Cảm nghĩ về bài thơ Bạn đến chơi nhà của Nguyễn Khuyến
Cảm nghĩ về bài thơ Bạn đến chơi nhà được diễn tả qua dàn ý và những bài văn mẫu hay và mang nhiều ý nghĩa của bài thơ.
“Bạn đến chơi nhà” của Nguyễn Khuyến là tác phẩm rất hay và xuất sắc trong chương trình Ngữ văn lớp 7. Bài thơ là tiếng lòng tâm sự của tác giả về tình bạn của mình với Dương Khuê. Là tiếng nói trào phúng vì sự tiếp đãi bạn thiếu nhiều thứ vật chất, chỉ có tình cảm của hai người là trân trọng. Qua bài thơ, ta cảm nhận được một vẻ đẹp tình bạn thuần khiết và trong sáng, rất đáng quý. Dưới đây là bài văn tham khảo về: Cảm nghĩ về bài thơ “Bạn đến chơi nhà” của Nguyễn Khuyến, hy vọng sẽ giúp ích cho bài làm văn của bạn.
Dàn ý bài văn cảm nghĩ về bài thơ “Bạn đến chơi nhà” của Nguyễn Khuyến:
Mở bài:
- Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm.
- Giới thiệu về tình bạn gắn bó của tác giả với người bạn của mình. Tình cảm đó gắn bó, thâm sâu như thế nào?
Thân bài:
- Câu thơ đầu tiên: “Đã bấy lâu nay bác tới nhà”
- “Đã bấy lâu nay”: điều này nói lên thời gian của người bạn đến thăm nhân vật trữ tình là đã từ rất lâu trước đó. Cũng như một lời thừa nhận thời gian xa cách tình bạn của hai người đã từ khá lâu.
- “Bác”: cách xưng hô này gợi lên sự thân thiết, cũng là sự thể hiện cho tình bạn đẹp của tác giả với người tới thăm.
- Câu thơ là sự thể hiện tình bạn thắm thiết và tuyệt đẹp của tác giả với bạn mình.
=> Như vậy, ngay ở câu thơ đầu tiên, tác giả đã như ngân lên một câu reo vui về tình bạn của mình. Tác giả vui vẻ khi gặp người bạn tri âm tri kỷ sau quãng thời gian dài xa cách.
- Sáu câu thơ tiếp theo: Đây là sáu câu thơ thể hiện màn tiếp đón bạn đến chơi của nhà thơ, với một hoàn cảnh tiếp đón có phần khá trào phúng:
- Đầu tiên là sự trắc trở về không gian khi mà tác giả đề cập: chợ xa nhà, trẻ con lại đi vắng. Chợ ở xa không thể tiếp đãi, đi mua và để bạn ở lại nhà một mình. Ấy vậy mà cũng chẳng có trẻ con ở nhà để sai đi mua đồ tiếp đãi bạn. Vì vậy, khung cảnh tiếp đón, đầu tiên là lời giãi bày vì sự thiếu hụt những món đồ thiết đãi khi bạn lâu ngày đến chơi.
- Tiếp theo là khung cảnh cây nhà lá vườn cũng chẳng đủ đầy gì: có cá, nhưng lại gặp phải vấn đề ao sâu; có gà, nhưng vườn lại rào thưa, không thể lùa bắt được. Bạn đến chơi, nếu không thể đãi món ngon chợ bán, thì ít nhất cũng phải thiết đãi món ngon nhà có. Song nhà ông ngay cả cá, gà để đãi bạn bữa cơm đạm bạc cũng không có.
- Ngay cả những thứ thanh đạm hơn như rau: bầu, bí, cà, mướp cũng chưa thể đáp ứng để tiếp đãi bạn. Bầu thì rụng rốn, mướp mới trổ hoa, cà thì chỉ vừa mới nụ; không có một món nào có thể dùng để tiếp đãi.
- Càng cùng cực hơn là hình ảnh cuối cùng “trầu không có”: vừa thể hiện cả ngay “miếng trầu là đầu câu chuyện” cũng không có để mời bạn. Cũng vừa có thể là nghĩa tất cả món ngon vật lạ đều không có để đãi bạn, chỉ có miếng trầu mời bạn khi đến nhà chơi.
=> Tác giả sử dụng hàng loạt từ “không” nhằm nhấn mạnh sự thiếu thốn về vật chất của mình. Đồng thời cũng là tiếng tấm lòng thủy chung cũng như tiếng nói của tình bạn không xem trong vật chất của tác giả nói về mình và người bạn tri kỷ. Sáu câu thơ cũng là tiếng nói tâm hồn sẵn sàng vượt qua khó khăn trở ngại của hai người bạn gắn bó thân thiết với nhau.
- Câu thơ cuối cùng: “Bác đến chơi đây ta với ta”:
- Xưng hô “bác – ta”: đây là cách xưng hô thể hiện sự thân mật, sự hiểu ý, và sự trân trọng bạn của nhân vật trữ tình.
- “Bác” là nói về người bạn của tác giả; “ta” là nói về tác giả.
- “Ta với ta”: là cụm từ được sử dụng để nói về “ta” vừa là tác giả, vừa là bạn của mình. “Ta với ta” là tình cảm của tác giả với người bạn của mình, tình cảm ấy mộc mạc, đơn sơ mà cũng không kém phần đáng trân trọng. Tình cảm ấy, vượt qua mọi rào cản của vật chất để có thể dành cho nhau tất cả sự chân thành. Tình cảm ấy cũng là sự tự hào, là sự thắm thiết, đồng điệu của hai người dành cho nhau.
Kết bài:
- Khẳng định lại nội dung của tác phẩm, qua đó ngợi ca sự tuyệt diệu tình bạn giữa Nguyễn Khuyến và Dương Khuê.
- Nghệ thuật góp phần tạo nên thành công của tác phẩm: giọng thơ hóm hỉnh, trào phúng mà duyên dáng tạo nên nét cuốn hút cho tác phẩm; biện pháp tu từ tăng sức gợi hình gợi tả cho tác phẩm. Bên cạnh đó, thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật cũng tạo nên nét vần điệu nhịp nhàng cho tác phẩm.
Cảm nghĩ về bài thơ “Bạn đến chơi nhà” của Nguyễn Khuyến:
Bài mẫu số 1:
“Thơ ca bắt rễ từ lòng người và nở hoa nơi từ ngữ” (Viên Mai). Quả thật, thơ chính là hạt mầm được tác giả gieo vào lòng mình, để nó bắt nguồn từ tấm lòng yêu mến, từ những cung bậc cảm xúc chân thành của mình để đến với người đọc. Mỗi bài thơ hay là hàng ngàn những góp nhặt nơi tâm hồn của thi sĩ, ở đó, chỉ có tác giả mới có thể đem đến cho mình những gọt giũa tinh tế nhất; để khi tiếng nói ấy đến với độc giả nó là sự hoàn thiện và hoàn mỹ nhất có thể. Bài thơ “Bạn đến chơi nhà” của Nguyễn Khuyến chính là một tác phẩm xuất phát từ chính tâm hồn, từ chính trái tim của nhà thơ dành cho người bạn tri âm Dương Khuê của mình. Qua bài thơ, ta càng nhận ra tình bạn thật đẹp, và tình bạn chân chính là tình cảm mà không mưu cầu đến vật chất.
Nguyễn Khuyến (1835 – 1909) sinh ra tại quê ngoại Nam Định. Là nhà thơ lớn của nền văn học Việt Nam trung đại. Ông từng làm quan, rồi lại có thời gian về ở ẩn, sống cuộc sống an nhàn. Bài thơ “Bạn đến chơi nhà” là tác phẩm được viết trong hoàn cảnh nhà thơ đang quay về ở ẩn. Bài thơ là tiếng nói trào phúng mà hài hước của Nguyễn Khuyến khi người bạn lâu ngày đến thăm nhưng lại chẳng có gì tiếp đãi Dương Khuê. Chỉ có lại mảnh tình cảm bạn bè thấu hiểu là dành cho người bạn của mình. Bài thơ là tiếng tâm hồn, tiếng trái tim tha thiết với tình nghĩa bạn bè của tác giả. Qua bài thơ, ta thấy được khung cảnh tình bạn hoàn mỹ, không yêu cầu vật chất của hai người bạn tri âm đồng điệu với nhau.
“Thơ là thơ, đồng thời là nhạc là họa, là chạm khắc theo một cách riêng” (Sóng Hồng). Thật vậy, từ bao đời nay, thơ vốn không chỉ mang riêng nét tính cách của mình. Thơ đồng thời còn mang thêm vẻ nhịp nhàng của “nhạc”, mang thêm vẻ đẹp chuyên sâu của “họa”; nhưng sâu sắc nhất, thơ luôn là tiếng nói tình cảm riêng của mỗi nhà thơ khác nhau. Qua thơ, ta thấy được sự hiện diện của tâm hồn thi sĩ. Câu thơ mở đầu bài thơ “Bạn đến chơi nhà” chính là vẻ đẹp tâm hồn to lớn với tình bạn của mình của Nguyễn Khuyến:
“Đã bấy lâu nay bác tới chơi”
Ngay ở câu thơ đầu tiên, tác giả đã bộc lộ rõ ràng về chủ đề của bài thơ, là viết về cuộc đến chơi, đến thăm mình của một người bạn tri âm, tri kỷ lâu ngày chưa gặp được nhau. Cụm từ “đã bấy lâu nay” là nhắc đến thời gian qua đã lâu, cả hai người chưa có cho nhau buổi gặp gỡ nào. Thời gian lâu ấy, tình bạn của họ không bị phai nhòa đi, mà vẫn luôn son sắt bền chặt. Mở đầu là nhắc về thời gian, tiếp đó là nhắc về người tới thăm mình: “bác”, không phải cách xưng hô xa lạ, mà đây là tình cảm trân trọng của tác giả dành đến bạn của mình. Qua cách xưng hô này, ta càng cảm nhận thêm tình cảm thắm thiết của nhân vật trữ tình đối với người bạn của mình.
Ấy vậy mà, giữa nhịp điệu giới thiệu về khung cảnh bạn tới thăm mình, tác giả lại tiếp tục nói về khung cảnh thiếu thốn mọi mặt đối với sự gặp gỡ này:
“Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa.”
Ở câu thơ này, tác giả sử dụng biện pháp tu từ đảo ngữ, với biện pháp tu từ này, tác giả đảo vế chợ ở xa xuống sau vế trẻ con không có nhà, như càng nhấn mạnh thêm cho việc khó lòng có được sự tiếp đãi cao sơn mỹ vị với người bạn lâu ngày mới tới. Không gian của “chợ thời xa” nói lên hoàn cảnh không chuẩn bị, cũng chưa thể đi chợ để mua những thức ăn đãi bạn; thêm vào đó, việc tác giả nói về “trẻ thời đi vắng” chính là minh chứng cho việc sẽ không thể sai trẻ thơ đi mua hộ mình, mà chính mình lại không thể thiếu lễ nghĩa để lại một mình bạn ở nhà. Chính vì thế, vấn đề không thể ra ngoài mua đồ thiết đãi bạn đã được tác giả chuyển hướng một cách uyển chuyển và càng không hề có điểm sai để trách móc. Nhưng cũng qua hình ảnh này, nối tiếp một loạt hình ảnh thiếu thốn phía sau lại chính là điều làm nổi bật lên tình bạn cao đẹp của họ:
“Ao sâu nước cả, khôn chài cá,
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.
Cải chửa ra cây, cà mới nụ
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.”
Nếu ở câu thơ trên, tác giả nói về không gian của chợ xa, của việc không thể có buổi du chợ thiết đãi bạn. Thì ở những câu thơ tiếp theo, tác giả nói về những thức quà có trong nhà mình. Nhưng cũng không thoát khỏi giọng thơ trào phúng mà hóm hỉnh, tác giả lại nói về những món đồ chưa hoàn thiện có trong nhà của mình. Cả bốn câu thơ trên đều được tác giả sử dụng biện pháp tu từ đảo ngữ nhằm nhấn mạnh sự thiếu thốn, không có dù chỉ là một món thanh đạm đơn sơ để tiếp đãi bạn sau bao ngày xa cách. Nhà có ao. có vườn: nhưng cả hai đều vô nghĩa khi “ao sâu – khôn chài cá” và “vườn rộng – khó gà”. Có gà, có cá, tuy nhiên điều kiện lại không cho phép để có thể bắt chúng đem làm món ngon đãi bạn. Chỉ có thể nhìn ngắm, mà không thể làm gì. Không chỉ vậy, hàng loạt các loại rau củ cũng được tác giả nêu lên, nhưng cũng như những món khác, tất cả đều chỉ mới chớm bắt đầu hình thành và chưa thể hái để sử dụng. Nào “cải”, nào “cà”, nào “bầu”, nào “mướp” nhưng tất cả chỉ mới được trồng không lâu, vẫn chưa phát triển để có thể dùng nấu ăn. Như vậy, ngay cả một món rau đơn sơ và đạm bạc tác giả cũng chẳng thể lấy ra để mời bạn dùng bữa. Dẫu đã sử dụng giọng điệu trào phúng xen chút hài hước, nhưng ta vẫn cảm nhận rõ sự tự trách đôi phần của tác giả. Bởi, người bạn thân nhất của mình đến thăm, đến gặp gỡ mình, vậy mà lại chẳng thể có gì tiếp đãi. Câu thơ thứ bảy của bài thơ đã nêu bật lên tình cảm cũng như tâm trạng bồi hồi, khó tả của tác giả:
“Đầu trò tiếp khách trầu không có.”
Người ta thường nói: “Miếng trầu là đầu câu chuyện/ Miếng trầu nên dâu nhà người.” Quả thật là vậy, trong mỗi cuộc trò chuyện, mỗi cuộc gặp mặt, có thể không có sự thiết đãi cao sao, thì miếng trầu không cũng đủ bày tỏ tấm lòng thành. Ấy vậy mà, tác giả cũng không có cho mình được miếng trầu để có thể tiếp đãi Dương Khuê. Đối với việc người bạn tri âm tri kỷ đến tận nơi thăm mình sau một khoảng thời gian xa cách; đúng ra mình phải có bữa cơm sum vầy cùng bạn, phải có những món ngon đãi bạn mới đúng lễ nghĩa. Vậy mà, câu thơ này hiện lên, lại là sự phũ phàng đến cùng, bởi ngay cả “miếng trầu” tác giả cũng không có để đãi bạn của mình. Trong lòng nhân vật trữ tình, cùng với hoàn cảnh ở ẩn an nhàn này, tất cả đều được người bạn hiểu rõ, và hiểu một cách sâu sắc. Vì vậy, dẫu tác giả nói lên bao nhiêu thiếu thốn của mình, người bạn ấy vẫn vui vẻ tiếp nhận, vẫn tấm lòng tự hào và trân trọng về bạn mình mà gần gũi nhau. Như vậy, bảy câu thơ đầu đã nói lên tình cảm chân thành, tha thiết trân trọng nhau dù trong hoàn cảnh thiếu thốn nhất về vật chất của hai người bạn.
“Thơ hay là thơ giản dị, thơ không đáy, thơ thăm thẳm khôn cùng” (Hoàng Cầm). Quả thật, câu thơ hay là câu thơ tạo nên vẻ đẹp tươi sáng cho toàn bài thơ nổi bật. Nếu câu thơ trên là vẻ đẹp tình bạn sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn của vật chất; thì ở câu thơ kết thúc toàn bài chính là viên kim cương khắc sâu vào lòng người đọc về một tình cảm chân thành và tha thiết đến đáng tự hào của nhà thơ và bạn của mình:
“Bác đến chơi đây ta với ta.”
Bạn đến chơi, không có lễ nghĩa cao sang thiết đãi, chỉ có tấm chân tình của tác giả luôn một lòng gửi đến bạn mình. Để rồi, cụm từ “ta với ta”, vừa là để nói về chính bản thân mình, vừa là để nói về bạn tri âm. Cả hai đã quá thân thiết, đã quá hiểu rõ về nhau, và đã rất hiểu sâu sắc, đồng cảm cho những điều xuất hiện ở đối phương. Để rồi, cụm từ “ta với ta” như hai mà một, như một mà hai, là để nói về tấm lòng đồng điệu với nhau của hai người bạn. Họ thấu hiểu và sẵn sàng cảm thông cho sự vất vả, khắc nghiệt của nhau. Tóm lại, tình bạn của hai ông hiện lên là sự sâu sắc, là tấm lòng chung thủy, là sự cảm thông sâu sắc của hai người dành cho nhau. Tình bạn ấy thật đẹp, thật đáng tự hào và thật đáng trân trọng.
“Thơ là rượu của thế gian” (Huy Trực). Thật vậy, chính những vẻ đẹp của tình bạn trong bài thơ “Bạn đến chơi nhà” của Nguyễn Khuyến như dòng rượu làm tôi say mê đến thèm khát. Tôi say mê sự tử tế mà hai người dành cho nhau, say mê vẻ đẹp tâm hồn của họ, và càng say mê những vần thơ lưu truyền, để chung ta có những câu từ hay và ý nghĩa về tình bạn. Như vậy, bài thơ khép lại là tấm lòng cao đẹp của nhà thơ dành cho tình bạn tri âm, tri kỷ của mình. Tình bạn ấy thật đáng trân trọng và đáng tự hào, đáng lưu truyền muôn năm.
Bài văn mẫu số 2:
“Cuộc đời là mảnh đất màu mỡ để cho thơ bén rễ sinh sôi” (Pautopxki). Thật vậy, cuộc đời luôn là mảnh đất màu mỡ và tươi tốt nhất để những hạt mầm thơ được phát triển mạnh mẽ. Trên những luống cày, trên những thửa ruộng thơ trong mảnh đất cuộc đời của mình, tác giả Nguyễn Khuyến mang đến cho người đọc một thi phẩm tuyệt diệu về tình bạn. Ở đó, bài thơ “Bạn đến chơi nhà” của ông hiện lên làm bừng sáng cả vùng trời về một tình bạn tuyệt thế.
Nguyễn Khuyến (1835-1909), là nhà thơ lớn của nền văn học trung đại Việt Nam. Ông từng làm quan nhiều năm, sau đó lại có thời gian quyết lui về ở ẩn, quyết sống cuộc sống ẩn dật, mộc mạc. Bài thơ “Bạn đến chơi nhà” là tác phẩm mà thi sĩ viết về chính hoàn cảnh của mình và viết về tình của mình với Dương Khuê. Tình bạn tri âm tri kỷ của hai người đã có từ rất lâu trước. Bài thơ ra đời trong hoàn cảnh người bạn đến thăm tác giả khi ông đang sống cuộc sống an nhàn; tuy nhiên cuộc ghé thăm này lại thật trớ trêu. Và sự trớ trêu ấy tạo nên vẻ đẹp tình bạn của họ.
“Nếu ví tác phẩm văn học là một hạt ngọc tròn trặn ánh ngời, thì cái tạo nên nó là nước mắt hạnh trai và công phu của người nghệ sĩ” (Chế Lan Viên). Quả thật, “Bạn đến chơi nhà” là viên ngọc sáng được tác giả khắc tạc về tình bạn tuyệt đẹp của mình. Ngay từ câu thơ mở đầu, tác giả đã trực tiếp dẫn người đọc đến với xứ sở tuyệt đẹp của tình bạn của hai người. Ở đó, tình bạn của họ bắt đầu cùng với một thời gian xa cách nhau:
“Đã bấy lâu nay bác tới nhà”
Thời gian xa cách, khiến họ đã rất lâu chưa gặp nhau, nhưng ở họ vẫn luôn đọng lại tình cảm tươi đẹp với đối phương. Họ vẫn luôn một lòng tha thiết, trân trọng đối phương. Thời gian không gặp nhau dẫu có xa cách về mặt thời gian, dẫu cách chia về mặt địa lý, nhưng họ vẫn luôn mang tấm lòng hướng đến nhau. Việc tác giả sử dụng cách xưng hô “bác” càng thể hiên tấm lòng của tác giả trân trọng đối với người bạn của mình.
Ấy thế mà, giữa sự bồi hồi, xúc động ấy của việc bạn lâu ngày tới thăm, với sáu câu thơ tiếp theo đã kéo người đọc về hiện thực, cũng là kéo tác giả từ chính sự nao nao trở về với hiện thực có phần trớ trêu:
“Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa
Ao sâu nước cả, khôn chài cá
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà
Cải chửa ra cây, cà mới nụ
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa
Đầu trò tiếp khách trầu không có”
Sáu câu thơ hiện lên là sự thể hiện tấm lòng, nhưng lực bất tòng tâm của tác giả. Khi bạn đến chơi, nhưng hoàn cảnh hiện lên lại không cho phép tác giả có thể tiếp đãi người bạn của mình được những món đúng theo lễ nghĩa đãi khách quý. Chính vì vậy, tác giả vừa sử dụng biện pháp tu từ đảo ngữ, vừa sử dụng nhịp điệu ngắt câu, như chính là nhấn mạnh cho sự thiếu thốn của mình. Ở đó, tác giả còn liệt kê lần lượt các vật chất như: “chợ”, là “gà, cá”, là “bầu, cà, mướp, cải”, “trầu không có”, tất cả đều không hữu ích cho công cuộc tiếp đãi bạn của nhân vật trữ tình. Mọi thức ăn, ngay cả những món đạm bạc nhất trong gia đình cũng chẳng có để có thể tiếp đãi bạn. Ấy vậy mà, chính sự thiếu thốn trong tiếp đãi đó đã làm cho chúng ta cảm nhận sâu sắc về một tình bạn tuyệt vời và đáng tự hào của hai người.
Câu thơ kết thúc bài: “Bác đến chơi đây ta với ta.” với cụm từ “ta với ta” càng khắc sâu hơn về tình cảm ấy của hai người. Một tình cảm chân thành, cảm thông.
Tóm lại, tác phẩm là tấm lòng của tác giả và cũng là tiếng nói ca ngợi về tình bạn tuyệt đẹp của hai người.
Trên đây là bài văn tham khảo về cảm nhận của em về “Bạn đến chơi nhà”.Hy vọng sẽ giúp ích cho các bạn.
Xem thêm: Nội dung, nghệ thuật bài thơ Bạn đến chơi nhà đầy đủ nhất
Ngữ Văn Lớp 7 -Nội dung, nghệ thuật bài thơ Bạn đến chơi nhà đầy đủ nhất
Hoàn cảnh sáng tác, nội dung nghệ thuật bài Cảnh khuya, Rằm tháng giêng
Nội dung nghệ thuật của bài thơ Qua đèo ngang – Văn lớp 7
Biện pháp nghệ thuật trong bài thơ Bánh trôi nước Lớp 7
Dàn ý tả cây phượng hay đầy đủ và ý nghĩa nhất
Biểu cảm về mùa xuân ngắn gọn và ý nghĩa nhất – Văn lớp 7
Dàn ý, bài văn cảm nghĩ về mẹ (biểu cảm) văn lớp 7 hay nhất