Đóng vai người lính trong bài thơ Ánh trăng và phân tích
Đóng vai người lính trong bài thơ Ánh trăng để kể lại bài thơ dựa theo cảm xúc của một người lính và phân tích nội dung bài thơ Ánh trăng.
“Ánh trăng” là tác phẩm rất tiêu biểu cho hồn thơ hồn nhiên, tươi tắn mà đầy chiêm nghiệm sâu xa của Nguyễn Duy. Bài thơ là tiếng nói ân tình thủy chung, là sự gắn bó như tri âm tri kỷ của ánh trăng với nhân vật trữ tình. Qua bài thơ, tác giả cũng muốn chúng ta đừng quên đi những kỉ niệm cũ, hãy luôn nhớ và khắc tạc nó trong tâm trí bạn. Qua bài thơ, có nhiều dạng đề bài được đưa ra, bà dạng đề về Nhập vai của người lính trong bài thơ và kể lại bài thơ “Ánh trăng” khá là khó. Các bạn hãy tham khảo bài làm mẫu dưới đây, hy vọng sẽ giúp ích cho quá trình học tập của bạn.
Lưu ý dành cho các bạn đối với đề bài này:
Trong quá trình đóng vai làm người lính kể lại bài thơ cần lưu ý ba đặc điểm sau:
- Đặc điểm 1: Ánh trăng xuất hiện khi còn nhỏ và khi có chiến tranh. Ở đây ánh trăng xuất hiện với vai trò của một người bạn tri âm, tri kỉ gắn bó hằng đêm không rời với nhân vật.
- Đặc điểm 2: Ánh trăng xuất hiện khi hoà bình lặp lại. Vậy mà nhà cao cửa rộng, phồn hoa chốn đô thị đã khiến cho lòng người thay đổi, không còn nhớ về vẻ đẹp cùng ánh sáng bàng bạc soi đường đi của trăng nữa.
- Đặc điểm 3: Ánh trăng xuất hiện khi bỗng chợt xảy ra mất điện. Ở phần này, ánh trăng như soi rọi vào tâm can lòng người. Ánh trăng xuất hiện, vẫn ánh sáng đó, vẫn lòng chung thuỷ này, vậy mà lại chẳng còn nhận được sự tri âm, tri kỉ của lòng người. Phải chăng lòng người trước đô thị phồn hoa đã quên mất tình bạn thân thiết với trăng?
Ba đặc điểm trên rất quan trọng trong quá trình các bạn nhập vai, vì vậy hãy ghi nhớ để có thể có thể có được bài văn hay và hoàn thiện nhất.
Đóng vai người lính trong tác phẩm, kể lại bài thơ “Ánh trăng”:
Theo bạn, tri kỉ là gì? Tri âm đồng hành là gì? Là cùng nhau gắn bó mật thiết, là tay gối đệm êm bên nhau chia sẻ ngọt bùi, là giúp đỡ nhau, tay chân như keo sơn, là sẵn sàng chia cơm sẻ áo cho nhau,… Hay theo bạn tri âm, tri kỉ là như thế nào? Với tôi, tri âm, tri kỉ gắn bố từ khi tôi bé thơ, cho đến ngày tôi rời xa quê hương, đến chốn khốc liệt rồi về nơi phồn hoa, người bạn ấy vẫn luôn dõi theo tôi, chỉ có tôi là trong ngày tháng êm ru mà quên mất đi vẻ đẹp của bạn mình. Người bạn tri âm, tri kỉ của tôi là ánh trăng – ánh sáng lưu giữ bao nét đẹp nơi tôi. Vậy mà tôi lại ích kỷ quên đi mất. Để giờ đây, khi nhìn lại, lòng tôi vừa thẹn, vừa buồn…
Tôi được sinh ra tại một vùng quê nghèo đơn sơ, nhưng lại vô cùng xinh đẹp và nên thơ. Như bao vùng quê khác. Quê tôi, có cánh đồng thơm hương lúa trổ bông – cái mùi hương dịu nhẹ thoang thoảng trong gió se lay động lòng người. Nơi có những thửa ruộng thẳng cánh cò bay. Nơi tôi lớn khôn từng ngày hè với vẻ đẹp hoa phượng, với tiếng âm thanh râm ran rủ nhau mỗi trưa hè đi bắt ve. Quê hương tôi còn mang nặng vẻ đẹp phù sa bồi đắp vườn ruộng, khi tuổi thơ tôi cũng gắn dài với những ngày tắm sông cùng bạn bè. Ngỡ không vui mà lại hoá trân trọng. Quê hương tôi cũng như bao nơi khác, nhưng với tôi nó thật đẹp, thật lãng mạn và nghĩa tình. Bởi ở đó, tôi không chỉ có những người bạn cùng nhau chơi lò cò, bắn bi, ô ăn quan,… mà còn có một người bạn tri âm đêm nào cũng tới chơi cùng tôi – đó là ánh trăng. Lòng tôi giữa khung cảnh luỹ tre bao bọc ngôi làng, giữa cánh đồng chim ca líu lo, giữa hương thơm dịu nhẹ vỗ về, thật bình yên, thật đáng sống.
Ấy vậy mà, sự bình yên ấy, sự dịu dàng cùng nhẹ nhàng của quê hương ấy lại nhanh chóng bị phá vỡ. Chiến tranh bông nổ ra, làm xao động sự bình yên và thơ mộng nơi quê hương tôi. Tôi quyết định rời quê hương, lên đường nghe theo tiếng gọi “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai.” Không còn là những ngày bình yên, tâm hồn nhẹ đong đưa với gió chiều, không còn là những ngày say đắm mùi hương lúa trổ bông, tất cả đã lùi lại để nhường cho ý chí “Quyết tử vì Tổ quốc quyết sinh” của tôi. Tôi dần làm quen với những cánh rừng hiểm độc, những màn đêm u uất hành quân, những giờ chiến đấu đến quên mình. Song, hoàn cảnh khắc nghiệt ở đây, cùng sự nỗ lực bảo vệ đất nước, cũng khiến tôi không nguôi ngoai nỗi nhớ quê hương của mình. Để rồi, sau những giờ chiến đấu, sau giờ hành quân, đọng lại những phút nghỉ ngơi, lòng tôi lại nhớ tới người bạn tri âm. Người bạn ấy vẫn theo tôi từng ngày, vẫn dịu dàng vỗ về bước đi của tôi, soi sáng chặng hành quân, và là chỗ dựa tinh thần tuyệt vời của tôi. Vầng trăng theo tôi, là người bạn chia sẻ, là người bạn tôi gửi g hết tâm tư tình cảm. Mà ở đó, lòng tôi khao khát nghĩa tình với trăng và khát vọng giành lại đất nước, mang ánh trăng bình yên về cho quê hương. Giữa sự khốc liệt và tàn bạo của mưa bom bão đạn, giữa sự tàn ác của dòng lửa cháy bao cánh đồng, bao đồng chí. Chỉ có trăng vẫn luôn kề sát chiến đấu cùng tôi những đêm tối. Với tôi, trăng thật dũng cảm, và hồn tôi như trần trụi giữa ánh trăng bao bọc. Tôi cảm nhận trăng giản dị, cảm nhận trăng mộc mạc và cũng thật tình tâm sự cùng tôi.
Chiến tranh kết thúc, có nhiều đồng chí đã ra đi mãi mãi; thật may mắn, tôi và một nhóm các đồng chí khác còn được trở về đoàn tụ cùng gia đình, được trở về với chốn quê hương thân thương. Chiến tranh khép lại, cùng với đó là sự hoà bình. Tôi được nhà nước cấp cho một căn nhà ở đô thị. Rời xa sự dịu dàng ấm áp của vòng tay quê hương vỗ về. Tôi đến với trải nghiệm mới về một khung cảnh náo nhiệt hơn, rộn ràng hơn, và tấp nập hơn bao giờ hết. Cuộc sống của tôi bắt đầu thay đổi với: tấp nập xe cộ hơn, với những ngôi nhà cao tầng kề sát gần nhau, với những con phố hoa lệ ánh đèn sáng lấp lánh. Lâu dần trong tôi đã bị lu mờ đi hình ảnh của ánh trăng. Tôi không còn nhớ tới người bạn tri âm tri kỷ là trăng. Không còn nhớ tới ánh sáng đã từng giúp tôi vượt qua bao khó khăn. Người càng thân thiết, khi xa nhau càng dễ quên, càng hiểu nhau, sẽ càng khiến cho trái tim đau. Tôi cũng vậy, tôi đang khiến chính mình hối lỗi và khiến chính người bạn của tôi bị buồn tủi.
Nhưng cuộc đời đâu phải sự lặng lẽ như vậy, nó luôn khiến người ta đi từ dịu êm, đến sự bất ngờ và đau đớn. Bỗng một ngày nọ, đèn điện mất, căn nhà không ánh đèn, tôi chợt nhớ tới và bung cửa sổ tìm kiếm ánh sáng. Ngay lúc đó tôi ngỡ ngàng, tôi gặp lại người bạn tri âm tri kỉ mà tôi đã quên mất, người mà đã đồng hành cùng tôi rất nhiều, vậy mà tôi lại nỡ quên mất. Ánh đèn phồn thị sáng chiếu mọi nơi làm tôi quên mất, tôi từng dựa vào ánh sáng bàng bạc của trăng để vượt qua đêm u tối. Tôi quên mất, đây là người bạn gắn bó từ khi tôi còn bé thơ, tôi quên mất tôi thật sự đã dựa vào trăng như thế nào. Bao kỉ niệm khi ánh trăng soi vào căn phòng bỗng ùa về, lòng tôi vừa da diết, vừa tự trách. Tôi trách chính bản thân mình đã hời hợt, đã lãng quên người bạn năm xưa, tôi trách chính bản thân mình vì ánh đèn phố thị, mà quên đi nét trần trụi giản dị của trăng. Giữa khung cảnh ấy, ánh trăng vẫn mờ mờ chiếu vào tôi, vẫn nhìn tôi im lặng. Cả hai đều im lặng, nhưng đâu biết, lòng tôi từng cơn sóng trào tự trách.
Trước tình thế ấy, giọt nước mắt tôi tuôn trào. Từng dòng từng giọt. Tôi khóc vì oán trách chính bản thân mình. Tôi khóc vì tôi quên mất tình bạn này. Và tôi khóc vì những điều tôi từng nguyện giữ trọn vẹn trong quá khứ, tôi khóc vì thời gian vụt qua tôi lãng quên quá nhiều điều; và hơn hết, tôi khóc vì điều trước mắt, vì hiện tại tôi đang nỗ lực đối mặt.
Đối với mỗi con người, gặp gỡ không phải là để chấm dứt, gặp gỡ không phải để chia ly, mà gặp gỡ là để níu kéo chính sự khát khao trong con người mình. Nhưng thật đau đớn, khi gặp gỡ lại mang đến sự tự trách, sự ưu phiền trong con người. Tôi gặp lại trăng, là gặp lại tri âm, cứ ngỡ là gặp lại vui vẻ, vậy mà tôi lại đau đớn. Tôi đã sai, tôi đã lãng quên mất ánh trăng thân thuộc dìu dắt tôi qua đoạn đường tối. Vậy mà trăng vẫn giản dị, vẫn thủy chung bên tôi. Điều này càng khiến cho tôi tự trách và chơi vơi.
Trên đây là bài làm văn về đóng vai người lính kể về bài thơ “Ánh trăng”. Hy vọng sẽ hữu ích với bạn.
Hướng dẫn soạn bài “Ánh trăng”:
Tìm hiểu chung:
Tác giả:
Tác giả tên khai sinh là Nguyễn Duy Nhuệ (1948), là tác giả nổi tiếng của Thanh Hoá. Nguyễn Duy là nhà thơ tiêu biểu trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Là nhà thơ với hồn thơ, tự nhiên, trong trẻo và tràn đầy triết lý sâu xa.
Tác phẩm:
Tác phẩm “Ánh trăng” sáng tác sau năm 1975, là bài thơ rút ra từ tập thơ cùng tên. Tác phẩm là tiếng nói tha thiết, là lời da diết của tác giả về việc cần nhớ và không được lãng quên quá khứ. Trong bài “ánh trăng” là hiện thân của sự son sắt, thủy chung.
Bố cục:
Phần 1: Hai khổ thơ đầu. Phần này, tác giả miêu tả về quê hương của mình thời tuổi thơ, đồng thời là sự nhấn mạnh cho vẻ của tình bạn giữa trăng và người lính từ nhỏ tới khi người lính tham gia chiến đấu.
Phần 2: Hai khổ thơ tiếp theo. Phần này, tác giả miêu tả cuộc sống sau khi đất nước hoà bình. Người lính được tới sống nơi phồn hoa đô thị, ở đó, người lính đã lãng quên mất người bạn là trăng.
Phần 3: Còn lại. Là phần gặp lại của người lính và trăng. Suy ngẫm của nhân vật trữ tình về trăng.
Phân tích nội dung bài thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy:
Quan hệ của tác giả với vầng trăng thuở nhỏ và thời lính:
- Vầng trăng gắn với tuổi thơ: đây là vầng trăng thể hiện sự đẹp đẽ, trong sáng và hồn nhiên của tuổi thơ.
- Vầng trăng gắn với người lính: là vầng trăng tri âm và tri kỉ.
- Tình cảm của vầng trăng và người lính dành cho nhau là tình cảm vẹn tròn đong đầy. Tình cảm ấy không bao giờ thay đổi.
- Tình cảm khi còn nhỏ dành cho trăng là tình cảm đẹp đẽ, hồn nhiên, ngây thơ và đầu trong trẻo. Khi ấy, trên khắp khung cảnh của bầu trời, trăng chiếu sáng tựa vòng tay dịu mát nâng trọn cảm xúc con người.
- Tình cảm của người lính với trăng, là tình cảm sẻ chia, tình cảm đồng hành và tri âm.
- Trăng là ánh sáng soi rõ đường đi, là người đồng chí cùng chung nhịp đấu tranh chống giặc với người lính. Là người chiếu sáng một khoảng rừng, mang đến vẻ đẹp vẻ vang thắng lợi cho người lính và cho đất nước.
- Sau chiến tranh, hoà bình lập lại, ánh trăng vẫn còn nơi đó, chỉ có lòng người đã đổi thay. Trở về với hoà bình, con người được sống với phồn hoa phố thị đã quên mất người bạn tri âm.
Vầng trăng xuất hiện:
- Do mất điện đột ngột, vầng trăng bỗng xuất hiện trước mắt người lính. Bao kỉ niệm bỗng ùa về.
- Trăng hiện lên là vẻ đẹp của tiếng tâm hồn khát khao chờ đợi. Là lời tâm tình người lính vẫn luôn khắc ghi; nhưng lại chợt bị cái phồn thị làm cho lãng quên mất.
Cảm xúc và suy ngẫm ngủ nhà thơ:
- Nhà thơ ùa về kỉ niệm của những ngày tuổi thơ với trăng.
- Nhớ về kỉ niệm cùng trăng đồng hành những ngày kháng chiến rừng thiêng nước độc.
- Nhớ về quá khứ có trăng làm bạn tri âm tri kỉ.
- Nhớ về quãng ngày có trăng đồng hành chia sẻ ngọt bùi.
- Tự trách vì đã lãng quên vầng trăng tri kỉ.
- Vầng trăng mang đến vẻ đẹp quê hương, mang đến cho con người sự khát khao mong nhớ, và yêu thương quê hương.
Mỗi chúng ta đều có cho mình một khát vọng. Đều có cho mình những sự mong đợi và cả những điều tâm hồn hằng mong muốn cất giữ. Cũng như người lính ở đây, trong lòng vẫn luôn hoài niệm về ánh trăng. Tuy nhiên trước sự thay đổi một bầu không khi cuộc sống mới, người lính lại trong giây phút tấp nập, náo nhiệt mà quên mất ánh trăng tri ân, để rồi trong lòng luôn cảm thấy áy náy và tự trách rất nhiều.
Trên đây là bài làm về đóng vai nhân vật người lính trong bài thơ “Ánh trăng” và kể lại chính bài thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy. Trên đây còn có thêm phần hướng dẫn soạn bài. Hy vọng sẽ giúp ích cho các bạn.
Xem thêm: Dàn ý văn thuyết minh về cây bút bi hay và ý nghĩa nhất
Ngữ Văn Lớp 9 -Dàn ý văn thuyết minh về cây bút bi hay và ý nghĩa nhất
Dàn ý tinh thần tự học đầy đủ có chọn lọc (Văn Lớp 9)
Bố cục và biện pháp nghệ thuật bài thơ Đoàn thuyền đánh cá
Đóng vai ông Hai kể lại truyện ngắn Làng – Kim Lân
Đóng vai bé Thu kể lại truyện ngắn Chiếc lược ngà Lớp 9
Tưởng tượng gặp gỡ và trò chuyện với người lính trong bài thơ Đồng chí
Đóng vai anh thanh niên kể lại truyện “Lặng lẽ Sa Pa” – Lớp 9