Cảm nhận về khổ thơ đầu bài thơ Tràng Giang hay nhất

Cảm nhận về khổ thơ đầu bài thơ Tràng Giang của tác giả Huy Cận là đề bài khó, hãy tham khảo bài viết để cảm nhận được vẻ đẹp thiên nhiên ấy.

Trong chương trình Ngữ văn lớp 11, có lẽ các bạn không còn quá xa lạ với những vần thơ day dứt nỗi buồn mênh mang của Huy Cận từ thi phẩm “Tràng Giang”. Bài thơ là tiếng lòng nhớ thương quê hương, đất nước của tác giả. Đồng thời cũng là tiếng nói ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên quê hương. Mà khổ thơ đầu, chính là vẻ đẹp thiên nhiên ấy. Hãy cùng cảm nhận về khổ đầu bài thơ “Tràng Giang” của Huy Cận trong bài tham khảo dưới đây nhé.

Cảm nhận về khổ thơ đầu bài thơ Tràng Giang hay nhất

Cảm nhận về khổ thơ đầu bài thơ Tràng Giang

Cảm nhận của anh/chị về khổ thơ đầu bài thơ “Tràng Giang” của Huy Cận

Hướng dẫn làm bài:

“Cuộc đời là mảnh đất màu mỡ, để cho thơ bén rễ sinh sôi” (Puskin). Quả thật, cuộc đời chính là mảnh đất, mà từ những luống cày của người nông dân, tác giả đã gom góp, lượm nhặt để góp nên cho mình những bài thơ để đời. Từ bao đời nay, mỗi tác phẩm thơ xuất phát đều là khởi nguồn từ cuộc đời. Cuộc đời là thửa ruộng màu mỡ, mà ở đó nhà thơ đã từng ngày đi góp nhặt những hạt sạn của đời sống rồi từ đó phát triển nó, sau quá trình rèn luyện và mài giũa công phu, nó đã trở thành viên kim cương lấp lánh dưới ánh mặt trời. Trong dòng chảy của nền thơ ca Việt Nam, tác phẩm “Tràng Giang” hiện lên chính là bông hoa mang nỗi buồn man mác về nỗi nhớ quê, nhớ nhà của Huy Cận. Bài thơ là sự ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên quê hương, đồng thời là tiếng lòng cất cao của một tâm hồn dạt dào nhớ thương quê. Đặc biệt, ngay ở khổ thơ đầu tiên, tác giả đã khắc hoạ quê hương mình thật đẹp, nhưng cũng thật buồn.

“Thơ ca là sự phản ánh con người và thời đại một cách cao đẹp” (Sóng Hồng). Thật vậy, “Tràng Giang” chính là sự phản ánh cao đẹp cho thời đại và con người Huy Cận. Huy Cận (1919-2005) tên thật là Cù Huy Cận, là người con của đất Hà Tĩnh. Ông là vừa là một nhà thơ, vừa là một chính khách. Hồn thơ Huy Cận mang đậm triết lý nhân sinh sâu sắc và hàm súc. Ông là nhà thơ tiêu biểu trong phong trào Thơ mới. Là một nhà thơ với lối viết, cùng hồn thơ có sự thay đổi rõ nét trong hai giai đoạn trước và sau Cách Mạng tháng Tám năm 1945. Các tác phẩm của ông chủ yếu được viết theo thể loại trữ tình. Để rồi, qua các tác phẩm, ta thấy rõ phong cách thơ, và con người sâu lắng trong thơ của Huy Cận. Các tác phẩm tiêu biểu của ông cũng được chia thành hai giai đoạn khác nhau. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, thơ Huy Cận mang đậm nỗi man mác, sầu ảo não và buồn triền miên, với tập thơ tiêu biểu là: “Lửa thiêng”. Sau Cách Mạng tháng Tám năm 1945, hồn thơ Huy Cận như lột xác hoàn toàn, không còn mang vẻ buồn bã; mà thay vào đó là sự mới mẻ, mới lạ, tươi vui của tâm hồn thơ ông. Giai đoạn này, ông có tác phẩm tiêu biểu như: “Hai bàn tay của em”,…Bài thơ “Tràng Giang” được sáng tác năm 1939, khi tác giả xa quê, đứng trước một dòng chảy khác lạ, lòng bỗng gợn sóng nhớ nhà, nhớ quê. Bài thơ được in trong tập “Lửa thiêng”. Là tác phẩm tiêu biển của hồn thơ Huy Cận trước Cách mạng.

“Nếu ví tác phẩm văn học là một hạt ngọc tròn trặn ánh ngời, thì cái tạo nên nó là nước mắt hạnh trai và công phu của người nghệ sĩ” (Chế Lan Viên). Quả thật là vậy, tác phẩm văn học chính là hạt ngọc, mà tác giả phải dùng hết tâm huyết, dùng hết tinh hoa của mình để mài giũa sao cho nó lấp lánh dưới ánh nhìn của độc giả; và nó khắc sâu vào tâm hồn độc giả như một tiếng nói đồng điệu. Bài thơ “Tràng Giang” chính là một hạt ngọc phát sáng và dường như có tiếng nói tâm hồn giữa những tác phẩm thơ Huy Cận. Với tiếng lòng cất cao nỗi nhớ quê hương da diết. Ban đầu, tác giả chỉ nhắc đến thiên nhiên rồi hoá mình thành người nhìn ngắm vẻ đẹp ấy; nhưng sau cùng, vì quá nhung nhớ mà tác giả đã chính thức bộc lộ tâm trạng mình. Câu đề từ của tác phẩm: “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài”. Chỉ một câu thơ bảy tiếng, nhưng lại dường như là gói gọn cảm xúc chủ đạo toàn bài thơ – là nỗi nhớ, nỗi nhớ quê hương dạt dào chưa bao giờ buông xuống. Khổ thơ đầu tiên mở ra, chính là vẻ đẹp thiên nhiên nhưng mang nỗi buồn của nhân vật trữ tình. Ấy vậy mà, chính nỗi buồn ấy đã tạo nên nét đặc sắc, độc đáo cho bài thơ. Bên cạnh đó, việc tác giả sử dụng thành công các từ láy, các biện pháp tu từ cũng chính là nét thành công rực rỡ cho thi phẩm.

“Bài thơ anh anh làm một nửa mà thôi

Còn một nửa cho mùa thu làm lấy

Cái xào xạc hồn anh chính là xào xạc lá

Nó không là anh nhưng nó là mùa.”

(Chế Lan Viên)

Thật đúng như Chế Lan Viên viết. Thơ trước hết là nói về cuộc đời thi sĩ, để rồi, từ những vần thơ đầu tiên, thi nhân khắc họa riêng cho mình những con chữ vàng ngọc, và sau đó, tất cả nhường lại cho cuộc đời rèn giũa để rồi nhận lại lấp lánh kim cương. Nếu Chế Lan Viên để mùa thu hoàn thành nốt tiếng lòng của mình; thì đến với Huy Cận, ta nhận thấy một hồn thơ cũng “xào xạc lá”, nhưng nhà thơ lại để chính vẻ đẹp thiên nhiên của quê hương nói lên tiếng lòng đang mong, đang nhớ day dứt của mình:

“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp

Con thuyền xuôi mái nước song song

Thuyền về nước lại sầu trăm ngả

Củi một cành khô lạc mấy dòng.”

Bốn câu thơ hiện lên chính là khung cảnh sông nước mang theo nỗi buồn man mác của nhân vật trữ tình. Hai câu thơ đâu xuất hiện, là khung cảnh mênh mang của sông nước, của thiên nhiên đang dạt dào dòng chảy cảm xúc:

“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp

Con thuyền xuôi mái nước song song.”

Nhan đề “Tràng Giang” với việc sử dụng vần “ang” như nối dài mênh mang, bất bận của sông nước; cũng dường như là chính nỗi buồn trong lòng nhân vật trữ tình, cứ lê thê không buông. Đặc biệt, nhan đề ấy còn gợi lên như một từ Hán Việt, càng tạo ấn tượng sâu sắc hơn với người đọc. Trong câu thơ đầu tiên, tác giả lặp lại “tràng giang”, như lặp lên chủ đề xuyên suốt toàn tác phẩm: là một con sông chảy dài, mang theo nỗi buồn tâm trạng mong nhớ. Không chỉ vậy, việc tác giả sử dụng từ láy “điệp điệp”, “song song” càng như nhấn mạnh thêm cho nỗi buồn triền miên này. Giữa không gian sông nước “sóng gợn”, không phải là song dạt dào vỗ cuộn trào như ngoài biển khơi, không phải sóng tấp nập khi dòng nước chảy xiết,… mà tác giả sử dụng từ “gợn”. Nghĩa là “sóng” rất nhẹ nhàng, rất êm ả, từng chút, từng chút một đong đầy trong lòng sông sự êm dịu mà thiết tha. Song, nối tiếp hình ảnh “sóng gợn”, cụm từ “buồn điệp điệp” với sự sử dụng từ láy “điệp điệp” chính là miêu tả cho hình ảnh sóng trôi chảy cùng làn nước. Dường như sóng cũng buồn, nỗi buồn ấy cứ lặp đi lặp lại, không ồn ào, không dữ dội, nhưng nỗi buồn ấy lại lẽo đẽo theo sau khiến lòng người không dứt. Con sóng như chính là phép ẩn dụ rồi từ đó nhân hóa thành hình tượng nhân vật trữ tình, đứng giữa mênh mông, lòng bâng khuâng nhớ về quê nhà.

Không chỉ dừng lại ở tả cảnh sông nước, hình ảnh “con thuyền” xuất hiện ở câu thơ thứ hai như một hiện thực không thể khác đi của khung cảnh dòng sông. Từ xưa tới nay, “con thuyền” với mặt nước luôn có sự giao thoa, gắn bó mật thiết với nhau. Tuy nhiên ở hai câu thơ này, khi ghép “sóng” cùng “con thuyền” lại với nhau, ta dường như thấy được sự đối lập, sự lạc lõng và nhỏ bé của thuyền. “Con thuyền” xuất hiện là một hình ảnh tả rất chân thực của thi nhân, giữa dòng nước bao la đang không ngừng dạt dào; “con thuyền” thật nhỏ bé, lênh đênh. Cũng như ẩn dụ cho số kiếp của con người trước mênh mông rộng lớn luôn bấp bênh vô định. Song, hình ảnh “con thuyền” đang “song song” chạy trên mặt nước, cũng có thể được hiểu là tấm lòng khao khát muốn vượt mọi rào cản trở về thăm quê nhà của thi sĩ.

“Thơ hay là thơ không đáy, thơ thăm thẳm khôn cùng” (Hoàng Cầm). Thật vậy, thiên nhiên bao la bất tận nơi sông nước chính là nét bút tạo nên vẻ đẹp sâu sắc, không đáy cho bài thơ “Tràng Giang”. Mà đặc biệt, hai câu thơ kết thúc khổ thơ đầu tiên cất lên, là vẻ đẹp của thiên nhiên, của sự vật trên mặt sông; đồng thời cũng là tiếng lòng như đang trôi dạt ẩn thân của nhân vật trữ tình:

“Thuyền về nước lại sầu trăm ngả

Củi một cành khô lạc mấy dòng.”

Câu thơ thứ ba xuất hiện, vẫn là con thuyền, nhưng không còn là sự nhỏ bé, lênh đênh nữa. Tác giả sử dụng biện pháp tu từ đối lập “thuyền về – nước lại” dường như muốn nhấn mạnh sự chia tách của “thuyền – nước”. Ở câu thơ trên, tác giả đã sử dụng hình ảnh “thuyền – nước” nhưng khi lặp lại hình ảnh này vẫn tạo nên cho người đọc cảm giác bâng khuâng, không lặp lại. Thuyền và nước là hai hình ảnh vốn gắn bó với nhau, tuy nhiên ở đây thuyền và nước lại thể hiện sự chia cắt đôi bên khi mà “thuyền về” và chỉ còn “nước lại”. Thuyền bỏ đi, để lại trong lòng nước nỗi “sầu trăm ngả”. “Sầu trăm ngả” như một cụm từ khắc tạc đến rõ nét, đến thiết tha về nỗi buồn, nỗi lòng da diết mong, nhung nhớ thuyền của nước. Song dường như đó cũng là ẩn dụ cho hình ảnh của nhân vật trữ tình buồn vạn trạng, sầu bất định khi nhớ về quê hương.

“Câu thơ hay là câu thơ có khả năng lay động lòng người” (Lưu Trọng Lư). Thật vậy, câu thơ kết thúc khổ một xuất hiện, chính là câu thơ tràn đầy nỗi buồn, qua câu thơ ấy, người đọc như chính thức bước vào không gian bao la sông nước, như chính thức lạc giữa tâm trạng bâng khuâng của thi sĩ:

“Củi một cành khô lạc mấy dòng.”

Tác giả sử dụng biện pháp tu từ đảo ngữ, không phải là “một cành củi khô”, mà là “củi một cành khô” tất cả đều là có dụng ý sâu sắc riêng. Ta chưa từng bắt gặp sự trùng lặp về việc sử dụng “củi khô” để miêu tả tâm trạng ở bất cứ nhà thơ nào. Duy chỉ có hồn thơ đầy chiêm nghiệm và dạt dào triết lý nhân sinh sâu sắc Huy Cận sử dụng. Tưởng chừng như chỉ là một cành củi thô sơ, không có gì để miêu tả; song đến với khung cảnh sông nước trong “Tràng Giang” cành củi ấy chính là hình ảnh đắt giá tạo nên vẻ đẹp cho toàn bài thơ. “Củi khô”, đại diện cho sự vật dường như đã cạn kiệt sức sống, nó nhỏ bé, nó trơ trọi giữa không gian bao la của sông nước. Nhà thơ không đặt là “một cành củi khô”, bởi như vậy, dụng ý của câu thơ sẽ dễ bị phát hiện; mà ngược lại ông dùng đảo ngữ “củi một cành khô”, hình ảnh này xuất hiện giữa dòng sông mênh mang càng trở nên nhỏ bé, lạc lõng và khắc khoải hơn. “Lạc mấy dòng”, càng như sự nhấn mạnh về sự trôi nổi bất định, vô tri vô giác của cành củi; để rồi trên mặt nước, nhưng nó lại trôi dạt qua tận mấy dòng. Không chỉ vậy, với cách sử dụng nhịp thơ 1/3/3, Huy Cận như mang đến cho độc giả cảm nhận sâu sắc, từng chút, từng chút một của nỗi buồn. Củi khô lạc giữa dòng nước, hay tâm hồn con người đang bất định, lênh đênh lạc giữa nỗi nhớ. Dẫu là ở biểu hiện của khía cạnh nào đi chăng nữa; thì câu thơ kết thúc này xuất hiện cũng chính là một sự điểm xuyết xuất sắc của Huy Cận.

“Giống như ngọn lửa thần bốc lên từ những cành khô, tài năng bắt nguồn từ những tình cảm mãnh liệt nhất của con người” (Raxun Gamzatop). Quả thật, như một ngọn lửa “Tràng Giang” xuất hiện đã đưa đến cho người đọc về một tài năng bậc thầy và một tâm hồn đong đầy cảm xúc – Huy Cận. Bài thơ “Tràng Giang” là sự kết hợp hài hoà đến điêu luyện của nhà thơ giữa nét Đường thi cổ điển và nét hiện đại Thơ mới. Nét đường thi được sử dụng trong tác phẩm khá đặc sắc như: thể thơ, nhan đề, đề từ, các phép đối, các từ ngữ theo thể cổ, các từ láy song hành cùng đối,… tất cả tạo nên nét nghiêm ngặt của bài thơ. Song, trái ngược với sự nghiêm ngặt ấy, là nét hiện đại với một cái “tôi” đầy lãng mạn, đấy chất Thơ mới. Các biện pháp tu từ được sử dụng như nhấn mạnh vào dòng tâm trạng của cái “tôi” ấy. 

Như vậy, “Tràng Giang” xuất hiện không chỉ sâu sắc về nội dung, mà còn là nét độc đáo về nghệ thuật. Mà qua những nét khắc họa sâu sắc của Huy Cận, độc giả như cũng đang kề sát bên ông, cùng lặng ngắm dòng nước, cùng đăm chiêu nỗi niềm với quê hương đất nước.

Trên đây là bài làm về cảm nhận của anh/chị về khổ thơ đầu bài thơ “Tràng Giang” của Huy Cận. Hy vọng sẽ là nguồn tham khảo bổ ích cho các bạn. Chúc các bạn thành công.

Xem thêm: Phân tích khổ cuối bài thơ Tràng Giang cực chi tiết

Ngữ Văn Lớp 11 -