Phân tích khổ cuối bài thơ Tràng Giang cực chi tiết

Phân tích khổ cuối bài thơ Tràng Giang để có thể nắm được những giá trị nội dung trong khổ cuối bài thơ Tràng Giang.

Trong chương trình Ngữ văn lớp 11, bài thơ “Tràng Giang” của Huy Cận hiện lên như một tác phẩm sâu sắc về nỗi buồn da diết và mong nhớ quê hương sâu sắc của tác giả. Mỗi người đều có cho mình một vẻ đẹp quê hương, một nỗi mong nhớ quê hương riêng. Và với Huy Cận, nỗi nhớ ấy mênh mang, dạt dào, và là nỗi nhớ riêng chỉ có nơi ông. Hãy cùng cảm nhận phong cách riêng hồn thơ Huy Cận, cảm nhận tình yêu quê hương của ông qua việc phân tích khổ thơ cuối bài thơ “Tràng Giang” nhé.

Phân tích khổ cuối bài thơ Tràng Giang cực chi tiết

Phân tích khổ cuối bài thơ Tràng Giang

Phân tích khổ thơ cuối bài thơ “Tràng Giang”

Bài mẫu số 1:

“Thơ ca là sự phản ánh con người và thời đại một cách cao đẹp” (Sóng Hồng). Quả thật, thơ ca bao giờ cũng là tiếng nói tâm hồn của người thi sĩ, để rồi từ tiếng nói tâm hồn ấy, thi sĩ tạo nên một kiệt tác phản ánh về “con người và thời đại” một cách tuyệt mỹ nhất. Thơ là tiếng tâm hồn tri âm tri kỉ của tác giả, qua những lượm nhặt ở mảnh đất cuộc đời, người nghệ sĩ chắt chiu từng con chữ như hạt vàng để ghép nối tạo nên một bài thơ lấp lánh như viên kim cương dưới ánh sáng chiếu rọi của mặt trời. Trong dòng chảy của văn học nói riêng và thời đại nói chung, bài thơ “Tràng Giang” ra đời là nỗi niềm nhớ nhung quê hương sâu sắc, mãnh liệt, luôn da diết thường trực của Huy Cận. Đặc biệt, khổ thơ cuối cùng cất lên chính là tiếng lòng chân thực nhất của nhân vật trữ tình, ở đó nỗi nhớ quê luôn luôn cháy bỏng trong tâm trí thi nhân.

“Nhà thơ như con ong biến trăm hoa thành mật ngọt,

Một mật ngọt đòi vạn chuyến ong bay.”

(Chế Lan Viên)

Huy Cận (1919-2005) chính là con ong chăm chỉ ấy, qua những chuyến đi, qua những trải nghiệm riêng biệt của mình, ông đã đem đến cho kho tàng văn học Việt Nam thật nhiều “mật ngọt”. Huy Cận là bút danh của Cù Huy Cận. Huy Cận sinh ra tại mảnh đất hào kiệt Hà Tĩnh. Ông vừa là một nhà thơ, vừa là một chính khách. Ông là nhà thơ tiêu biểu trong phong trào Thơ mới, là nhà thơ thiên về sáng tác trữ tình. Phong cách thơ Huy Cận thay đổi theo hai giai đoạn trước Cách Mạng tháng Tám và sau Cách Mạng tháng Tám năm 1945. Trước Cách Mạng tháng Tám năm 1945 thơ Huy Cận mang vẻ sầu ảo não, buồn thương triền miên da diết. Nhưng sau Cách Mạng tháng Tám năm 1945, thơ ông dường như đã lột xác hoàn toàn, không còn đau buồn, mà thay vào đó là sự mới lạ, mới mẻ và tràn đầy sức sống tươi vui. Các tác phẩm của ông đều bám sát vào hiện thực đời sống, với các tác phẩm nổi tiếng như: trước Cách Mạng tháng Tám có: tập “Lửa thiêng” – thiên nhiên trong tập thơ mang vẻ đẹp sầu ảo não; sau Cách Mạng tháng Tám có: “Đất nở hoa”, “Trời mỗi ngày lại sáng”, “Hai bàn tay em”,… Bài thơ “Tràng Giang” sáng tác năm 1939, là tác phẩm tiêu biểu cho hồn thơ Huy Cận trước Cách mạng tháng Tám. Bài thơ là nỗi lòng của tác giả xa quê, một lòng mong nhớ về quê hương, một nỗi nhớ da diết khôn nguôi.

“Thích một bài thơ trước hết là thích một cách nhìn, một cách nghĩ, một cách xúc cảm, một cách nói, nghĩa là trước hết thích tâm hồn của một con người” (Hoài Thanh). Thật vậy, thích một bài thơ, đầu tiên là thích thú trước cái nhìn khác lạ của người sáng tác, sau đó mới nhìn nhận tới vấn đề cảm xúc và những tiếng nói được nhà thơ truyền đạt đến. Nghĩa là thích một bài thơ, là thích một tâm hồn đồng điệu và đa cảm. Bài thơ “Tràng Giang” được nhiều người yêu thích và chú ý đến, tất cả là nhờ vào tiếng tâm hồn đang buồn triền miên mag cũng dạt dào tâm thức nhớ về quê hương đất nước của thi nhân. Bài thơ là tiếng tâm hồn xa quê, đứng trước dòng chảy khác, tâm hồn bỗng chợt ùa về nỗi nhớ quê chân thực đến mông lung ảo não. Chính vì sự chân thành cùng chân thực đến tuyệt đối trong bài thơ, mà tác phẩm trở thành tiếng nói tri âm với nhiều người. Qua bài thơ, tác giả sử dụng các biện pháp tu từ, sử dụng các phép đối, nghệ thuật biểu cảm, nhịp thơ và thể thơ cũng chính là sự sâu sắc và độc đáo tạo nên ấn tượng muôn đời cho tác phẩm. Khổ thơ cuối vang vọng sầu não nỗi nhớ triền miên, bâng khuâng mà da diết của tác giả, nỗi nhớ ấy khép lại bài thơ, nhưng lại là mở ra trong lòng bao người cảm xúc dạt dào.

“Thơ là rượu của thế gian” (Huy Trực). Quả thật là như vậy, như một bầu rượu giải sầu, như một bầu rượu giải bày tâm tư, như một bầu rượu tâm sự trải đời, như một bầu rượu gợi nhớ xa xăm,… Nếu ở ba khổ thơ trên của “Tràng Giang”, tác giả tập trung vào miêu tả cảnh thiên nhiên man mác nỗi buồn xa xăm, thì khổ thơ cuối mở ra lại chính là bầu rượu giải này tâm can tác giả. Ở khổ thơ cuối, tác giả nói lên vẻ đẹp sâu sắc của thiên nhiên, là vẻ đẹp sâu sắc của lòng người đang trào dâng cảm xúc. Ba khổ thơ trên là sự mời gọi độc giả bước vào thế giới tâm hồn mong nhớ quê hương của Huy Cận, khổ thơ cuối cùng lại chính là sự khắc họa thật rõ nét cho vẻ đẹp đượm buồn của tâm hồn nhân vật trữ tình:

“Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,

Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa.

Lòng quê dợn dợn vời con nước

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.”

Khổ thơ cuối nói riêng và cả bài thơ nói chung, là vẻ đẹp thiên nhiên, mà qua đó, tác giả khắc sâu vào tâm hồn người đọc nỗi nhớ quê nhà và xa hơn là nỗi khát vọng quê hương ngay khi đứng giữa quê hương. Bởi quê hương giờ đã không còn như xưa. Đất nước giờ đã không thái bình. Tiếng nói nhớ quê hương, đau đáu một lòng với quê hương cũng là tiếng tâm trạng chung của nhiều thi sĩ thời bấy giờ.

“Thơ là thơ, đồng thời là nhạc là họa là chạm khắc theo một cách riêng” (Sóng Hồng). Từ bao đời nay, thơ cất lên từ tâm hồn của thi sĩ đã không chỉ mang vẻ đẹp nguyên bản của thơ nữa, mà nó còn là vẻ đẹp của nhịp điệu âm vang trong “nhạc”, là vẻ đẹp khắc tạc trong lòng người đọc qua “hoạ”, là tấm lòng cùng tài năng xuất chúng của “riêng” mỗi một thi nhân. Hai câu thơ mở đầu khổ thơ cuối bài thơ “Tràng Giang” chính là cái nhạc, cái hoạ và cái chạm khắc riêng biệt của Huy Cận đối với quê hương:

“Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,

Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa.”

Mở đầu cho thiên nhiên hùng vĩ ấy, tác giả sử dụng từ láy “lớp lớp”, không phải ngẫu nhiên tác giả sử dụng từ láy “lớp lớp” mà không phải từ khác như “tầng tầng”. Bởi “lớp lớp” ở đây là sự sắp xếp từng lần, từng lần chất chồng lên nhau để tạo nên sắc đẹp của mây như một ngọn núi bạc khổng lồ. Là vẻ đẹp, từng lớp, từng lớp đan xen, tạo nên sự vững chắc tuyệt đối. Không chỉ vậy, việc sử dụng động từ “đùn” tác giả như đang nhân hoá vẻ đẹp cùng sức sống mãnh liệt căng tràn của mây. Không phải là mây chậm chậm, không phải mây nhanh nhẹn kéo đến mà là động từ mạnh “đùn” như sự khắc tạc của một sức mạnh của một sự căng tràn của tác giả đối với vẻ đẹp thiên nhiên là “mây”. Động từ “đùn” như một sự chuyển động bứt phá ra bên ngoài của mây, để mây như có sự sống, có tâm hồn. Đồng thời, việc tác giả sử dụng động từ mạnh để như gợi lên sự hoạt động không ngừng nghỉ của mây, cũng chính là nét hiện đại, nét mới mẻ, khác lạ trong thơ ông. Cả câu thơ như một khung cảnh mông lung nhưng lại rõ nét đặc sắc về hình tượng thiên nhiên hùng vĩ. Từng lớp, từng lớp mây xen kẽ với nhau tạo nên một dãy núi đồ sộ, mà dãy núi ấy không mang màu đen thẳm khẳng khiu, không mang màu xanh, mà là một “núi bạc”. Mây sau nhưng lần “đùn” chuyển động, đã tạo nên một vẻ đẹp vừa oai hùng, vừa thơ mộng của thiên nhiên.

Và trước thiên nhiên hùng hồn ấy, xuất hiện một cánh chim tìm về bến đỗ. Cánh chim xuất hiện như một sự điểm xuyết cho vẻ đẹp, thiên nhiên, nhưng lại cũng như tượng trưng cho chính tâm hồn đang dào dạt chao liệng nhớ mong quê nhà, quê hương của nhân vật trữ tình. Hình ảnh “chim nghiêng cánh nhỏ” như thực tả khung cảnh chú chim nhỏ vượt qua từng “lớp lớp mây”, vượt qua cả “bóng chiều sa” đang dần buông xuống để có thể tìm đường trú ngụ, trước khi bóng tối hoàn toàn che khuất. Giờ đây, dưới ánh nắng còn chiếu vào từng “núi bạc”, cánh chim nhanh chóng, không ngừng nghĩ tìm chốn trú thân. “Bóng chiều sa” đang dần bủa vây, như bủa vây cánh chim. Song cánh chim ấy nhỏ bé giữa không gian, cũng tạo cho con người ta sự cô đơn, trống vắng. Tâm hồn nhà thơ khi nhìn thấy cánh chim chao liệng giữa trời bao la, giữa khung cảnh chiều tà đang bao trùm, càng làm cho nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương của tác giả khắc khoải không thôi. Cánh chim nhỏ bé bay lượn tìm bến bờ ấy, cũng như tấm lòng tác giả đang thao thức chao luyện nhớ về quê hương. Giữa bao la rộng lớn, tác giả bỗng thấy trống vắng, bỗng thấy cô đơn, và bâng khuâng không dứt nỗi nhớ quê nhà. Trong “Qua đèo Ngang” Bà Huyện Thanh Quan cũng mang nỗi nhớ quê hương như vậy:

“Bước tới đèo Ngang bóng xế tà

Cảnh vật chen đá lá chen hoa.”

Giữa không gian chiều ta, dừng chân nghỉ ngơi, mà lòng bà không thể nào nguôi ngoai tâm trạng nhớ quê nhà. Chìm đắm cùng với bóng chiều buông, lòng bà như lẻ loi, hiu quạnh giữa bao la rộng lớn của cảnh vật nơi đây. Cũng như tâm trạng dạt dào của Huy Cận, trước mênh mông trời cao, lòng nào yên ả. Quả thật đúng cho câu thơ của đại thi hào Nguyễn Du:

“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.”

“Thơ là tiếng lòng” (Diệp Tiếp). Nếu hai câu thơ trên vẫn là mượn hình ảnh, mượn sự vật để nói lên nỗi lòng nhớ nhà, nhớ quê của mình; thì đến hai câu kết thúc này, tác giả đã thức sử dụng đến chính tấm lòng cùng chính tài năng của mình để nhắc đến tâm trạng nhớ quê:

“Lòng quê dợn dợn vời con nước

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.”

Tấm lòng của mỗi người con xa quê là đều luôn đau đáu về tình yêu đối với quê nhà. Nếu trong “Chinh phụ ngâm”, của Đoàn Thị Điểm và Đặng Trần Côn, người phụ nữ ấy đau đáu nhớ về người chồng nơi chiến trường:

“Trời xanh thẳm xa vời khôn thấu

Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong.”

Thì ở Huy Cận, cũng là đau đáu, nhưng là đau đáu nhớ về quê nhà, nỗi nhớ ấy cũng giống nỗi nhớ của người phụ nữ “nào xong”? Nỗi nhớ quê hương thường trực trong con người của ông, một nỗi nhớ da diết, một nỗi nhớ mà dù trước bao vẻ đẹp say mê khác, cũng không thể nào thay đổi được tâm trạng của ông. 

Từ láy “dợn dợn” được đưa ra, tạo nên một nỗi nhớ nhẹ nhàng, nhưng khắc khoải thiết tha. Bạn đã từng bắt gặp sự “dợn dợn” này nơi mặt biển chăng? Nó không nhanh, không chậm, không dạt dào, không cuộn trào; mà nó thật nhẹ, nó gợn êm ả, để rồi, từ cái gợn nhẹ nhàng, từ sự êm ả ấy, lòng người chìm đắm hoàn toàn trong nỗi nhớ. Nhân vật trữ tình không muốn thoát li, bởi với ông, tình cảm quê hương, càng đau càng thấm đượm. Câu thơ kết thúc hiện lên giữa khung cảnh hoàng hôn . Người ta thường nói: “Hoàng hôn đẹp nhất, nhưng lại chẳng thuộc về riêng ai”, chẳng như bình minh mang đến sức sống; hoàng hôn nhuộm toàn cảnh trong sắc vàng, nhưng lại mang đến trong tâm hồn con người nỗi buồn man mác không thôi. Đứng dưới hoàng hôn, lòng người sóng lặng, cũng sẽ nhẹ nhàng quật trào, bởi như nó biết, giờ này thuỷ triều đang lên. Nỗi nhớ nhà, nhớ quê của tác giả cũng nhờ cảnh hoàng hôn này mà trở nên sâu đậm hơn. Tác giả nhớ quê, mà không cần xuất hiện hình ảnh thân thương nào nơi đó, lòng người vẫn sẽ hướng về. Đúng là: 

“Quê hương nếu ai không nhớ

Sẽ không lớn nổi thành người.”

(“Quê hương” – Đỗ Trung Quân)

Huy Cận nhớ quê nhà, một nỗi nhớ vượt xa ngàn biển cả, vượt qua mọi mênh mông bất tận, để khi nhìn lại, chợt nhận ra lòng người vốn luôn nặng trĩu với quê hương.

Qua bài thơ “Tràng Giang” của Huy Cận, ta bắt gặp một thi sĩ hết mình say đắm quê hương. Dẫu sự say đắm ấy luôn mang theo nỗi buồn triền miên; nhưng đồng thời cũng mang theo triết lý sâu sắc. Để rồi từ những nỗi buồn, nỗi nhớ khó buông ấy, lòng người càng nhẹ nhàng, càng sâu đậm và càng trân trọng tình yêu quê hương hơn. Tóm lại, bài thơ là tiếng lòng yêu mến quê hương, nhung nhớ quê hương đến da diết của Huy Cận. Mà qua tấm lòng ấy của thi nhân, lòng ta cũng man mác nỗi nhớ quê.

Bài mẫu số 2:

“Andersen đã lượm lặt hạt thơ trên luống đất của người dân cày, ấp ủ chúng nơi trái tim ông rồi gieo vào những túp lều, từ đó lớn lên và nảy nở những bó hoa thơ tuyệt đẹp, chúng an ủi trái tim của người cùng khổ” (Pautopxki). Thật vậy, như những vần thơ được ấp ủ suốt nhiều năm cuộc đời của Andersen, để rồi cuối cùng tạo nên vẻ đẹp tuyệt sắc cho cuộc đời. Trong dòng chảy của nền văn học Việt Nam, giữa những chùm thơ về quê hương, về nỗi nhớ mang tâm tình sắc sảo, tươi vui, cùng lòng tự hào dào dạt; hạt mần tình yêu, cùng nỗi nhớ quê nhà của Huy Cận được gieo xuống mảnh đất màu mỡ cuộc đời. Để rồi, qua từng góp nhặt, qua từng chút một của tình yêu bao la ấy, nhà thơ đã tưới vào hạt mầm ấy lòng nhớ nhung quê hương, sau một quá trình, hạt mầm ấy giờ đây đã bung nở bông hoa tuyệt sắc cho đời. Bông hoa “Tràng Giang” ấy mang vẻ đẹp mang mác buồn của tình yêu, nỗi nhớ quê hương da diết khôn nguôi. Đặc biệt, khổ thơ cuối cùng chính là sâu sắc nhất cho tâm trạng của Huy Cận với quê hương của mình.

“Sứ mệnh chân chính của người nghệ sĩ là dẫn đường cho người đọc đến với xứ sở của cái đẹp” (Pautopxki). Quả thật, Huy Cận (1919-2005) chính là người nghệ sĩ dẫn đường cho người đọc đến với xứ sở tuyệt sắc nơi quê hương ông, song ở xứ sở ông mở ra lại luôn mang nỗi buồn bâng khuâng, không dứt. Huy Cận là bút danh của tác giả, ông tên thật là Cù Huy Cận, là nhà thơ sinh ra ở Hà Tĩnh. Ông là nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ mới. Là một nhà thơ kiêm chính khách. Ông có nhiều tác phẩm, nhưng thường thiên về thơ trữ tình nhiều hơn. Phong cách thơ Xuân Diệu hàm súc, mang đậm triết lý nhân sinh sâu sắc. Hồn thơ ông trải qua hai giai đoạn khác nhau và có sự thay đổi lớn là: trước Cách mạng tháng Tám và sau Cách mạng tháng Tám năm 1945. Các tác phẩm của ông cũng vì thế mà có nhiều sự thay đổi. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, thơ Huy Cận là nỗi sầu nhân thế, sầu ảo não, là nỗi buồn triền miên, với tập thơ tiêu biểu: “Lửa thiêng”; sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, thơ Huy Cận dường như đã lột xác hoàn toàn. Không còn là nỗi buồn sầu nữa, mà là sự tươi vui, mới mẻ và mới lạ trong thơ ông; với tác phẩm tiêu biểu như: “Hai bàn tay em”, “Đất nở hoa”,… Bài thơ “Tràng Giang” sáng tác năm 1939, được in trong tập “Lửa thiêng”. Tác phẩm là nỗi lòng diết da tha thiết của Huy Cận dành cho quê hương.

Bốn khổ thơ kết thúc bài thơ vang lên, như tiếng tâm hồn, như tiếng gọi tri âm tri kỉ của tác giả đối với quê hương thân yêu của mình:

“Lớp lớp mây cao đùn núi bạc

Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa

Lòng quê dợn dợn vời con nước

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.”

“Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật.” Đúng như nhà phê bình văn học Bêlinxki nhận định, thơ đầu tiên phải là tiếng nói tâm hồn của người làm thơ về cuộc đời mình; rồi mới là vẻ đẹp độc đáo của nghệ thuật. Trong “Tràng Giang” cũng vậy,  khổ thơ cuối hiện lên chính là cuộc đời của tác giả đang mong nhớ quê hương, và từ sự mong nhớ đó, các biện pháp nghệ thuật được lồng ghép vào như làm tăng sức gợi hình gợi tả của bài thơ. Hai câu thơ đầu tiên trong bốn câu thơ cuối, là vẻ đẹp thiên nhiên, mà qua đó Huy Cận ẩn mình nỗi nhớ quê hương:

“Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,

Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa.”

Khung cảnh thiên nhiên nơi đây hiện lên thật oai phong, thật kỳ vĩ. Tác giả sử dụng từ láy “lớp lớp” nhằm nhấn mạnh sự đan xen nhiều những đám mây lại với nhau, từ láy ấy cũng góp phần tạo nên cái nhìn sinh động, chân thực hơn cho người đọc về thiên nhiên nơi đây. Đặc biệt không sử dụng các động từ nhẹ, không miêu tả mây nhè nhẹ di chuyển mà tác giả sử dụng động từ mạnh “đùn” để miêu tả quá trình mây xếp thành “núi bạc”. Từ “đùn” như cho thấy mây đang chuyển động mạnh mẽ, cho thấy mây dường như cũng có tâm hồn. Với việc sử dụng từ láy cùng động từ mạnh “đùn”, Huy Cận khắc họa một thiên nhiên kì vĩ, vừa mộng ảo bởi “mây”, nhưng cũng oai hùng của “núi bạc”. Nối tiếp cho vẻ đẹp thiên nhiên ấy, là hình ảnh của chú chim chao liệng tìm bến đỗ. Cánh chim nhỏ giữa bầu trời bao la đang dần chìm vào bóng tối, như càng khắc sâu hơn nỗi nhớ quê hương của tác giả. Đối với Huy Cận, cánh chim nhỏ ấy như sự cô đơn giữa bầu trời, cũng như ông đang cô đơn giữa cuộc đời, chưa thể được trở về với quê hương thân yêu. Trong cái khung cảnh bao la ấy, tâm hồn con người như say đắm trước thiên nhiên, như chìm sâu vào thiên nhiên; nhưng nào ai biết được, thực ra lòng người đang bâng khuâng một nỗi niềm triền miên day dứt với quê nhà.

“Âm điệu là cỗ xe chuyên chở điệu hồn của thi phẩm” (Hoàng Cầm). Thật vậy, như một dòng chảy xuyên suốt từ đầu tới cuối bài thơ, tình cảm, cùng nỗi nhớ quê hương khắc sâu vào tâm hồn của nhân vật trữ tình, để rồi, nhà thơ cuối cùng cũng không còn mượn cảnh vật để miêu tả nỗi nhớ, mà là trực tiếp bộc lộ nỗi nhớ nhung của mình:

“Lòng quê dợn dợn vời con nước

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.”

Nhà thơ Đỗ Trung Quân từng lên tiếng cảm thán về quê hương:

“Quê hương mỗi người chỉ một

Như là chỉ một mẹ mà thôi.”

(Bài thơ “Quê hương”)

Trong tấm lòng đồng diệu của các thi sĩ, quê hương là cội nguồn, quê hương là sức sống, là nhiệt huyết nuôi ta khôn lớn. Cũng trong “Quê hương”, nhà thơ Đỗ Trung Quân từng viết:

“Quê hương là gì hả mẹ

Mà cô giáo dạy hãy yêu?

Quê hương là gì hả mẹ

Ai đi xa cũng nhớ nhiều?

Quê hương là nơi vun đắp, nơi chào đón con khôn lớn trưởng thành từng ngày. Quê hương là “chùm khế ngọt”, là bầu sữa mẹ cho con đeo bám một đời không buông. Để rồi dẫu xa quê muôn trùng, lòng con vẫn hướng về tình thương yêu. Có lẽ nỗi lòng yêu quê của Đỗ Trung Quân cũng chính là nỗi niềm nhớ quê da diết đang chảy nóng rực trong tâm hồn con người thi sĩ Huy Cận. Để rồi, tác giả miêu tả:

“Lòng quê dợn dợn vời con nước”

Không phải là tấm lòng nhớ quê đến sục sôi trào lửa, không phải là nỗi lòng ham muốn có được trong tầm tay, không phải là sự vội vàng đến cuộn trào; mà tình yêu, nỗi nhớ quê của Huy Cận “dợn dợn”. Từ láy “dợn dợn” bật lên, vừa miêu tả về nỗi nhớ quê của Huy Cận, thật nhẹ, thật nhẹ trôi từng ngày, nó không nhanh, nhưng cũng không chậm, nó không tiến, cũng không lùi, nó mãi trôi lẳng lặng mà da diết. Đồng thời, từ láy “dợn dợn” còn vừa gợi hình, gợi tả đặc sắc tiếng tâm lòng nhớ quê của nhân vật trữ tình. Câu thơ kết thúc, như một tiếng chuông vang trong tâm hồn Huy Cận, trước vẻ đẹp của hoàng hôn, lòng thi sĩ vẫn đang say đắm, vẫn đang man mác nỗi buồn thương nhớ quê.

“Từ bao giờ đến bây giờ, từ Homero đến Kinh thi cho tới ca dao Việt Nam. Thơ ca luôn có sức đồng cảm mãnh liệt và quảng đại. Nó nở hoa trên những vui buồn của loài người và kết bạn với loài người cho đến ngày tận thế” (Hoài Thanh). Quả thật, thơ ca chính là người bạn đồng hành trong tiếng nói tâm hồn thiết tha, say đắm với muôn hình vạn trạng của cuộc đời. Thơ ca kết bạn và làm bạn với loài người qua những tiếng tâm hồn đồng điệu. Để rồi từ đó, các tác phẩm thơ lần lượt ra đời như những chùm hoa sáng rực rỡ, đẹp lộng lẫy. Bài thơ “Tràng Giang” khép lại bới khổ thơ cuối cùng là tiếng tâm hồn bộc lộ trực tiếp nỗi niềm mong nhớ quê hương của tác giả. Song nó lại mở ra trong lòng người đọc về một tình yêu quê hương thiết tha.

Trên đây là bài mẫu về phân tích khổ thơ cuối bài thơ “Tràng Giang”. Hy vọng sẽ giúp ích cho quá trình học tập của các bạn.

Xem thêm: Tóm tắt Vào phủ Chúa Trịnh chi tiết và ngắn gọn nhất

Ngữ Văn Lớp 11 -