Đóng vai người cháu kể lại bài thơ Bếp lửa (Văn lớp 9)
Đóng vai người cháu kể lại bài thơ Bếp lửa hay và ý nghĩa nhất qua những lời văn giàu cảm xúc của những giáo viên giỏi nhất.
Trong chương trình Ngữ văn lớp 9. Bạn đọc được biết đến tác phẩm “Viếng lăng Bác” với hồn thơ tha thiết xót thương và khát khao được gần bên Bác của Viễn Phương; được biết đến khung cảnh đánh cá của người ngư dân qua bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận,… và đặc sắc hơn ta được biết đến một bếp lửa yêu thương, một bếp lửa nồng đượm vất vả và bếp lửa tình yêu thương bà dành cho cháu cũng như tình cảm nhớ mong cháu dành cho bà trong “Bếp lửa” của Bằng Việt. Vậy nếu bài thơ thay đổi, để trở thành lời kể, tự bộc lộ của cháu qua văn xuôi sẽ như thế nào? Hãy cùng đón đọc bài tham khảo về: Đóng vai nhân vật người cháu trong bài thơ “Bếp lửa” để kể lại tình cảm gắn bó bên bếp lửa với bà… của chúng mình ở dưới đây nhé. Hy vọng bài làm của chúng mình sẽ là nguồn tham khảo bổ ích đến các bạn.
Đóng vai người cháu trong tác phẩm, từ đó kể lại bài thơ “Bếp lửa” của Bằng Việt
Bài làm mẫu số 1:
“Lửa cháy rồi.
Gọi anh về quê cũ.”
(Trần Thạch Linh)
Mỗi độ cái lạnh ập đến, ngang qua những lò sưởi bằng củi tại Liên Xô băng gia ngập tràn tuyết phủ, lòng tôi lại nao nao nhớ về hồi ức tuổi thơ bên bà. Bếp lửa nơi quê người hiện lên, có ấm áp xua tan cái lạnh, nhưng bếp lửa ấy lại không tài nào nguôi ngoai nỗi nhớ bà của tôi. Bếp lửa hiện lên ấm áp, trái tim tôi thổn thức, tâm hồn tôi như phiêu dạt về với chốn quê nơi có hình ảnh thơ ấu cha mẹ vắng nhà tôi ở cùng bà. Tôi nhớ về bà. Về những kỉ niệm khó lòng nào quên.
Quãng thời gian thơ ấu của tôi gắn liền với bà, chiến tranh xảy ra, đất nước lầm than, trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 đâu đâu cũng là người nghèo, đâu đâu cũng thấy cái nghèo, cái đói đang hành hạ con người. Cha mẹ tôi đều vắng nhà, họ đang đi trên con đường lí tưởng, con đường xây dựng và bảo vệ đất nước. Vậy nên, bà chính là nguồn động lực thơ ấu của tôi. Bà chăm tôi từ khi còn bé, luôn săn sóc, luôn quan tâm và hết mực bảo vệ tôi. Nhìn thấy ánh lửa nơi đất khách này, lòng tôi không thể nào quên được hình ảnh “một nắng hai sương” vất vả khổ cực nuôi tôi khôn lớn của bà.
Tuổi thơ tôi gắn với cái bếp lửa chờn vơn sáng vào buổi sớm mai, nắng còn chưa lên hết, gà chỉ vừa gáy “ò ó o o” nhưng bà đã dậy, tay bà đã lem luốc một chút than chỉ để thắp lên ngọn lửa. Ngọn lửa ấy mang đến cho tôi sự ấm áp, mang đến cho tôi tình thương và cảm giác được bà bao bọc chở che. Bếp lửa ấy thể hiện phẩm hạnh của người phụ nữ Việt Nam, cần cù, siêng năng và luôn chăm chút từng li từng tí cho gia đình. Năm 1945, khi đó tôi chỉ tròn bốn tuổi, nhưng hơi khói bếp đã trở nên quen thuộc với tôi. Nạn đói, hoành hành, cha mẹ vắng nhà, bà tần tảo sớm hôm nuôi tôi, giờ nghĩ lại, sống mũi tôi vẫn còn cay cay.
Lên tám tuổi, tôi và bà vẫn gắn bó, đất nước cần cha mẹ, cha mẹ không bên cạnh, nhưng tôi luôn hiểu họ cũng rất mong nhớ và thương tôi. Bên bà tám năm, tôi, có rất nhiều kỉ niệm, rất nhiều tình cảm yêu thương với bà; để giờ đây dù cách xa, lòng tôi vẫn mong nhớ nhung về bà. Tôi nhớ bà, nhớ luôn cả quê hương. Hè về, trưa nắng phủ đầu, tiếng tu hú vẫn vang vọng. Tôi nằm nghe bà kể chuyện ở Huế. Tiếng bà giữa trưa nắng, nhưng không hề chói chang, tiếng kể chuyện của bà nhẹ nhàng, êm ả, mà tôi lặng ngủ quên khi nào chẳng hay. Cha mẹ đi chống Pháp, bà một tay nuôi nấng tôi học con chữ, bà nuôi tôi qua từng bữa cơm rau đạm bạc. Tất cả kí ức ùa về trong lòng tôi, như hiện giờ tôi đang trở về quãng thời gian ấy; khi đó, bà và tôi bên nhau, có khổ cùng chia, có vui cùng hưởng.
Tôi có rất nhiều kỉ niệm thơ ấu khó quên bên bà, song kỉ niệm khiến tôi mỗi lần nhớ lại, lại thấy rưng rưng nước mắt là kỉ niệm bà lo lắng cho ngay cả cha mẹ nơi xa. Năm đó, giặc đốt làng, nhà cháy rụi chẳng còn lại gì, hàng xóm xung quanh phải đỡ đần giúp đỡ bà và tôi dừng lại một túp lều nhỏ. Ấm tình nghĩa xóm; nhưng càng ấm áp hơn tình người mẹ người bà thương con cháu. Bà trong lúc lầm lũi của nhà mất, vẫn không quên dặn dò tôi không được nhắc chuyện này trong thư với cha mẹ. Bà sợ họ sẽ lo lắng. Ngày đó tôi ngây ngô, mà vâng dạ, bây giờ nghĩ lại bà thật cao cả. Tình cảm bà dày cho con cháu là tình cảm to lớn và bền chặt, như dòng nước cuồn cuộn không ngừng chảy.
Dẫu qua bao năm tháng, nhưng mỗi lần nhìn thấy bếp lửa, lòng tôi lại nhớ tới bà, nhớ tới ngọn lửa bà nhen lên từ tình yêu thương, nhớ đến ngọn lửa bà thắp lên niềm tin hy vọng; nhớ đến ngọn lửa từng ngày thơ ấu bà nuôi tôi khôn lớn. Ngọn lửa ấy nhóm lên ngọt bùi của khoai sắn, là nhóm lên bữa ăn no ấm của tôi và bà. Ngọn lửa ấy nhóm lên tình nghĩa sẻ chia cùng xóm giềng; ngọn lửa ấy nhóm lên những thổn thức trong tâm hồn người con xa quê là tôi. Dẫu giờ đây, không còn cực khổ năm xưa, không còn ngày ngày ngồi bên bếp lửa chính ta bà nhóm; song bếp lửa của bà nhen lên với tôi luôn là bếp lửa rực sáng nhất, yêu thương mà mang đến cho tôi nhiều niềm tin, hy vọng nhất. Bởi có bếp lửa, lòng tôi có bà, nhớ bếp lửa, lòng tôi nhớ bà. Bếp lửa như sức mạnh kỳ diệu mang tình yêu thiêng liêng cao cả của tôi dành tặng bà.
Trải qua những tháng ngày khổ cực, rời xa những tháng ngày bên bà. Giờ đây, tôi đang ở một nơi xa, có “khói”, có “lửa”, nhưng vẫn chưa bao giờ quên kỉ niệm bên bà. Chưa bao giờ ngừng tự hỏi: “Sáng mai này bà nhóm bếp lên chưa?” Bếp lửa của bà không đơn thuần là bếp lửa của rơm rạ, cành củi; bếp lửa của bà là bếp lửa lưu giữ niềm tin, lưu giữ truyền thống dân tộc. Bếp lửa bà nhen nhóm, là bếp lửa tình yêu thương con cháu; là bếp lửa thắp sáng tương lai tôi. Bếp lửa chập chờn vờn sương vờn nắng ấy, chính là động lực, là nguồn thôi thúc tôi cố gắng học tập nên người. Bởi bao năm qua bà vất vả, cực nhọc chỉ để mong tôi khôn lớn thành người.
Bài mẫu số 2:
Giữa cái lạnh giá của những bông tuyết. Giữa nền trời âm u cùng nền đất trắng xóa của tuyết, tôi len bước nhanh vào căn nhà. Cởi áo khoác gió, lại bên lò sưởi để bỏ củi đốt lửa sưởi ấm, lòng tôi bỗng mơ màng. Tôi như lạc vào thời thơ ấu, như nhìn thấy bà đang ôm tôi vào lòng ngồi trước bếp củi. Hương ra còn thoang thoảng cái mùi lúa, tôi ngồi trong lòng bà, nhẹ nhàng, êm ấm đến ngủ quên đi.
Tôi nhớ bếp lửa thân thương của bà tôi, bếp lửa ấy luôn cháy từ rất sớm. Khi mà nắng chỉ vừa le lói một chút trong không khí, khi mà chú gà trống chỉ vừa cất tiếng “ò ó o o”, đã nhìn thấy bóng dáng bà dập dờn bên vách nhà – bếp lửa đã rực cháy. Bếp lửa sáng sớm, cháy lên mùi rơm rạ, cháy lên tình yêu thương, cháy lên cảm xúc nồng đượm, hạnh phúc, chở che bà dành cho cháu. Bếp lửa ấy, là bếp lửa “một nắng hai sương” thân bà gầy gò, nhưng bếp lửa ấy lại cũng luôn đủ đầy tình cảm bà dành cho cháu. Bếp lửa ấy hiện lên, hiện lên cả hình ảnh người bà cần cù sớm khuya, hiện lên hình ảnh bà vất vả nuôi cháu lớn khôn.
Năm tôi lên bốn, cái tuổi mà bây giờ, các bạn nhỏ đang được cha mẹ vỗ về, cái tuổi mà đang còn ngây ngô vui đùa. Khi đó tôi đã quen với mùi khói, và đã quen với việc sáng tối bên bà bầu bạn sẻ chia. Tôi không than trách. Bởi tôi khác các bạn nhỏ bây giờ. Tôi sinh ra, lớn lên trong thời điểm đất nước muôn vàn khó khăn, thù trong giặc ngoài, đất nước ngàn cân treo sợi tóc. Ba mẹ tôi đều vắng nhà, họ đang lo cho đất nước, đang lo cho muôn dân, và lo cho miếng cơm manh áo gia đình. Nên tôi sống cùng bà từ bé. Năm ấy, nạn đói tràn lan khắp xóm làng, khắp miền Bắc đất nước. Người người nhà nhà đâu đâu cũng chìm trong cái đói, cái nghèo hoành hành. Có nhiều nơi, thời điểm đó người chết vì cái đói như ngả rạ. Tôi sống cùng với bà, bà tần tảo nuôi tôi từng ngày khôn lớn, bà lam lũ, khó nhọc tất cả chỉ mong tôi khôn lớn thành người. Để giờ đây, ở một nơi xa nhớ về mẹ, sống mũi tôi vẫn còn cau cay.
Năm tôi lên tám tuổi, đây cũng là quãng thời gian bố mẹ tôi quyết định theo lí tưởng cách mạnh để bảo vệ đất nước, bảo vệ dân tộc, bảo vệ những người họ yêu thương. Tám năm ròng, tôi cùng bà sống, có vui có buồn, và có những kỉ niệm khó quên bên bà. Tôi nhớ về tiếng tu hú đang kêu gọi hè về, tôi nhớ đến cái mùi rơm rạ thoang thoảng trong không khí, tôi nhớ đến vất cả đời bà, và nhớ cả những suy nghĩ cao đẹp của bà. Tôi thường hay thủ thỉ tâm tình cùng bà. Đó là một trưa hè oi ả, tôi nằm trong lòng bà, tay bà phe phẩy chiếc quạt, tay bà nhẹ vỗ về tôi. Bà kể tôi nghe về những ngày ở Huế, tiếng tu hú xen lẫn tiếng êm ả tâm tình của bà. Tôi lắng nghe hăng say, nhưng giọng nói êm dịu nhẹ nhàng của bà lại ru tôi giấc ngủ khi nào không hay. Tôi nhớ về ngày tháng bên bà, bao bạn bè khác được cha mẹ anh chị dạy bảo, song tôi luôn vui vẻ và tự hào khi tôi được bà bảo ban con chữ. Bà nhóm lửa, nhóm lên tình yêu thương chăm sóc, nhóm lên trong tôi tương lai, và nhóm cả hành trình phía trước của tôi. Nhớ bếp lửa, lòng tôi nhớ thương bà, nhớ thương sự khó nhọc, nhớ thương sự tảo tần bao ngày của bà. Bởi tôi biết, sức bà đã yếu, bụi khói nơi bếp lửa đâu tốt cho người già, nhưng vì thương tôi, bà vẫn thức khuya, vẫn dậy sớm nhen nhóm tình yêu thương.
Giờ đây, dẫu đã qua bao nhiêu năm tháng, nhưng tôi vẫn nhớ như in tấm lòng, và từng câu từng chữ bà dặn dò tôi ngày đó. Năm ấy, quân giặc đến thiêu rụi cả làng tôi, xóm làng xung quanh ai nấy bước ra, trở về cũng đều lầm lũi, lem luốc. Nhà tôi cháy, hàng xóm xung quanh phụ giúp bà dựng lại một túp lều tranh. Bởi họ biết, một đứa nhóc như tôi chưa thể giúp được gì, nếu để mình bà sẽ chẳng thể dựng lại lều tránh nắng tránh mưa được. Túp lều được dựng lại, mọi người tản đi lo liệu công việc cho nhà mình, bà mới lại gần bên tôi thủ thỉ dặn dò: “Bố ở chiến khu còn việc bố, cháu nhớ đừng nhắc chuyện nhà, cứ bảo hai bà cháu ta vẫn bình yên”, ngày đó tôi thơ ngây mà gật đầu, trong thư tôi nói y chang lời bà. Sau này khôn lớn, tôi mới hiểu, bà lo cho con. Trước sự sống chết vừa qua đi, người ta thường lo lắng muốn kể lể tâm tình với người khác, muốn được người khác quan tâm, đặc biệt là thành viên trong gia đình. Nhưng bà lại nghĩ cao cả hơn. Cái khó, cái nhọc, cái chết đã qua đi, giờ đây còn có xóm làng. Con ở chiến khu, lo cho dân, cho nước, nếu còn lo cho gia đình thì lấy đâu hơi sức chiến đấu. Bà lo cho con một tình cảm người mẹ cao cả. Dẫu bản thân gặp khó khăn, vẫn mong con yên lòng chiến đấu. Bởi thứ con đang gánh, còn nặng hơn mẹ nhiều. Tôi thấu hiểu lời bà nói, tôi càng trân trọng, càng nhớ thương bà hơn. Tôi nhớ về cái bếp lửa, ở nơi đó bà và tôi gắn bó. Tôi nhớ từng kỉ niệm, ở nơi đó tôi và bà không quên. Tôi nhớ bếp lửa bà nhen lên, bếp lửa sáng của tình cảm yêu thương con cháu, bếp lửa sáng của tương lai hy vọng, bếp lửa cháu lên tình yêu bà dành cho con cháu. Và cũng là bếp lửa nhen lên trong lòng cháu tình yêu, tình thương bà sâu sắc.
Bà khó nhọc bao đêm, bao ngày, bà vất vả bao tháng bao năm. Chỉ mong có thể thấy cháu khôn lớn trưởng thành nên người. Mỗi bếp lửa bà nhen lên, đều là những bếp lửa của tình yêu thương, đều là bếp lửa ấm ủ thao thức tấm lòng bà, đều là bếp lửa lam lũ nà nhen lên với hy vọng cháu sẽ không cực khổ, không buồn tuổi. Bếp lửa bà nhen lên, đưa cháu đến hạnh phúc ấm no. Bếp lửa bà nhen lên cho cháu khoai sắn ngọt bùi, bếp lửa bà nhen lên, nhen lên cả tình làng nghĩa xóm, nhen lên cả khoảng trời ấu thơ.
Giờ đây cháu ở nơi xa, có khói có lửa trăm ngã, nhưng vẫn không bao giờ ngừng quên, ngưng nhắc nhở về bếp lửa lam lũ, mà đong đầy thương yêu của bà.
Trên đây là hai bài mẫu về đề bài: Đóng vai người cháu kể lại bài thơ “Bếp lửa” của Bằng Việt. “Bếp lửa” là một trong những tác phẩm tiêu biểu thể hiện tình yêu thương gia đình, người thân. Hy vọng bài làm của chúng mình sẽ hữu ích với các bạn. Chúc các bạn thành công.
Xem thêm: Nội dung và đặc sắc nghệ thuật của bài thơ Viếng lăng Bác
Ngữ Văn Lớp 9 -Nội dung và đặc sắc nghệ thuật của bài thơ Viếng lăng Bác
Dàn ý thuyết minh về cái phích nước (bình thủy) Văn lớp 8,9
Đóng vai ông Sáu kể lại chuyện Chiếc lược ngà cực cảm động
Phân tích nguyên nhân và ý nghĩa cái chết của Vũ Nương (Lớp 9)
Dàn ý bài thuyết minh về cái kéo hay và đầy đủ nhất (Lớp 9)
Đóng vai người lính trong bài thơ Ánh trăng và phân tích
Dàn ý văn thuyết minh về cây bút bi hay và ý nghĩa nhất