Nội dung và đặc sắc nghệ thuật của bài thơ Viếng lăng Bác
Nội dung, đặc sắc nghệ thuật bài thơ Viếng lăng Bác mà tác giả muốn gửi tới độc giả sẽ được nói tới trong bài viết này. Hãy cùng tìm hiểu nhé.
Thủ đô Hà Nội, nơi tọa lạc Lăng Bác, nơi yên nghỉ ngàn thu của vị Cha già Dân tộc kính yêu. Trong chương trình ngữ văn lớp 9, tác giả Viễn Phương đã mang đến cho độc giả một thi phẩm hay và xuất sắc về một lần ra thăm Lăng Bác của mình. Bài thơ là tiếng lòng xúc động, dạt dào cảm xúc yêu thương mà Viễn Phương muốn gửi đến vị Lãnh tụ kính yêu đang ngủ say. Hãy cùng cảm nhận những tinh tế, những tình cảm sâu sắc của tác giả qua: Nội dung, đặc sắc nghệ thuật của “Viếng lăng Bác”. Hy vọng bài gợi ý dưới đây của mình sẽ là nguồn tham khảo bổ ích tới các bạn.
Nội dung, nghệ thuật của bài thơ “Viếng lăng Bác”
Tác giả – Tác phẩm:
“Nhà thơ như con ong biến trăm hoa thành mật ngọt,
Một mật ngọt đòi vạn chuyến ong bay.”
(Chế Lan Viên)
Quả thật là vậy, Viễn Phương chính là chú ong du ngoạn khắp nơi, để rồi từ những chuyến bay ấy, chú góp nhặt vài trang thơ của mình những khúc hát tình cả bất tử. Mà trong đó, bài thơ “Viếng lăng Bác” chính là một trong những “hũ mật” tạo nên chất thơ, chất tình riêng biệt của Viễn Phương.
Tác giả:
Viễn Phương là bút danh của Nguyễn Thanh Viễn (1928-2005), là người con của miền Tây An Giang. Ông còn được bạn đọc biết đến với bút danh Đoàn Viễn. Ngoài sáng tác thơ, Viễn Phương còn là một cây bút văn xuôi. Ông được biết đến với vai trò là nhà thơ, song ông còn được biết đến là Đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông là nhà thơ tiêu biểu trưởng thành từ hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Nguyễn Thanh Viễn là cây bút góp mặt từ sớm trong nền văn học Việt Nam giai đoạn kháng chiến; và được nhiều người cho rằng là cây bút có mặt sớm nhất trong mặt trận văn học giải phóng miền Nam Việt Nam. Nhà văn Mai Văn Tạo đã nhận xét về thơ Viễn Phương: “Thơ Viễn Phương nền nã, thì thầm, man mác, bâng khuâng, day dứt, không gút mắt, cầu kỳ, kênh kiệu, khoa ngôn. Hình ảnh nào trong đời sống anh cũng tìm thấy chất thơ. Không đợi đến Tiếng tù và trong sương đêm, Hoa lục bình trôi man mác tím, bông lau bát ngát nắng chiều, hay Chòm xanh điên điển nhuộm vàng mặt nước… Một mái lá khô hanh trong rừng vắng, anh cũng đưa vào đấy cái thực, cái hư, rất thơ mà thực, rất thực mà thơ.” Quả thật lời nhận xét trên của nhà văn Mai Văn Tạo với phong cách thơ độc đáo của Viễn Phương là hoàn toàn chính xác. Với Viễn Phương, thơ ông là cái xào xạc nơi tâm hồn, dù chỉ là một vật tưởng chừng xa vời, nhỏ bé vào thơ ông cũng trở nên tuyệt diệu. Thơ Viễn Phương là một hồn thơ tràn đầy cảm xúc, có vui, có buồn, có tha thiết, có khắc sâu, nhưng sẽ không có bi luỵ. Hồn thơ ông cũng chính như tiếng nói chân thành của ông trong các tác phẩm, luôn dạt dào cảm xúc, luôn hiện thực và mang đến cho độc giả xen lẫn sự tự hào đến niềm vui, nỗi buồn. Ông là nhà thơ nổi bật giữa hiện thực của hai cuộc chiến tranh, nhưng thơ vẫn mang dòng chảy ngọt ngào với các tác phẩm tiêu biểu như: “Chiến thắng hoà bình”, “Mắt sáng học trò”, “Lòng mẹ”, “Đá hoa cương”, “Ngôi sao xanh”, “Gió lay hương quỳnh”,… đặc biệt ông được độc giả biết đến nhiều qua thi phẩm “Viếng lăng Bác”.
Tác phẩm:
“Thơ ca bắt rễ từ lòng người và nở hoa nơi từ ngữ” (Viên Mai). Quả thật là như vậy, tác phẩm “Viếng lăng Bác” chính là hạt m bắt rễ từ tấm lòng trân kính, dâng trọn một tình yêu cho Bác của Viễn Phương. Để rồi từ hạt mầm tình cảm ấy, tác phẩm ra đời là một bông hoa dâng tặng vị Cha già đang say giấc vĩnh hằng. “Viếng lăng Bác” được Viễn Phương sáng tác vào tháng 4/1976. Năm 1975, thắng lợi của cuộc cách mạng giải phóng miền Nam, sau khi thắng lợi được sự xâm lược của đế quốc Mỹ. Năm 1976 lăng Bác ở Thủ đô Hà Nội được hoàn thiện, và Viễn Phương là một trong số hàng vạn người con miền Nam ra Thủ đô viếng thăm Người Cha già làm nên đất nước bình yên. Chính trong lần viếng thăm lăng Bác này, khi bước vào, khi nhìn thấy vị lãnh tụ đang ngủ say, tâm hồn Viễn Phương bỗng thiết tha cuộn trào, và bài thơ “Viếng lăng Bác” được ra đời trong hoàn cảnh này. Bài thơ là tiếng nói chân thành của tâm hồn tác giả, tác giả vào lăng viếng Bác, nhìn hình ảnh Bác mà lòng dâng trào cảm xúc thân yêu, tôn kính. Cũng chính nhờ sự chân thành, tự nhiên đến trong sáng này, mà bài thơ ra đời, như tiếng hát cất cao đến muôn ngàn thế hệ về lòng yêu và kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bài thơ được in trong tập “Như mây mùa xuân” (1978), sau này bài thơ được phổ nhạc, trở thành khúc ca tình cảm thắm thiết trao gửi Bác và lưu giữ nơi con tim đồng bài Việt Nam.
Bố cục của bài thơ:
– Bố cục bài thơ được chia làm bốn phần, tựa theo bốn khổ thơ, với mỗi một khổ thơ lại mang một âm điệu khác nhau của tâm hồn thi sĩ muốn kính dâng đến Bác:
+ Phần 1: Khổ thơ đầu tiên:“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác/ […] /Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng.”: Đoạn này nói lên cảm xúc của tác giả trước cảnh lăng Bác. Ở đó, nhà thơ tự bộc bạch với Bác khi nhắc đến mình là người con miền Nam, theo sự thay đổi của vận mệnh đất nước, cuối cùng cũng được đặt chân tới Thủ đô thăm viếng di hài của Người. Tác giả khái quát về hàng tre trước lăng Bác, như nhấn mạnh về ý chí, về sự kiên định của con người Việt Nam. Hàng tre không sợ bão táp mưa sa, như con người Việt Nam kiên cường không sợ kẻ địch, một lòng gìn giữ, bảo vệ non sông đất nước. Hàng tre ấy, còn được hiểu như tấm lòng của những con dân Việt Nam, một lòng nhớ thương, một lòng trân trọng và bảo vệ Bác.
+ Phần 2: Khổ thơ thứ 2: “Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng/ […] / Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân…”. Đoạn này nói lên cảm xúc của nhà thơ, khi đang cùng đoàn người xếp hàng vào thăm lăng Bác. Ánh mặt trời tự nhiên chiếu rọi chân lý nơi lăng Bác, cũng giống như phản quang cho ánh sáng rạng ngời con người, tâm hồn và tài năng của Bác. Dẫu đã dừng lại tuổi xanh, lặng lẽ ngắm nhìn con dân, đất trời ở tuổi 79, song ở Bác vẫn luôn sáng tỏa những phẩm chất tốt đẹp, là tấm gương bao thế hệ noi theo. Đứng trước hàng dài người đang nườm nượp viếng Bác, tâm hồn nhà thơ không khỏi xốn xang. Dòng người viếng Bác, tay cầm hoa, những bông hoa an ủi, những bông hoa dâng tặng cho sự cống hiến sức mình vì độc lập dân tộc của Bác. Để giờ đây, khi đã say giấc, công lao ấy, đời đời vẫn khắc ghi.
+ Phần 3: Khổ thơ thứ 3: “Bác nằm trong giấc ngủ bình yên/ […] / Mà sao nghe nhói ở trong tim!” Đoạn này thể hiện cảm xúc của nhà thơ khi đặt chân chính thức vào lăng, khi đối diện với Bác đang say giấc. Ở phần này, tác giả khắc họa thêm một lần nữa về tài năng, về phẩm hạnh và những công lao to lớn, đời đời không quên của Bác dành cho dân tộc ta. Dẫu Bác đã lặng lẽ giấc ngủ ngàn thu, song những chiến công, những đóng góp to lớn của Bác vẫn khắc ghi, ngay cả trời xanh cũng chứng giám. Đặc biệt, phần này còn đặc tả hình ảnh của nhà thơ thương nhớ Bác. Nỗi yêu, kính, thương Bác của nhà thơ gói gọn trong câu cuối, để rồi khi bật lên, tất cả mọi người đều man mác buồn chung.
+ Phần 4: Khổ thơ cuối cùng: “Mai về miền Nam thương trào nước mắt/ […] / Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.”. Đoạn thơ này nói lên tình cảm, sự lưu luyến không nỡ rời xa của nhà thơ đối với Bác. Trong dòng chảy của thời gian, ngày mai lên đường về lại miền Nam; nhưng tâm hồn nhà thơ thì lại đang da diết lưu luyến hình ảnh Bác. Để rồi, tình cảm ấy vượt qua mọi xúc động, khi ông muốn ở lại, là tiếng chim, là đóa hoa, là hàng tre mua vui, bảo vệ yên ấm cho Bác. Đối với mỗi con người Việt Nam, tình cảm với Bác Hồ chính là tình cảm trong sáng nhất, đáng trân trọng nhất.
Về nội dung của bài thơ:
Hồ Chí Minh, ba tiếng ngân vang trong tâm hồn mỗi con người Việt Nam là lòng kính trọng, sự yêu thương. Hồ Chủ tịch, người với hai bàn tay trắng, lăn lội làm tất cả mọi công việc có thể kiếm ra tiền, sang các nước phương Tây, tìm hiểu các nước thực dân đế quốc xâm lược Việt Nam, với hy vọng hiểu rõ kẻ thù, tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc. Năm 1911 Người lên đường rời bến cảng Nhà Rồng với cái tên Nguyễn Tất Thành; năm 1941, người đặt chân trở về nước ở Pác Bó Cao Bằng sau 30 năm bôn ba tìm con đường cứu nước phù hợp, đúng đắn. Người gánh trên vai sứ mệnh giải phóng đất nước, gánh trên vai nhiệm vụ tìm lại ấm no cho dân tộc Việt Nam. Người là vị lãnh tụ, vị Cha già kính yêu của toàn thể đồng bào Việt Nam. Năm 1969, Người Cha già ấy ra đi mãi mãi, tuổi 79 Người đang mong chờ nhìn thấy miền Nam giải phóng. Người ra đi, để lại trong lòng đồng bào những nuối tiếc, những đau đớn, toàn dân tộc rơi lệ, ngày người ra đi, toàn dân tộc Việt Nam tràn đầy nỗi tiếc thương sâu sắc. Tác giả Tố Hữu đã bật thốt:
“Bác đã đi rồi sao, Bác ơi!
Mùa thu đang đẹp, nắng xanh trời
Miền Nam đang thắng mơ ngày hội
Rước Bác vào thăm, thấy Bác cười!”
(“Bác ơi”)
Thời điểm Bác ra đi, hàng vạn trái tim cùng chung nhịp đau thương, để rồi, các nhà thơ, nhà văn đã chắp bút viết nên những áng văn, những thi phẩm đưa viếng Bác. Trong đó, bài thơ “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương ra đời khi ông đến thăm lăng Bác, chính là một tác phẩm tiêu biểu; mà qua đó, ta thấy rõ từng chút, từng chút tình yêu thương Bác của toàn dân tộc Việt Nam. Bài thơ tiếng lòng của người con miền Nam lần đầu ra Thủ Đô thăm Bác. Từ cảm xúc mong ngóng, đến dạt dào mong được hoá kiếp chim, hoa, tre bên cạnh Bác trọn đời.
Năm 1976, khi đất nước vừa giải phóng hoàn toàn, không còn chia cắt hai miền Nam Bắc, đất nước đi lên xây dựng, khôi phục và phát triển. Cũng trong thời điểm này lăng Bác được khánh thành, và chào đón đồng bào tới viếng thăm vị Cha già kính yêu. Viễn Phương, cũng chính là một người con miền Nam, trong số hàng triệu người đang trên đường ra Thủ Đô thăm Bác. Bài thơ “Viếng lăng Bác” ra đời trong hoàn cảnh này. Bài thơ là tiếng lòng, là nỗi niềm kính trọng, là tình cảm chân thành nhất, bao la nhất của nhà thơ nói riêng và của toàn thể nhân dân nói chung dành đến Bác. Bài thơ cũng là sự ca ngợi tài năng, công lao của Bác dành cho dân tộc sẽ mãi mãi được ghi nhớ.
Bài thơ gồm có 4 khổ thơ. Với hai khổ thơ đầu tiên là khung cảnh trước lăng Bác. Hai khổ thơ này là tình cảm, là lòng tự hào của nhà thơ đối với Bác. Khổ thơ thứ 3, là cảnh vào lăng Bác, khi được thấy di hài Bác, nhà thơ không nén nỗi đau thương mà bộc lộ cảm xúc. Để rồi, qua những vần thơ nếu bật cảm xúc, cũng là tiếng lòng ngợi ca công ơn muôn đời của Bác đối với nước nhà. Khổ thơ kết thúc là tâm trạng không muốn rời xa, là tình cảm muốn được ở bên, muốn được làm dù chỉ là “con chim, bông hoa, thân tre” để có thể cạnh bên Bác. Để có thể dâng trọn tấm lòng thành kính đối với Bác.
Về nghệ thuật của bài thơ:
Bài thơ “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương chính là một sự thành công vang dội về nghệ thuật, về ngôn ngữ, về hình ảnh, về thể thơ, các biện pháp tu từ cùng với nhịp điệu, âm điệu xuyên suốt tác phẩm, tạo nên nét riêng không trùng lặp cho bài thơ.
- Bài thơ được viết theo thể thơ tự do. Với bốn khổ thơ, mỗi khổ gồm bốn câu thơ, mỗi câu thơ dao động từ bảy đến chín từ. Không phải ngẫu nhiên nhà thơ lại sử dụng thể thơ tự do; việc sử dụng thể thơ tự do chính là một cách độc đáo để tạo nên tình cảm tự nhiên nhất, chân thành nhất mà cũng là sâu sắc nhất của nhà thơ dành cho Bác. Với thể thơ tự do, không hạn định không quá ràng buộc về con chữ, câu từ, nhà thơ đã trọn vẹn sáng tạo một bức tâm thư dành dâng cho lòng kính trọng Bác, đồng thời cũng là thi phẩm nhằm vào thế hệ chúng ta, cần yêu thương, tôn trọng và nhớ ơn lao to lớn của Bác với dân tộc.
- Nhịp điệu bài thơ, được tác sử dụng nhịp điệu nhẹ nhàng, chậm rãi, không vội vàng. Những cũng chính nhịp điệu này góp phần tạo nên sự thu hút của bài thơ. Nhịp thơ mang vẻ man mác buồn ở khổ thơ đầu tiên, sau đó liên tục được tác giả sử dụng các từ chỉ cảm xúc, cảm thán để nâng cao dần trạng thái nhịp điệu qua các khổ. Khổ một, mở đầu với câu thơ: “Con ở miền Nam ra thăm Bác” câu thơ mở ra như giọng điệu tâm tình, như lời thơ dịu nhẹ êm đềm của tác giả đối với Bác. Song, đến câu thơ mở đầu khổ thơ thứ tư: “Mai về miền Nam thương trào nước mắt.” Không còn là nhịp điệu dịu nhẹ, không còn là sự tâm tình nữa, mà thay vào đó là tiếng nói tâm tình, tiếng nói khát khao được mong nhớ, được thương tiếc cho hình ảnh vị Cha già dân tộc. Để rồi, qua cách sử dụng nhịp điệu tăng tiến này, tác giả từng bước, từng bước đưa người đọc vào sâu thế giới thi ca ông, ở đó hoà cùng sự thương tiếc của ông với sự ra đi vĩnh viễn của Bác.
- Giọng thơ mang đậm bản chất của con người miền Nam, đặc biệt là miền Nam Bộ của tác giả. Sinh ra và lớn lên ở An Giang, nơi con người giàu lòng nhân hậu, son sắc; lại trải qua hai cuộc kháng chiến trường kì chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã khiến cho Viễn Phương mang trong mình sâu sắc sự chân chất, thật thà. Và tính cách ấy của ông cũng được thể hiện rõ ràng qua bài thơ. Ông dùng sự chân thành nhất, tự nhiên nhất, chất giọng trong sáng chất, đằm thắm nhất để nói về tình yêu dành cho Bác. Dùng sự thật thà nhất để nói về công lao to lớn của Bác. Và dùng cả trái tim để viết lên những cảm xúc dạt dào không thôi với Bác Hồ kính yêu. Tình cảm ấy không phải chỉ của riêng tác giả, mà còn là tình cảm của toàn thể người dân Nam Bộ, toàn thể đồng bào miền Nam và toàn thể dân tộc Việt Nam dành cho Bác.
- Biện pháp tu từ điệp ngữ: “muốn làm” ở ba câu thơ kết thúc, như muốn nhấn mạnh nỗi lòng muốn được gắn bó, muốn được thuỷ chung, muốn được son sắc gần kề Bác, dù chỉ mang hình hài của các sự vật nhưng đó cũng là mong muốn của nhà thơ.
- Bài thơ còn là sự kết hợp nhuần nhuyễn các nghệ thuật: ẩn dụ, so sánh, nhân hoá. Để từ những biện pháp nghệ thuật ấy, bài thơ hiện lên giàu chất gợi hình, gợi tả. Và được khắc họa một cách chân thực nhất, sinh động nhất. Ẩn dụ “mặt trời”, “mặt trăng” để nói về công ơn to lớn của Bác đối với đất nước. Qua hai hình ảnh ẩn dụ, ta có thể nhận ra Bác luôn dõi theo và luôn mong nhớ dân tộc. Mỗi nỗi như ta nhớ Bác.
- Ngôn ngữ thơ giản dị, chân chất mộc mạc cũng là một thành công cho bài thơ. Với ngôn ngữ dễ hiểu, bài thơ ghi sâu vào lòng người đọc với những cảm xúc thật nhất, mà cũng buồn nhất.
Như vậy, “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương là một bài thơ hoàn hảo cả về nội dung và nghệ thuật. Là bài thơ tạo nên dấu triện riêng cho tác giả.
Trên đây là bài mẫu về nội dung và nghệ thuật trong “Viếng lăng Bác”. Hy vọng sẽ giúp ích cho quá trình làm bài của các bạn.
Xem thêm: Dàn ý thuyết minh về cái phích nước (bình thủy) Văn lớp 8,9
Ngữ Văn Lớp 9 -Dàn ý thuyết minh về cái phích nước (bình thủy) Văn lớp 8,9
Đóng vai ông Sáu kể lại chuyện Chiếc lược ngà cực cảm động
Phân tích nguyên nhân và ý nghĩa cái chết của Vũ Nương (Lớp 9)
Dàn ý bài thuyết minh về cái kéo hay và đầy đủ nhất (Lớp 9)
Đóng vai người lính trong bài thơ Ánh trăng và phân tích
Dàn ý văn thuyết minh về cây bút bi hay và ý nghĩa nhất
Dàn ý tinh thần tự học đầy đủ có chọn lọc (Văn Lớp 9)