nghiệm và sẽ thành công hơn.
Giáo viên tiểu học thường được ví là “người thầy tổng thể”. Hoạt động trong điều kiện học sinh học bán trú, nên tính tổng thể của giáo viên không chỉ thể hiện ở nhiệm vụ dạy tất cả các môn học ở tiểu học, mà còn phải đảm đương trách nhiệm các vai trò từ giảng dạy đến chủ nhiệm lớp, người phụ trách lẫn cô bảo mẫu. Gắn bó với quá trình này, người giáo viên phải thể hiện họ đã tạo ra một sản phẩm trọn vẹn của riêng mình, những nhân cách mang đậm dấu ấn của mình.
Đối với học sinh tiểu học, ngoài cha mẹ, thầy cô giáo có vị trí hết sức quan trọng và có sức tác động rất lớn đối với trẻ. Trẻ thường xem thầy cô là “thần tượng”. Vì vậy, việc giáo dục kỹ năng sống có thành công hay không lại phụ thuộc rất lớn vào tư chất, đạo đức, năng lực, vốn sống, tình thương, nhân cách của thầy cô giáo. Muốn rèn tốt kỹ năng sống cho học sinh, trước hết, mỗi thầy cô giáo phải giáo dục học sinh bằng sự tự nêu gương, thầy cô giáo phải gương mẫu trong giao tiếp, trong giáo dục nhân cách, chấm dứt các hành vi có tính chất bạo lực, những ứng xử thiếu văn hoá của thầy cô giáo trong môi trường lớp học, nhà trường và ngoài nhà trường. Và để học sinh noi theo trước hết “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương tự học, tự sáng tạo” là phương châm mà ngành giáo dục đã vận động cần phải được quán triệt và thực hành thường xuyên, liên tục.
Trước hết, giáo viên cần hình thành cho các em kỹ năng giao tiếp tốt – tức là có khả năng trình bày, diễn đạt rõ ràng, trôi chảy, khuyến khích các em tham gia các hoạt động học tập và cuộc sống xung quanh.
Do học sinh tiểu học chủ yếu học bán trú ở trường, trong sinh hoạt hàng ngày, giáo viên cần chú ý rèn luyện và nâng cao kỹ năng giao tiếp – tự nhận thức cho các em như: biết thực hành đúng các quy tắc chào hỏi, xin phép, cảm ơn, xin lỗi, yêu cầu, biết cảm thông chia sẻ buồn vui với mọi người. Giáo viên có thể cũng tập dần cho các em kỹ năng đặt mục tiêu từ những việc nhỏ như: thói quen dậy sớm tập thể dục, đi học đúng giờ, phụ mẹ việc nhà, giữ lời hứa với mọi người. Ngoài ra, học sinh cần được hướng dẫn và thực hành các kỹ năng đơn giản như: làm trực nhật vệ sinh lớp học, vệ sinh sân trường, chăm sóc bồn hoa cây cảnh, khi ăn không được nói chuyện riêng, ăn chậm nhai kỹ, ăn uống phải gọn gàng, sạch sẽ, có kỹ năng tự phục vụ bản thân như trời rét khi ngủ dậy phải tự đi tất, mặc quần áo, bỏ cốc uống nước hoặc phương tiện học tập đúng chỗ sau khi sử dụng; học sinh biết giữ lớp học gọn gàng gàng, ngăn nắp, sắp xếp gối, chăn đúng nơi quy định sau giờ ngủ trưa. Bằng cách rèn luyện các hành vi đó, tập dần thành thói quen sẽ giúp các em hình thành các kỹ năng sống.
Ngoài giờ lên lớp, giáo viên cần tranh thủ thời gian tìm hiểu học sinh để có thể kịp thời chia sẻ, giúp đỡ động viên các em vượt qua khó khăn, lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của các em. Trong quá trình tìm hiểu, thầy cô giáo phải biểu lộ được tình cảm chân thành, chủ động xóa bỏ khoảng cách giữa giáo viên và học sinh, luôn lựa chọn những ngôn từ thích hợp, bổ ích, nhằm giáo dục các em có thêm kiến thức trong cuộc sống.
Một kinh nghiệm quan trọng khác là giáo viên chủ nhiệm cũng cần thay đổi cán bộ lớp như lớp trưởng, lớp phó, tổ trưởng, tổ phó, nhóm trưởng theo từng tuần, từng tháng hoặc từng kì để từng học sinh biết được các công việc của người có nhiệm vụ lãnh đạo, các khó khăn họ thường gặp phải và tìm cách xử lí những khó khăn đó, đồng thời giúp các em biết thông cảm với công việc của người được giao nhiệm vụ chỉ huy. Nếu làm tốt việc luân chuyển và thay đổi các vị trí này thì giáo viên sẽ tạo cho các em cơ hội rèn luyện các kỹ năng quan trọng như kỹ năng chỉ huy, lãnh đạo, kỹ năng ứng phó với căng thẳng, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thể hiện sự cảm thông, kỹ năng tư duy sáng tạo, kỹ năng ra quyết định, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng kiên định, kỹ năng đảm nhận trách nhiệm, kỹ năng tìm kiếm và xử lí thông tin, kỹ năng thể hiện sự tự tin,…
Một điều không thể thiếu đối với giáo viên chủ nhiệm lớp đó là thầy cô giáo phải tăng cường trao đổi thông tin với gia đình học sinh một cách thường xuyên; trao đổi và phối hợp với phụ huynh học sinh nhằm định hướng, giáo dục, động viên, giúp các em nhận thức được, biết cách phê phán và luôn sẵn sàng tránh xa các tệ nạn xã hội, biết bố trí thời gian học tập, vui chơi, làm việc nhà phù hợp. Ngoài rèn kỉ năng sống cho các em trên lớp người giáo viên cần kết hợp với phụ huynh việc giáo dục kỉ năng sống lúc ở nhà như: giáo dục các em biết kính yêu ông bà, cha mẹ, vâng lời người lớn; hướng dẫn học sinh làm việc nhà phù hợp với lứa tuổi các em như nhặt rau, nấu cơm, chăm sóc cây hoa, quét nhà, rửa ấm chén, giữ gọn gàng, ngăn nắp chỗ học tập và nhà cửa. Bên cạnh giáo viên và nhà trường, thì sự đồng hành của phụ huynh, sự quan tâm của chính quyền địa phương sẽ không chỉ giúp các em học được các kiến thức, mà còn hỗ trợ có hiệu quả cho việc hình thành và bồi dưỡng các kỹ năng sống phù hợp với lứa tuổi và thực tế cuộc sống .
Việc giáo dục kỹ năng sống ngay từ các lớp đầu cấp tiểu học sẽ rút ngắn thời gian để trang bị cho các em vốn kiến thức, kỹ năng, giá trị sống để làm hành trang bước vào đời. Trên đây là một số biện pháp giáo dục kỹ năng sống cho học sinh mà bản thân tôi đã bước đầu tìm hiểu và áp dụng, cho thấy đã mang lại những kết quả thiết thực trong việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh lớp 2.
Cẩm nang - Tags: chủ nhiệm lớp, kỹ năng sống