Phân tích khổ thơ số 1 bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử

Phân tích khổ thơ số 1 bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ để hiểu rõ hơn vẻ đẹp của bức tranh thôn Vĩ Dạ mà tác giả Hàn Mặc Tử đã nói trong bài thơ.

Trong chương trình Ngữ văn lớp 11, các bạn sẽ được làm quen với Hàn Mặc Tử qua bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ”. Đây là một bài thơ hay, tiêu biểu trong chương trình văn 11, đồng thời là tác phẩm nổi bật trong cuộc đời thơ Hàn Mặc Tử. Bài thơ là tiếng lòng trở về gặp lại chốn xưa, thăm lại người cũ của nhân vật trữ tình; trong đó khổ thơ đầu tiên chính là sự mở đầu hoàn mĩ và xuất sắc cho tác phẩm. Dưới đây là bài làm mẫu về: Phân tích khổ thơ số 1, bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử. Hy vọng bài làm của bọn mình sẽ giúp ích đến các bạn.

Phân tích khổ thơ số 1 bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử

Phân tích khổ thơ số 1 bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ

Phân tích khổ thơ số 1, bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử.

Bài làm mẫu phân tích khổ đầu tiên số 1:

“Thơ là tiếng lòng” (Diệp Tiếp). Thơ ca bắt nguồn từ hạt mầm nảy sinh và lớn lên trên mảnh đất cằn cỗi nhưng bao la cuộc đời. Trên hành trình cuộc đời ấy, thơ là hạt giống được tác giả gieo mầm xuống cuộc đời, để rồi từ cuộc đời thơ sinh sôi, nảy nở trở thành những bông hoa tuyệt sắc cho đời. Những bông hoa thơ ấy, được lớn lên từ sự đồng cảm, sự chân thành và những cảm xúc mãnh liệt, tinh tế, tỉ mỉ quan sát của tác giả. Để rồi từ tiếng lòng ấy, thơ như viên kim cương, viên ngọc trai được thời gian mài giũa trở nên sáng bóng trong đời thơ ca thi sĩ. Trong dòng chảy của nền thơ ca Việt Nam, tác phẩm “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử chính là một thi phẩm, mà ở đó tiếng lòng tác giả được bộc lộ rõ ràng qua những vần thơ tuyệt sắc. Đặc biệt, khổ thơ đầu tiên chính là vẻ đẹp ấy, vẻ đẹp tâm hồn người thi sĩ đang dạt dào tư tưởng trở về thăm lại chốn xưa thơ mộng.

“Nhà thơ như con ong biến trăm hoa thành mật ngọt

Một mật ngọt đòi vạn chuyến ong bay.”

(Chế Lan Viên)

Thật vậy, Hàn Mặc Tử chính là con ong chăm chỉ, cần mẫn sớm hôm cho đến tận những ngày cuối đời của nền thi ca Việt Nam. Hàn Mặc Tử (1912-1940), tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh ra tại Quảng Bình. Ông là nhà thơ lớn, là nhà thơ tiêu biểu trong dòng thơ ca lãng mạn hiện đại, là người khởi xướng, đi đầu trong Trường thơ Loạn. Tác giả được người đương thời ở Bình Định thuở ấy xét thuộc chung với ba người bạn Quách Tuấn, Yến Lan, Chế Lan Viên gọi là Bàn thành tứ hữu. Bút danh Hàn Mặc Tử của ông có nghĩa là hình ảnh chàng trai lẻ loi, cô độc đứng sau chiếc rèm lạnh giá, sau đó bạn bè khuyên ông nên vẽ thêm mặt trăng vào bức rèm lạnh giá ấy. Chính vì vậy, tên Hàn Mặc Tử có nghĩa là “chàng trai bút nghiêng”. Thơ Hàn Mặc Tử làn những nét độc lạ, để dù có xa cõi trần, tâm hồn thơ ấy vẫn đọng mãi trong lòng đọc giả. Nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã nhận xét về thơ Hàn Mặc Tử: “…Một nguồn thơ rào rạt và lạ lùng… và “Vườn thơ Hàn rộng không bờ không bến càng đi xa càng ớn lạnh…”. Quả thật, phong cách thơ Hàn Mặc Tử chính là cái lạ, cái mới mẻ, sinh lại cũng đầy triết lý nhân sinh quan sâu sắc về cuộc đời. Các tác phẩm tiêu biểu thơ ông như: “Thơ Điên”, “Lệ Thanh thi tập”, “Quần tiên hội”, “Chơi giữa mùa trăng”,… . Trong đó bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” là tác phẩm sáng tác năm 1938 và được in trong tập “Thơ Điên”. Bài thơ là tiếng lòng người thi sĩ mong muốn trở về thăm lại chốn cũ, thăm người cố nhân; song tình trạng sức khoẻ lại ngăn cách, vì vậy chỉ có thể trong suy tưởng mà thăm lại nơi đây.

“Thơ ca làm cho tất cả những gì tốt đẹp nhất trên đời đều trở thành bất tử” (Shelly). Quả thực vật, bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” ra đời hai năm trước khi Hàn Mặc Tử qua đời, bài thơ ra đời trong hoàn cảnh tác giả đang ở tại bệnh viện để chữa trị bệnh phong hủi. Quá trình sắp rời xa chốn nhân thế, tác giả bỗng nhớ về quá khứ tươi đẹp, nhớ về những người cũ lâu chưa gặp nhau. Và bài thơ được ra đời là chuyến trở về trong tâm tưởng của tác giả. Song với cái nhìn sâu sắc, tỉ mỉ, tinh tế cùng với việc sử dụng nhuần nhuyễn các biện pháp tu từ đã làm cho bài thơ trở nên xuất sắc như chính cái nhìn chăm chú tại hiện thực nơi cảnh vườn Vĩ Dạ của tác giả. Với cách sử dụng nhuần nhị các biện pháp tu từ, với tạo lập những vần điệu, nhịp điệu riêng, “Đây thôn Vĩ Dạ” hiện lên thật chân thật, thật mộc mạc và cũng thật nồng đượm tâm hồn thơ Hàn Mặc Tử.

“Thơ là thơ, đồng thời là nhạc, là họa là chạm khắc theo một cách riêng” (Sóng Hồng). Thật vậy, thơ trước hết sẽ mang đến cho độc giả về vẻ đẹp cuộc đời, sau đó mới mang đến những cảm nhận sâu sắc và mới mẻ về dụng ý nghệ thuật. Thơ chính là cái nét đẹp của âm thanh vang vọng trong tâm hồn độc giả; là cái nét khắc họa riêng mà độc đáo của thi sĩ. Trong khổ thơ đầu tiên bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử, tác giả đã khắc họa riêng một bức tranh tươi đẹp trong tâm tưởng ngày trở về thăm Thôn Vĩ, thăm cố nhân của chính thi sĩ:

“Sao anh không về chơi Thôn Vĩ?

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền.”

“Thơ hay là thơ không đáy, thơ thăm thẳm khôn cùng” (Hoàng Cầm). Quả thật, với những lời thơ giản dị, chân chất cùng lối sử dụng ngôn từ tự nhiên, mộc mạc; những lời thơ đầu tiên trong chuyến trở về của Hàn Mặc Tử hiện lên thật rõ ràng và cũng thật khôn cùng trong tâm hồn thi nhân và người đọc:

“Sao anh không về chơi Thôn Vĩ?

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.”

Câu hỏi tu từ xuất hiện, dường như là lời hỏi, mang chút nét trách móc, chút hờn giận cua người con gái đang chờ ngày chàng trai trở về thăm chốn thân quen. Song, câu hỏi ấy cũng như chính là để hỏi nhân vật trữ tình, sao một quãng thời gian xa cách vẫn chưa trở về lại thăm nơi thân thuộc này. Câu hỏi tưởng nhẹ, nhưng lại mang tâm tưởng đè nặng trong lòng thi sĩ. Ai chẳng mong về chốn xưa, ai chẳng mong về con người thân thương, nhưng trong hoàn cảnh khắc nghiệt, thi nhân không thể trở về chốn đây. Rõ ràng, như đang du ngoại, dạo bước bên thôn, song lại mờ mờ, ảo ảo của mộng tưởng làm thức tỉnh. Câu hỏi vang lên, như lời cảnh tỉnh tâm hồn tác giả, đang tha thiết, đang nhớ mong dạt dào đối với chốn thôn quê cũ. Đồng thời, câu hỏi tu từ cũng chính là sự dẫn dắt của tác giả, để người đọc có thể nhẹ nhàng bước vào thế giới thơ ông. Câu thơ thứ hai xuất hiện chính là nét đẹp chốn thôn quê này, không còn là sự dạo quanh bước đầu, mà ở đây, tác giả thực sự trở về thôn Vĩ, nhìn ngắm cảnh vật nơi đây:

“Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.”

Tác giả dùng từ “nhìn”, không phải “xem”, không phải “trông” mà là tận mắt tác giả nhìn thấy. Cái nhìn trong suy tưởng, nhưng lại mang nét đẹp của hiện thực, của một vẻ đẹp tự nhiên mộc mạc. Bên cạnh đó, tác giả còn sử dụng biện pháp điệp ngữ: “nắng” càng nhấn mạnh thêm nét đẹp sâu sắc của thôn Vĩ trong tư tưởng tác giả. Cái nắng ấy không phải là nắng trưa oi ả, không phải nắng chiều hoàng hôn ngả bóng, mà là “nắng mới lên”. Cái nắng mai nhẹ nhàng vương trên không gian, cái nắng mai nhẹ nhàng vương vấn trong lòng nhân vật trữ tình. Cái nắng ấy, xuất hiện đầu tiên là qua hình ảnh của “hàng cau”. Cái nắng ấy như hũ mật rót nhẹ nhàng vào khung cảnh sáng mai của khu vườn. Khu vườn sáng mai còn đọng những giọt sương trắng trong tinh khiết, giờ đây đã là sắc vàng nhàn nhạt, và ấm áp, thay thế cho sự lạnh giá buổi đêm. “Cau” dường như là chiếc thước đo mật ngọt mà nắng rót vào khu vườn. Bởi trong khu vườn, cau là loại cây cao lớn nhất. Chính vì vậy, nó sẽ đón nhận cái nắng trước tiên, và nó cũng sẽ là cây đón nhận sự ấm áp trước tiên của khi vườn.

Nếu ở câu thơ trên Hàn Mặc Tử sử dụng sắc vàng của nắng để làm dịu ấm buổi sáng mai; thì ở câu thơ thứ ba trong khổ thơ đầu, tác giả lại mang đến cho người đọc cái xanh tươi tốt, đượm mát lành của khu vườn:

“Vườn ai mướt qua xanh như ngọc”

Cụm từ “vườn ai” được tác giả sử dụng, bên cạnh đó là đại từ phiếm chỉ “ai”, tưởng chừng như nhấn mạnh về sự vô định của khu vườn; song lại cũng dường như là sự khẳng định. Khu vườn này là của người thương, của người mà tác giả muốn trở về thăm chốn cũ để gặp gỡ. Biện pháp tu từ so sánh cùng với tính từ “mướt” như khắc họa nên vẻ đẹp tươm tất mà mượt mà của khu vườn. Với cây cối, rau củ “xanh như ngọc”, không phải cái xanh thẳm, cũng không phải xanh um tùm, mà là cái xanh nhã nhặn, xanh dịu nhẹ, xanh êm ả, tạo nên sự dịu mát tươi sáng cho khu vườn. Khung cảnh khu vườn hiện lên xinh đẹp, tuyệt sắc với đầy đủ gam màu nóng – lạnh tạo nên sự hài hoà và uyển chuyển tinh tế trong mắt người nhìn. Khu vườn hiện lên rõ ràng, dường như là sự quan sát rất chính xác và tỉ mỉ ngay gần gang tấc; chứ không phải cái mong nhớ từ trong tâm tưởng. Để rồi, từ tâm tưởng của nhà thơ, khu vườn hiện len xinh đẹp và tuyệt sắc.

“Câu thơ hay là câu thơ có sức gợi” (Lưu Trọng Lư). Quả thật, câu thơ kết thúc khổ một chính là câu thơ tạo sức gợi, tạo nên nét đẹp không hoà lẫn của “Đây thôn Vĩ Dạ”:

“Lá trúc che ngang mặt chữ điền.”

Đối với người xứ Huế, “mặt chữ điền” là khuôn mặt khả ái, phúc hậu, là khuôn mặt được xem như nét đẹp truyền thống của người Huế mộng mơ. Khuôn mặt ấy tạo nên vẻ đẹp vừa truyền thống, vừa thanh thoát hơi hướng hiện đại, là khuôn mặt được người Huế yêu thích và xem trọng. Nhà thơ nói đến “mặt chữ điền” ở đây, vừa có thể hiểu là hình ảnh tươi đẹp của khu vườn với sự che chắn của bức bình phong là “lá trúc”. Song lại cũng có thể hiểu như sự ngấm ngầm miêu tả khuôn mặt người tương tư của nhân vật trữ tình. Ở đó, trong tâm tưởng, tác giả nhớ về khuôn mặt đó, nét mặt đoan trang, hiền hậu, mà đượm tình cảm nồng nàn. Đó là khuôn mặt khắc sâu trong tâm trí tác giả. Để giờ đây, ở chốn xa xôi cách trở, lòng thi sĩ vẫn nhớ mong không buông. Qua hình ảnh miêu tả này, ta như thấy được cảnh và người chốn Thôn Vĩ như được hài hoà, chung nhịp hơi thở. Như thấy được tiếng lòng nhà thơ bập bùng chung nhịp nhớ mong. Để rồi qua sự nhớ mong ấy, bức tranh thiên nhiên thôn Vĩ hiện lên thật xuất sắc, thật tươi sáng mà cũng ấm áp tình yêu thương.

“Thơ ca trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật” (Bêlinxki). Thật vậy, “Đây thôn Vĩ Dạ” chính là nét đẹp của tâm hồn tác giả mong nhớ về chốn cũ, người xưa; sau đó mới nổi bật lên các biện pháp tu từ so sánh, ẩn dụ; hiện lên sự hài hoà trong sử dụng ngôn ngữ, trong xây dựng các hình ảnh trong sáng và tự nhiên. Bên cạnh đó, cách liên tưởng độc đáo, cách sử dụng nhịp điệu âm hưởng tươi sáng, cũng chính là sự thành công trong nghệ thuật để tạo nên sự thành công vang dội cho bài thơ. Qua bài thơ ta thấy được tâm hồn của tác giả. Nét đẹp ấy tinh tế mà trong sáng, nét đẹp ấy tạo nên trong tâm tưởng tác giả một thôn Vĩ trìu mến, một thôn Vĩ nên thơ và một thôn Vĩ tràn ngập tình cảm. Cũng chính nhờ những nét suy tưởng tỉ mỉ thân thương này, mà bài thơ tạo nên tiếng vang lớn, và trở thành một tác phẩm tiêu biểu hồn thơ Hàn Mặc Tử, và là bài thơ nổi bật trong thi ca Việt Nam.

Bài làm mẫu phân tích khổ thơ đầu tiên số 2:

“Âm điệu là cỗ xe chuyên chở điệu hồn của thi phẩm” (Hoàng Cầm). Thơ cũng như một khúc hát, cất cao lên bên trong những khuôn nhạc ấy là âm điệu nơi tâm hồn tác giả rót vào. Để rồi từ âm điệu ấy, thơ buông trên trang bản thảo là những hạt ngọc của phong cách người nghệ sĩ. Những hạt ngọc ấy, có nhẹ nhàng, có sâu lắng, có yêu thương và có cả tâm sự xót xa. Ở đó, thơ là tiếng lòng cất cao của tâm hồn người thi sĩ. Là tiếng nói tha thiết yêu thương và là tiếng bộc bạch tâm can của thi sĩ. Trong dòng chảy của nền thi ca Việt Nam, nếu “Đồng chí” là tình cảm thi sĩ dành cho những người đồng nghiệp, nếu “Bạn đến chơi nhà” là tiếng lòng của Nguyễn Khuyến dành cho người bạn tri kỉ dương khuê,… thì đến với “Đây thôn Vĩ Dạ” ta sẽ bắt gặp một tiếng tâm hồn bộc bạch được trở về, được thăm lại chốn cũ, thăm lại cố nhân. Bài thơ là tiếng tâm hồn của thi sĩ muốn được trở về gặp lại người thương, muốn được thăm lại nơi cũ từng thân thuộc. Để rồi, qua những nhớ mong, bài thơ ra đời là những suy tưởng trở về song hết sức chân thực của Hàn Mặc Tử. Bốn câu thơ đầu tiên mở ra khung cảnh của Thôn Vĩ thật đẹp, thật nên thơ.

“Sứ mệnh chân chính của người nghệ sĩ là dẫn đường cho người đọc đến với xứ sở của cái đẹp” (Pautopxki). Quả thật, Hàn Mặc Tử (1912-1940) chính là người nghệ sĩ chân thành ấy. Hàn Mặc Tử là bút danh của Nguyễn Trọng Trí, là người con của Quảng Bình thân yêu. Đời thơ ông có duyên với bốn chữ “Bình”: sinh ra tại quê hương Quảng Bình, làm việc tại báo Tân Bình, có người thương tại Bình Thuận và cuối đời mất tại Bình Định. Bút danh Hàn Mặc Tử là hình ảnh tác giả ví mình như con người lẻ loi, cô độc sau bức màn lạnh giá. Sau này bạn bè khuyên ông nên vẽ thêm hình mặt trăng ở trên bức màn ấy, như vậy sẽ thể hiện rõ được sự cô đơn, giá lạnh. Vậy nên bút danh Hàn Mặc Tử chính là “chàng trai bút nghiêng”. Hàn Mặc Tử là người khởi xướng cho phong trào Thơ Loạn, là nhà thời nổi tiếng, dù quãng thời gian sáng tác khá ít, song lại mang đến cho hành trình thơ một kho tàng giá trị. Thơ Hàn Mặc Tử là những chiêm nghiệm, những triết lí do chính tác giả nhận ra. Để rồi qua những triết lý ấy, ta nhìn thấy một hồn thơ mộc mạc, giản dị song cũng không kém phần cô đọng , hàm súc. Các tác phẩm thơ Hàn Mặc Tử chính là những kiệt tác sâu sắc của sự nghiệp thơ ca, với các tác phẩm tiêu biểu như: “Thơ Điên”, “Lệ Thanh thi tập”, “Gái quê”, “Xuân như ý”, “Duyên kỳ ngộ”,…. Trong đó, bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” sáng tác năm 1938 in trong tập thơ “Thơ Điên” chính là tiếng lòng da diết mong nhớ, yêu thương của tác giả dành cho chốn cũ người xưa.

“Thích một bài thơ trước hết là thích một cách nghĩ, một cách nhìn, một cách nói, một cách xúc cảm, nghĩa là trước hết thích tâm hồn của một nhà thơ” (Hoài Thanh). Quả thật, thích một bài thơ chính là việc thích tâm hồn làm thơ đa sầu cũng đa cảm của người nghệ sĩ. Bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” chính là cách nhìn, cách cảm, cách nói sâu sắc nhất của nhà thơ đối với cuộc đời mình, với người cũ chốn xưa. Bài thơ, với việc sử dụng các biện pháp tu từ, các tính từ cùng với các nhịp điệu êm ả đã tạo nên vẻ đẹp muôn đời cho tác phẩm. Đồng thời cũng là nét đẹp riêng, tạo nên những phong cách khác lạ, những nét đẹp riêng bài thơ. Qua bài thơ ta thấy được tiếng nói của một tâm hồn dường như là đã chuẩn bị sẵn con đường ra đi cho mình. Song vẫn luôn mong, luôn nhớ, luôn diết đối với tình cảm chân thành, với những kỉ niệm về người thương và chốn ấy.

“Thơ chỉ bật ra trong tim khi cuộc sống đã thật tràn đầy” (Tố Hữu). Quả thật là vậy, tại chốn xa cách, song lòng thi sĩ vẫn luôn mong ngóng, luôn đợi chờ và nhớ về những hình ảnh của chốn cũ, vẫn luôn một lòng một dạ nhớ về người cũ. Ở ngay bốn câu thơ đầu tiên, tác giả đã đưa người đọc bước vào với thế giới của thôn Vĩ đầy thơ mộng và cũng tràn đầy cảm xúc dạt dào nơi nhân vật trữ tình:

“Sao anh không về chơi Thôn Vĩ?

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền.”

“Thơ ca bắt rễ từ lòng người và nở hoa nơi từ ngữ” (Viên Mai). Quả thật, bắt nguồn từ những tình cảm yêu thương và trân trọng về chốn cũ của mình, tác giả đã vẽ nên một khung cảnh của thôn Vĩ thật tuyệt sắc. Ngay câu thơ đầu tiên, tác giả đã đưa người đọc về với chốn thân thuộc qua suy tưởng của mình, nhưng khung cảnh cùng cảm xúc đều là thật:

“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”

Câu hỏi tu từ như lời trách móc, như lời giận dỗi của tâm hồn người con gái đang hỏi người mình thương tại sao lâu ngày không về thăm chốn cũ. Song câu hỏi ấy lại cũng như đang hỏi chính mình. Tác giả như đang muốn hỏi, tại sao bản thân lâu như vậy vẫn chưa trở lại chốn xưa, chưa trở lại gặp người cũ. Song câu hỏi tu từ lại cũng dường như đã có được sự trả lời trong tâm hồn thi sĩ. Bởi giờ phút tác giả sáng tác “Đây thôn Vĩ Dạ” là quãng thời gian ngắn ngủi còn lại của ông trên cõi đời. Lúc ấy ông mặc bệnh phong hủi và đang chữa trị tại bệnh viện. Đâu thể nào rời khỏi nơi đây, cũng đâu thể nào về thăm chốn cũ thăm người quen. Để rồi, khi tâm hồn đang dạt dào cảm xúc ấy, ông trở về với chốn ấy qua những cảm xúc suy tư của mình. Song dẫu chỉ là những tưởng tượng về thôn Vĩ về người thương, ông vẫn đạt được sự tinh tế và những  cảm nhận chân thành nhất.

Nối tiếp cho sự trở về ấy, tác giả bắt đầu bước vào khuôn viên của khu vườn với những hình ảnh đầu tiên đan xen giữa ấm áp và những mát mẻ, tươi tắn:

“Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”

Hình ảnh đầu tiên, cũng là gam màu đầu tiên tạo nên sắc màu cho khu vườn là sắc màu mang gam nóng của “nắng”. Điệp ngữ “nắng” được nhấn mạnh hai lần, như sự khắc sâu ấn tượng đầu tiên của tác giả đối với vẻ đẹp của khu vườn. Thứ nắng ấy, không phải nắng của buổi trưa oi bức, không phải ánh nắng mang nặng tâm trạng con người vào hoàng hôn. Mà ánh nắng ấy là “nắng mới lên” – cái nắng mai nhẹ nhàng, cái nắng mai nhẹ vòng tay ôm ấm tâm hồn con người. Cái nắng mà ở đấy, con người được nhẹ nhàng buông lỏng bản thân, được vui vẻ tiếp nhận và được thoải mái vui đùa. Cái nắng như làn gió ấm áp, ru rem ả con người cũng như ru êm cả vườn rau sau buổi đêm lạnh. Trên những thửa rau vẫn còn vương lại chút sương đọng, song ánh sương giờ đã mang sắc vàng nhạt, không còn là cái trắng trong tinh khôi vào buổi đêm nữa. “Nắng mai” ấy như là một dòng nhật ngọt, nhẹ nhàng rót chảy đến khu vườn, mà “hàng cau” chính là cáu thước đo cho dòng mật ấy trải dài. “Cau” là loại cây cao nhất trong khu vườn, là loại cây đầu tiên tiếp nhận ánh nắng, chính vì vậy, nguồn ấm đầu tiên của vương lên khu vườn là sự chạm mặt với hàng cau. Nếu ánh nắng là tông màu ấm, là tâm hồn của tác giả luôn tràn đầy tình cảm nhớ mong với nơi đây. Thì câu thơ tiếp theo lại mang gam màu lạnh. Ở đó, tâm hồn tác giả đang khao khát nhớ về sức sống tràn trề nơi đây, song cũng như mong ngóng sự tràn trề sẽ trỗi dậy trong con người của mình:

“Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”

Đại từ phiếm chỉ “ai” đặt cạnh “vườn”, tại thành cụm từ “vườn ai”. Ngỡ là một câu hỏi không rõ ràng khi bước vào khu vườn của nhân vật trữ tình. Song,“vườn ai” ấy lại cũng là chính là sự trả lời cho chủ nhân của khu vườn. Đó là khu vườn người thương trong tâm hồn tác giả. Dùng đại từ phiếm chỉ “ai” dường như là sự ẩn ý cho khu vườn xanh mát, ấm áp tâm hồn người này là của người mình thương, chứ không phải là của ai khác cả. Tiếp đó, tác giả sử dụng biện pháp tu từ so sánh “xanh như ngọc” càng khắc họa rõ hơn cho vẻ đẹp tươi tắn, trong xanh của khu vườn. Không phải cái xanh ngắt hay xanh rêu, xanh lá mạ; mà là cái xanh dịu nhẹ, cái xanh nền nã. Để từ cái xanh ấy, tâm hồn con người êm ả, dịu nhẹ. Như vậy, khung cảnh của vườn Thôn Vĩ hiện lên đây đủ gam màu nóng lạnh và tạo nên vẻ đẹp nên thơ của bức tranh nơi đây.

Câu thơ cuối cùng hiện lên chính là nét vẽ như ẩn như hiện của tác giả về người con gái mình thương:

“Lá trúc che ngang mặt chữ điền.”

Câu thơ vừa mang ý miêu tả vẻ đẹp của khu vườn ẩn sau hàng trúc chính là bức tranh khu vườn ấm áp, tươi tắn. Song cũng có thể hiểu, đó là nét vẽ của tác giả về hình ảnh người con gái mình thương. “Mặt chữ điền” là khuôn mặt điển hình được người Huế ưa chuộng và thích quý. Khuôn mặt ấy là nét đầy đặn, nét tuyệt sắc đôn hậu của người con gái xứ Huế. Mà thơ vận vào miêu tả khu vườn, dường như là ẩn dụ cho vẻ đẹp khuôn trăng đầy đặn của người con gái mình yêu. Ẩn sau những mộc mạc, là nét đẹp tinh khôi và sâu sắc của người con gái ấy. Như vậy, bốn khổ thơ chính là sự khắc hoạ của tác giả về khung cảnh đầu tiên bước vào thế giới thơ mộng của thôn Vĩ, về chốn khu vườn người thương. Chỉ với bốn câu thơ, đặc biệt còn là sự gợi tả trong tâm tưởng; nhưng tác giả đã đưa nó trở nên thật hiện thực, thật sâu sắc trong người đọc.

“Thơ hay là thơ giản dị, xúc động và đầy ám ảnh” (Trần Đăng Khoa). Quả thật, “Đây thôn Vĩ Dạ chính là nét đẹp của tâm hồn tác giả đang phiêu dạt trở về với nơi mình từ thật sự gắn bó. Nơi tác giả muốn được trở về một lần trước khi mãi rời đi. Ở nơi đó, có người tác giả thương, ở nơi đó có kỉ niệm, có tâm hồn tác giả đang treo lơ lửng. Qua bài thơ, với các biện pháp tu từ, với các tính từ sử dụng rất mượt mà, với các hình ảnh cùng gam màu nóng lạnh hài hoà, càng làm cho bài thơ trong suy tưởng nhưng dường như là sự trở về trực tiếp ngắm nhìn của tác giả. Ở đó, bức tranh thiên nhiên hiện lên là sự ẩn dụ nhớ mong về người xưa của thi sĩ. Đồng thời, qua đó, ta cũng thấy được một tâm hồn thơ Hàn Mặc Tử dường như khao khát, như đang cháy bỏng muốn được sống, được trở về, thoát khỏi chốn bệnh tật này.

Trên đây là hai bài làm mẫu của chúng mình về bài làm Phân tích khổ thơ đầu tiên bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ”. Hy vọng bài làm của bọn mình sẽ mang đến nguồn tham khảo bổ ích cho các bạn. Chúc các bạn thành công.

Xem thêm: Tóm tắt Chữ người tử tù ngắn gọn điểm cao nhất (Lớp 11)

Ngữ Văn Lớp 11 -